Sáng 25-3, tại TP Vinh (Nghệ An), UBND TPHCM và UBND các tỉnh Nghệ An, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Quảng Trị, Quảng Bình, Thừa Thiên Huế, Hà Nam, Cao Bằng, Bắc Kạn đã tổ chức Hội nghị tổng kết Chương trình hợp tác phát triển kinh tế - xã hội giữa TPHCM với một số địa phương phía Bắc và Bắc Trung bộ.

Tham dự Hội nghị có đại diện lãnh đạo UBND TPHCM, lãnh đạo một số tỉnh phía Bắc và Bắc Trung Bộ, đại diện lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Công Thương và hàng trăm nhà đầu tư, doanh nghiệp  trên địa bàn.

Về phía Bộ Công Thương, có ông Ngô Quang Trung, Cục trưởng Cục Công Thương địa phương tham dự Hội nghị và chứng kiến lễ ký kết Bản thỏa thuận hợp tác giữa Lãnh đạo TPHCM và 9 tỉnh phía  Bắc và Bắc Trung Bộ.

Cục trưởng Cục Công Thương địa phương tham dự Hội nghị sáng ngày 25-3

Tại Hội nghị, các đại biểu đã thống nhất đánh giá, thời gian qua, lãnh đạo TPHCM và các tỉnh Nghệ An, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Quảng Trị, Quảng Bình, Thừa Thiên - Huế, Hà Nam, Cao Bằng, Bắc Kạn đã thường xuyên theo dõi, trao đổi, phối hợp trong chỉ đạo, giải quyết khó khăn, vướng mắc trong suốt quá trình triển khai thực hiện, tạo niềm tin cho các doanh nghiệp, các nhà đầu tư của TPHCM đến đầu tư tại các tỉnh.

Mặc dù khó khăn về khoảng cách địa lý giữa TPHCM đến đầu tư tại các tỉnh nhưng các cơ quan, tổ chức và đặc biệt là các doanh nghiệp của TPHCM đã có nhiều nỗ lực trong thực hiện các dự án đầu tư xây dựng, sản xuất, kinh doanh và hỗ trợ các hoạt động xã hội tại một số địa phương phía Bắc và Bắc Trung bộ. Các sở, ban ngành đã chủ động trao đổi thông tin, kinh nghiệm về quy hoạch, kế hoạch, cơ chế chính sách nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, danh mục dự án cần kêu gọi đầu tư; thường xuyên trao đổi thông tin về xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch; kết nối doanh nghiệp trên các trang web của các sở, ban ngành và sàn giao dịch thương mại điện tử các địa phương.

Hội nghị tổng kết chương trình hợp tác kinh tế - xã hội giữa TPHCM và một số tỉnh phía Bắc và Bắc Trung bộ

Bên cạnh những kết quả đạt được, các đại biểu cũng đã nhìn nhận những hạn chế nhất định. Do khoảng cách về địa lý giữa TPHCM và 9 tỉnh khá xa nên còn nhiều khó khăn trong việc cập nhật thông tin, trao đổi, triển khai các nội dung hợp tác giữa sở ngành các địa phương. Nhiều hoạt động hợp tác chỉ dừng lại ở việc cung cấp các thông tin, chưa có nhiều hoạt động mang tính thực chất, lan tỏa, đem lại hiệu quả cao. Một số dự án hợp tác giữa các doanh nghiệp gặp khó khăn, vướng mắc nên tạm dừng hoặc chấm dứt hoạt động; chưa có nhiều dự án quy mô lớn, công nghệ hiện đại trong lĩnh vực công nghiệp chế biến. Số lượng dự án của các nhà đầu tư từ TPHCM đầu tư chưa tương xứng năng lực, tiềm lực, tiềm năng lợi thế của các tỉnh.

Trên cơ sở đánh giá vị trí, tiềm năng phát triển, lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh và một số địa phương phía bắc và Bắc Trung Bộ thống nhất ký kết nội dung hợp tác đến năm 2025 với quan điểm triển khai cụ thể, hiệu quả các chủ trương của Bộ Chính trị, Chương trình hành động của Chính phủ về phát triển kinh tế, xã hội của mỗi địa phương của từng vùng. Phát huy lợi thế của các bên, đóng góp nhiều hơn nữa vào sự phát triển kinh tế, xã hội của từng địa phương...

Mục tiêu của hợp tác nhằm chuyển hóa tiềm năng, lợi thế của các bên thành giá trị cụ thể, đóng góp nhiều hơn nữa vào sự phát triển kinh tế-xã hội của từng địa phương; tạo cầu nối để doanh nghiệp các bên liên kết, hợp tác với nhau; thúc đẩy hợp tác công-tư trên nguyên tắc cùng có lợi và đóng góp vào sự phát triển chung của các bên; trao đổi kinh nghiệm về cải cách hành chính, quản lý nhà nước và hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, nâng cao đời sống của người dân.

Trong giai đoạn 2023-2025, Thành phố Hồ Chí Minh với một số địa phương phía bắc và Bắc Trung Bộ thống nhất phối hợp, mở rộng hợp tác, thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm theo quy mô phát triển của vùng trên các lĩnh vực gồm: Đầu tư, du lịch, văn hóa, nông nghiệp, công thương, khoa học và công nghệ; thông tin và truyền thông; chuyển đổi số, giáo dục, đào tạo và y tế… Với tinh thần cụ thể, hợp tác, liên kết giới thiệu tiềm năng, lợi thế và cơ hội đầu tư của từng địa phương.

Lãnh đạo TPHCM và 9 tỉnh ký kết chương trình hợp tác kinh tế xã hội giai đoạn 2023-2025

Kết luận hội nghị, Phó Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Hiếu đề nghị sau hội nghị, các địa phương xây dựng chương trình, lộ trình, danh mục cụ thể để hiện thực hóa các nội dung hợp tác giữa Thành phố Hồ Chí Minh và các địa phương trong thời gian tới dựa trên nguyên tắc bình đẳng, tự nguyện, phát triển cùng có lợi.

Việc hợp tác cần có trọng tâm, trọng điểm; trong đó, ưu tiên tập trung vào một số lĩnh vực chủ yếu của từng địa phương, doanh nghiệp có lợi thế để tạo môi trường thuận lợi, tiền đề cho sự phát triển chung của cả vùng, bảo đảm tốt không gian phát triển chung của đất nước.

Phó Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh mong muốn lãnh đạo các địa phương quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo các Sở, ban, ngành chủ động phối hợp với các cơ quan của Thành phố Hồ Chí Minh để thực hiện các nội dung hợp tác; duy trì tình đoàn kết, gắn bó giữa thành phố và các địa phương; tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư tại Thành phố Hồ Chí Minh tham gia xúc tiến đầu tư, tạo nhiều việc làm, tăng thu ngân sách cho các địa phương và Thành phố Hồ Chí Minh./.

 

PTKD

Ảnh: Sưu tầm

 

Tin đã đăng