Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp nghiệm thu đề án “Hỗ trợ kinh phí đầu tư máy móc thiết bị tiên tiến trong sản xuất tranh kính” tại cơ sở sản xuất của anh Mầu Văn Dũng, xã Cao Đại, huyện Vĩnh Tường
Thực hiện chương trình khuyến công tỉnh, trong giai đoạn 2016 – 2019, TTKC&TVPTCN đã hỗ trợ hơn 90 cơ sở sản xuất, doanh nghiệp ứng dụng máy móc, thiết bị vào sản xuất với tổng kinh phí hơn 9 tỷ đồng, qua đó thu hút khoảng 30 tỷ đồng vốn đối ứng từ các cơ sở này. Cũng trong năm 2019, TTKC&TVPTCN đã phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức nghiệm thu 32 đề án hỗ trợ mua máy móc thiết bị, công nghệ tiên tiến vào sản xuất với kinh phí khuyến công hỗ trợ là 3 tỷ đồng, đạt 100% so với kế hoạch năm…
Các đề án đi vào hoạt động đã giúp các cơ sở, doanh nghiệp CNNT tiết kiệm chi phí, nâng cao chất lượng sản phẩm, dần khẳng định thương hiệu trên thị trường và tạo việc làm ổn định cho lao động địa phương với thu nhập bình quân 5 – 7 triệu đồng/người/tháng.
Đơn cử như cơ sở sản xuất cửa nhôm kính của anh Nguyễn Văn Hồng, xã Cao Phong, huyện Sông Lô. Năm 2019, từ nguồn vốn hỗ trợ của TTKC&TVPTCN, anh Hồng mạnh dạn đầu tư dây chuyền máy móc thiết bị gồm: Máy cắt hai đầu, máy phay đầu đố thông minh, máy hơi, máy đột dập, máy khoan bàn phục vụ sản xuất. Anh Hồng cho biết, thiết bị đi vào hoạt động ổn định đã giải phóng sức lao động, tiết kiệm chi phí nhân công, tạo ra nhiều sản phẩm với độ chính xác tuyệt đối. Hiện cơ sở của anh đã giải quyết việc làm cho 5 lao động địa phương với thu nhập bình quân 6 - 7 triệu đồng/người/tháng, doanh thu ước đạt 1 tỷ đồng/năm.
Dù vậy, công tác triển khai các kế hoạch, đề án khuyến công trên địa bàn tỉnh vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Trình tự thẩm định và cấp kinh phí cho việc thực hiện kế hoạch còn chậm, ảnh hưởng nhiều đến tiến độ thực hiện và hoàn thành kế hoạch. Ngoài ra, kinh phí hỗ trợ xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật, hỗ trợ đổi mới công nghệ cho các cơ sở sản xuất nhìn chung vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của các đơn vị, chưa thực sự tạo ra được động lực cho cơ sở, doanh nghiệp mạnh dạn đổi mới.
Sản phẩm gốm đương đại tại xưởng gốm của nghệ nhân Nguyễn Hồng Quang ở làng Hương Canh, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc
Trước những bài toán khó, trong năm 2020, TTKC&TVPTCN đã nỗ lực khắc phục khó khăn nhanh chóng triển khai các kế hoạch khuyến công. Được sự quan tâm của các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương, công tác xây dựng, phê duyệt kế hoạch khuyến công năm 2020 đã triển khai khá thuận lợi. Phần lớn nguồn kinh phí khuyến công được tập trung cho các đề án hỗ trợ ứng dụng máy móc, thiết bị tiên tiến hiện đại, đáp ứng nhu cầu và từng bước giúp các doanh nghiệp, cơ sở CNNT năng lực hoạt động.
Theo đó, TTKC&TVPTCN đã hỗ trợ đầu tư ứng dụng máy móc thiết bị, công nghệ tiên tiến, xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật cho 35 cơ sở sản xuất; ký hợp đồng phối hợp với 34 đơn vị; hoàn thiện thủ tục hồ sơ cho 32 cơ sở, công ty xin hỗ trợ kinh phí đầu tư mô hình trình diễn kỹ thuật, ứng dụng máy móc tiên tiến, tiến bộ khoa học kỹ thuật... Các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất thực hiện các đề án khuyến công đều có thị trường tiêu thụ ổn định, luôn duy trì sản xuất tốt, đảm bảo được việc làm và thu nhập cho người lao động. Ngoài ra, các vấn đề xử lý ô nhiễm môi trường, xây dựng các mô hình thí điểm về áp dụng sản xuất sạch hơn trong công nghiệp cũng được quan tâm thực hiện.
Ông Nguyễn Xuân Bình, Giám đốc TTKC&TVPTCN khẳng định: “Các đề án hỗ trợ ứng dụng máy móc, thiết bị vào sản xuất của Trung tâm đã đáp ứng đúng nhu cầu của các cơ sở CNNT. Qua đó, không chỉ cải thiện năng lực sản xuất mà còn thay đổi đáng kể diện mạo của ngành CNNT, tạo ra những sản phẩm có giá trị cao, dần khẳng định chỗ đứng trên thị trường”.
Trong thời gian tới, để tiếp tục thực hiện hiệu quả các chương trình khuyến công, TTKC&TVPTCN sẽ tiếp tục đào tạo, tập huấn bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ làm công tác khuyến công; xây dựng mạng lưới các doanh nghiệp nòng cốt tại các địa bàn phát triển CNNT trọng điểm làm đầu mối cung cấp nguyên liệu và tiêu thụ sản phẩm; đa dạng các hoạt động khuyến công, đổi mới công tác hỗ trợ về nội dung ứng dụng máy móc, thiết bị tiên tiến với quy mô lớn, tập trung vào các ngành, nghề có thế mạnh, mũi nhọn của tỉnh nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất, chất lượng sản phẩm và mở rộng thị trường tiêu thụ, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng phát triển công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp của tỉnh.
Theo thống kê của Sở Công Thương, Vĩnh Phúc đang duy trì 25 làng nghề, trong đó có 19 làng nghề truyền thống và 6 làng nghề mới. Với các lĩnh vực sản xuất chủ yếu là: Mộc, gốm, đan lát mây tre, rèn, chế tác đá và chế biến nông - lâm - thủy sản… Các làng nghề đã tạo việc làm cho trên 55.000 lao động nông thôn với mức thu nhập bình quân 3,5 - 5 triệu đồng/người/tháng.
Theo Công nghiệp Tiêu dùng