Đến thời điểm hiện nay, toàn tỉnh Tuyên Quang mới có 6 làng nghề được công nhận, bao gồm làng nghề chè tại các thôn: Đồng Hoan, xã Tú Thịnh; Liên Phương, xã Phúc Ứng; Yên Thượng, xã Trung Yên; thôn Cảy, xã Minh Thanh; Đồng Đài, xã Hợp Thành và Vĩnh Tân, xã Tân Trào (Sơn Dương). Theo Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh, số lượng các làng nghề còn ít, một phần do tại nhiều làng nghề, việc lưu giữ, làm nghề chủ yếu vẫn là các hộ gia đình, cá nhân mà chưa có sự tham gia của các hợp tác xã, tổ hợp tác; một phần do nhiều địa phương chưa chú trọng, quan tâm đến việc rà soát, làm các thủ tục công nhận các làng nghề.
Qua rà soát, trên địa bàn tỉnh hiện có 16 nghề, làng nghề truyền thống cần bảo tồn lâu dài. Ngoài 6 làng nghề chè đã được công nhận là các làng nghề trồng bông dệt vải tại xã Lăng Can; Nghề nấu rượu thóc, men lá tại xã Lăng Can, Bình An; Nghề sản xuất đồ thủ công mỹ nghệ tại xã Hồng Quang; Nghề làm bún cổ truyền tại các xã Thượng Lâm, Phúc Yên, Bình An (Lâm Bình) và nghề chế biến rượu ngô men lá tại xã Sơn Phú (Na Hang) thì 3 nghề truyền thống chưa được công nhận là nghề sản xuất bánh gai, nghề đan cót xuất khẩu và nấu rượu chuối thủ công tại các xã Trung Hà, Kim Bình, thị trấn Vĩnh Lộc (Chiêm Hóa). 3 nghề này hiện đang được huyện phối hợp với các sở, ngành liên quan rà soát, đánh giá các điều kiện để trình UBND tỉnh công nhận làng nghề.
Bên cạnh đó, tỉnh Tuyên Quang còn có gần 6.000 cơ sở ngành nghề nông thôn, hoạt động trên nhiều lĩnh vực, như: Khai thác sản xuất vật liệu xây dựng; Chế biến nông, lâm sản; Sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ; Chăn nuôi, làm dịch vụ... Các cơ sở ngành nghề nông thôn thu hút trên 10.000 lao động làm việc, doanh thu hàng năm đạt khoảng 900 tỷ đồng. Điển hình như cơ sở dệt thổ cẩm thôn 6 Minh Quang, xã Minh Hương (huyện Hàm Yên) thu hút 4 lao động làm việc thường xuyên, với mức thu nhập 100 nghìn đồng đến 120 nghìn đồng/ngày/người. Mỗi ngày cơ sở sản xuất ra trên dưới 100 sản phẩm theo nhu cầu của thị trường, trong đó nhiều nhất là khăn, túi... Dệt thổ cẩm đã giải quyết việc làm lúc nông nhàn đồng thời tăng thu nhập cho nhiều lao động tại địa phương. Hiệu quả kinh tế trong nghề dệt thổ cẩm đã lan rộng ra toàn xã và một số xã lân cận.
Thời gian qua, tại Nà Hang, Hàm Yên, Yên Sơn, Sơn Dương, dự án Hỗ trợ Nông nghiệp, nông dân và nông thôn, nguồn quỹ khuyến công, tỉnh đã hỗ trợ nhiều cơ sở sản xuất, tổ hợp tác trong việc xây dựng và phát triển các nghề như dệt, chế biến chè, chế biến miến dong, sản xuất vật liệu xây dựng, chế biến gỗ... Qua đó, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm của các cơ sở trên thị trường.
Giải pháp của ngành Nông nghiệp tỉnh Tuyên Quang là quy hoạch, định hướng phát triển ngành nghề truyền thống nông thôn, làng nghề gắn với Chương trình Mỗi xã một sản phẩm. Từ đó phát huy được tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương, tạo sinh kế và nâng cao thu nhập cho người dân khu vực nông thôn.
Việc phát triển các ngành nghề ở nông thôn, làng nghề bền vững sẽ tạo điều kiện chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp, cơ cấu lao động ở nông thôn theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá. Qua đó, tạo ra nhiều công ăn việc làm, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo, giảm việc di dân từ nông thôn ra thành phố, thực hiện có hiệu quả chương trình xây dựng nông thôn mới, đồng thời bảo tồn, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.
Để hỗ trợ phát triển ngành nghề tiểu thủ công nghiệp, làng nghề, tỉnh đã ban hành và triển khai một số chính sách khuyến khích, hỗ trợ phát triển các ngành nghề, làng nghề nông thôn như: Nghị quyết số 29/2009/NQ-HĐND về chính sách khuyến khích phát triển tiểu thủ công nghiệp và làng nghề trên địa bàn tỉnh; Thực hiện Nghị định số 55/2015/NĐ-CP về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn…
Để phát triển ngành nghề nông thôn và làng nghề, Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định 52/2018/NĐ-CP về phát triển ngành nghề nông thôn.
Theo Làng nghề Việt