Diễn đàn thu hút được sự tham gia đông đảo các đại biểu từ các cơ quan quản lý, các chuyên gia, các tổ chức và doanh nghiệp liên quan tới phát triển thương hiệu và xuất nhập khẩu. Diễn đàn là cơ hội tốt để các bên cùng nhìn lại thực trạng thương hiệu quốc gia Việt Nam hiện nay để từ đó cùng đưa ra các giải pháp, kế hoạch hành động cụ thể để xây dựng và phát triển Thương hiệu quốc gia Việt Nam.
Diễn đàn Thương hiệu quốc gia Việt Nam năm 2019 chia ra làm 2 phiên chính, tập trung trao đổi về chiến lược và giải pháp phát triển Thương hiệu quốc gia Việt Nam trong giai đoạn mới. Phiên thứ nhất trao đổi, thảo luận về “Định hướng Chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam” với sự tham gia của cá chuyên gia trong và ngoài nước, chia sẻ kinh nghiệm xây dựng và quảng bá thương hiệu các quốc gia nhứ: Đức, Pháp, Italy, Hàn Quốc,...Phiên thứ hai thảo luận về cơ chế quản lý, phối hợp thực hiện chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam, tạo sức mạnh từ các Bộ, ngành, địa phương, hiệp hội và các doanh nghiệp trong quá trình phát triển Thương hiệu quốc gia Việt Nam.
Diễn giả của sự kiện là các chuyên gia, các nhà quản lý có uy tín trong lĩnh vực thương hiệu đến từ nhiều cơ quan, tổ chức và doanh nghiệp như: Ban Kinh tế Trung ương; Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh; Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương; các chuyên gia quốc tế đến từ các quốc gia Đức, Pháp, Italy và đại diện các doanh nghiệp có sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia.
Phát biểu khai mạc Diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải, Phó Chủ tịch Hội đồng Thương hiệu quốc gia Việt Nam cho rằng: “Hiện nay, chiến lược cạnh tranh bằng thương hiệu đang diễn ra rất mạnh mẽ và sâu rộng, không chỉ dừng lại ở cấp độ doanh nghiệp mà đã phát triển lên mức độ địa phương, ngành hàng và thậm chí ở cấp quốc gia. Trên thế giới đã có hơn 80 quốc gia đang triển khai chương trình xây dựng thương hiệu quốc gia để phát triển thương hiệu sản phẩm sang thị trường nước ngoài. Vì vậy, Việt Nam triển khai xây dựng Chương trình thương hiệu quốc gia là phù hợp với xu hướng phát triển mới là hết sức cần thiết”.
Để nâng cao thế mạnh của Thương hiệu quốc gia Việt Nam, tạo một chiến lược quảng bá đồng bộ, nhất quán và chuyên nghiệp về Thương hiệu Việt Nam trên thị trường thế giới, thực hiện Nghị định số 28/NĐ-CP, Bộ Công Thương đang xây dựng và sẽ trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án Chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam trong giai doạn mới và dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế quản lý và thực hiện Chương trình Thương hiệu quốc gia.
Theo ông Nguyễn Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, Trưởng ban Thư ký Chương trình Thương hiệu quốc gia, nội dung của Chương trình thương hiệu quốc gia Việt Nam trong giai đoạn mới sẽ có sự gắn kết thương hiệu sản phẩm của doanh nghiệp với các hoạt động thu hút đầu tư, quảng bá văn hóa, du lịch. Từ đó xây dựng thương hiệu quốc gia Việt Nam trở thành hình ảnh tích cực, hấp dẫn và thu hút đối với các nhà nhập khẩu, các du khách, nhà đầu tư, người tiêu dùng trên thị trường trong và ngoài nước. Đề án cũng nêu lên cơ chế phối hợp giữa các Bộ, ngành, các địa phương, các tổ chức chính trị xã hội, các doanh nghiệp và cá nhân liên quan trong tổ chức thực hiện Chương trình thương hiệu quốc gia Việt Nam.
Đề án Chương trình thương hiệu quốc gia Việt Nam và Quy chế quản lý, thực hiện Chương trình thương hiệu quốc gia Việt Nam được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt sẽ tạo ra một chính sách, cơ chế thống nhất, đồng thuận nhất quán trên phạm vi cả nước, từ trung ương đến địa phương, giữa các Bộ, ngành, các tổ chức trong xây dựng, quảng bá thương hiệu, hình ảnh quốc gia Việt Nam.
Thông qua việc chia sẻ, trao đổi và thảo luận từ các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực thương hiệu và xuất nhập khẩu, Diễn đàn sẽ góp phần xây dựng Chiến lược Thương hiệu quốc gia Việt Nam phù hợp với giai đoạn mới, giúp phát triển và bảo vệ thương hiệu của doanh nghiệp, địa phương, sản phẩm và quốc gia; từ đó góp phần nâng cao sức cạnh tranh và nâng tầm thương hiệu quốc gia Việt Nam ngày càng vững mạnh trên trường quốc tế.
Chương trình Thương hiệu Quốc gia Việt Nam được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 253/2003/QÐ-TTg ngày 25 tháng 11 năm 2003. Ðây là Chương trình duy nhất của Chính phủ Việt Nam tiến hành với mục đích quảng bá hình ảnh quốc gia, thương hiệu quốc gia thông qua các thương hiệu hàng hóa và dịch vụ. Từ năm 2008, ngày 20/4 hàng năm chính thức được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trở thành ngày Thương hiệu Việt Nam nhằm tôn vinh doanh nghiệp, quảng bá thương hiệu và hình ảnh Việt Nam trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế. |
TQL (TTCN)