Thanh Lãng xưa gọi là 3 làng Láng: làng Yên Lan, làng Hợp Lễ và làng Xuân Lãng. Thợ Láng Thanh Lãng nổi tiếng trong và ngoài tỉnh với nghề mộc truyền thống được tồn tại và phát triển theo phương thức cha truyền con nối. Với phương châm vừa làm nghề, vừa dạy nghề cho con cháu có tay nghề vững trong sản xuất, kinh doanh để ổn định cuộc sống, nghề mộc truyền thống đã đóng góp vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế.
Hiện nay, toàn thị trấn có gần 250 hộ trực tiếp mở xưởng SXKD, với 2.661 lao động làm nghề mộc, 152 lao động làm thợ nề; 16 doanh nghiệp hoạt động lĩnh vực ngành nghề, chủ xưởng mộc lớn có cửa hàng, đại lý ở khắp các tỉnh từ Bắc vào Nam, thậm chí một số đồ gỗ cao cấp của Thanh Lãng đã được xuất khẩu sang nhiều nước khu vực Đông Nam Á, đã mang về nguồn thu nhập cao cho người lao động và cũng tự khẳng định được nét đặc trưng của nghề mộc Thanh Lãng.
Với mục tiêu, luôn đặt chất lượng lên hàng đầu, nên các mặt hàng sản xuất ra là những sản phẩm có giá trị sử dụng cao, phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng. Được sự hỗ trợ của Trung tâm Phát triển Công thương Vĩnh Phúc, nhiều hộ sản xuất và kinh doanh trong làng nghề được tiếp cận với công nghệ - thiết bị tiên tiến, nhằm nâng cao giá trị sản xuất, chất lượng sản phẩm. Không chỉ thế, việc ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất còn có tác dụng sử dụng tài nguyên có hiệu quả và giảm phát thải ra môi trường, khai thác nguyên liệu sẵn có, thể hiện được bản sắc văn hoá của địa phương; khẳng định ưu thế về mẫu mã, kiểu dáng, chất lượng cao và có thị trường tiêu thụ mạnh, đáp ứng các tiêu chí về bảo vệ môi trường.
Chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm 2021, doanh thu từ ngành nghề của thị trấn đạt trên 154 tỷ đồng, trong đó chủ yếu từ nghề mộc và chế biến gỗ… Hiệu quả kinh tế từ nghề mộc truyền thống đã và đang góp phần làm thay đổi bộ mặt, diện mạo của địa phương. Hiện thu nhập bình quân đầu người ở Thanh Lãng khoảng 46 triệu đồng/người/năm.
Theo ông Nguyễn Huy Lực, Phó Chủ tịch UBND thị trấn: Để thương hiệu mộc Thanh Lãng tiếp tục vươn xa, nhiều năm qua, thị trấn Thanh Lãng đã phối hợp với các ngành liên quan mở nhiều lớp đào tạo, nâng cao tay nghề chạm khảm, khắc gỗ cho hàng ngàn thợ trẻ; khuyến khích các cơ sở sản xuất trong làng nghề liên tục đầu tư máy móc thiết bị tiên tiến, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất. Địa phương cũng đánh giá rất cao về sự quan tâm của Trung tâm Phát triển Công Thương Vĩnh Phúc đã thường xuyên mở lớp đào tạo nghề và hỗ trợ máy móc thiết bị công nghệ cao cho Thanh Lãng.
Đứng trước tình hình dịch Covid-19 diễn biến ngày càng phức tạp, bên cạnh việc tích cực phòng chống dịch, đảm bảo an toàn, Ban lãnh đạo thị trấn tiếp tục chủ động duy trì hoạt động sản xuất, thu nhập ổn định phát triển kinh tế. Hiện tại, UBND huyện Bình Xuyên đã và đang triển khai cụm công nghiệp làng nghề. Khi Cụm công nghiệp làng nghề đi vào hoạt động sẽ giúp phát triển kinh tế bền vững, giảm thiểu ô nhiễm môi trường trong địa phương./.
Theo Công nghiệp Tiêu dùng