Khó tham gia chuỗi cung ứng
Là doanh nghiệp sản xuất các thiết bị cơ khí cho các tập đoàn lớn trên thế giới, trong đó có hãng xe điện Tesla, ông Nguyễn Văn Trí - Tổng giám đốc Công ty cơ khí Lập Phúc cho rằng, tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu là việc khó với doanh nghiệp trong nước do phải đáp ứng rất nhiều tiêu chí khác nhau. Như với các đối tác Hoa Kỳ, bên cạnh các yêu cầu khắt khe về nhà máy sản xuất, thiết bị đạt chuẩn… các doanh nghiệp Hoa Kỳ còn đặt ra yêu cầu giá sản phẩm bán cho họ phải mang tính cạnh tranh, phải rẻ hơn Trung Quốc. “Giá rẻ hơn Trung Quốc nhưng chất lượng phải đạt tiêu chuẩn Nhật Bản. Đây là bài toán khó không phải doanh nghiệp nào cũng đáp ứng được” ông Nguyễn Văn Trí bày tỏ.
Theo lãnh đạo Công ty cơ khí Lập Phúc, để có giá rẻ hơn doanh nghiệp Trung Quốc, công ty Lập Phúc phải mua máy móc đã qua sử dụng từ Nhật Bản về rồi cải tiến lại. Tuy nhiên, mua máy móc cũ phải đóng thuế nhập khẩu rất cao. Cùng đó, cái khó chung nữa với các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực CNHT hiện nay chính là nếu công ty chế tạo được thân máy nhưng phụ tùng vẫn phải nhập thì không thể cạnh tranh với máy của Đài Loan (Trung Quốc).
Ông Nguyễn Văn Trí kiến nghị, nếu giải quyết được vấn đề thuế nhập khẩu, ngành công nghiệp chế tạo máy trong nước mới phát triển, từ đó doanh nghiệp nội địa sẽ có nguồn máy rẻ phục vụ sản xuất.
Một số khảo sát của doanh nghiệp gần đây cũng chỉ ra, khả năng tham gia của Việt Nam còn thấp so với các quốc gia trong khu vực ASEAN. Trong các chuỗi sản xuất và cung ứng, DN Việt Nam chủ yếu tập trung vào công đoạn gia công, lắp ráp… với giá trị gia tăng thấp. Nguyên nhân chính là do các doanh nghiệp Việt Nam hạn chế về vốn, công nghệ và quản lý, cũng như năng lực sản xuất và khả năng đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế. Nhiều doanh nghiệp chưa tập trung giải quyết những vấn đề mang tính dài hạn, chiến lược như xây dựng và đào tạo nguồn nhân lực, làm chủ công nghệ, đổi mới sáng tạo, mở rộng kết nối mạng lưới, tăng cường đáp ứng quy chuẩn và quản trị rủi ro
Tăng hợp tác, chuyển giao công nghệ
Theo đánh giá của các tổ chức nước ngoài, Việt Nam đang có sự phục hồi và phát triển nhanh sau khi dịch COVID-19 được kiểm soát. Nhiều doanh nghiệp từ các nước phát triển muốn mở rộng đầu tư vào Việt Nam, nên đây cũng là cơ hội cho phát triển CNHT.
Ông Alex Tatsis, Trưởng phòng Kinh tế Tổng lãnh sự quán Mỹ tại TP. Hồ Chí Minh, cho biết Mỹ đang đầu tư để giúp Việt Nam tăng cường vai trò trong chuỗi cung ứng toàn cầu về dài hạn. Cụ thể, thông qua dự án kết nối các doanh nghiệp nhỏ và vừa của USAID giúp doanh nghiệp nhỏ và vừa của Việt Nam nâng cao năng lực sản xuất, tiếp cận nguồn tài chính, thực hiện chuyển đổi số, từ đó giúp các doanh nghiệp CNHT tham gia tốt hơn chuỗi cung ứng toàn cầu.
Chia sẻ về vấn đề này, bà Lê Nguyễn Duy Oanh, Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển CNHT TP. Hồ Chí Minh cho biết, để nâng cao giá trị cạnh tranh cho các sản phẩm CNHT, bên cạnh nỗ lực của DN trong việc quản trị và tối ưu hóa hoạt động sản xuất thì việc hợp tác, liên kết với các mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng là rất quan trọng.
Bên cạnh đó, nhận thức được vai trò của CNHT, TP. Hồ Chí Minh xác định đây là lĩnh vực ưu tiên cần tập trung phát triển. Vì vậy, Thành ủy và UBND thành phố đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai rất nhiều giải pháp phát triển CNHT như: Thành lập Ban Chỉ đạo phát triển CNHT thành phố; thành lập Trung tâm phát triển CNHT thành phố trực thuộc Sở Công Thương; cùng với một số giải pháp cụ thể khác như xây dựng Chương trình phát triển CNHT trên địa bàn Thành phố đồng thời tổ chức kết nối cung cầu sản phẩm CNHT.
Một giải pháp khác của TP. Hồ Chí Minh trong hỗ trợ doanh nghiệp chính là hỗ trợ đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, kích cầu đầu tư, hỗ trợ lãi suất cho các doanh nghiệp CNHT... Thực tế cho thấy, các giải pháp trên đã góp phần thúc đẩy phát triển CNHT cũng như tạo điều kiện tham gia hiệu quả chuỗi cung ứng và chuỗi giá trị toàn cầu.
Mới đây, TP. Hồ Chí Minh đã xây dựng Đề án thành lập Khu CNHT ứng dụng công nghệ cao phục vụ phát triển các ngành CNHT, đồng thời đáp ứng nhu cầu về mặt bằng sản xuất của doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp ngành cơ khí - tự động hóa. |
Nguồn: http://www.moit.gov.vn
Sưu tầm: PTKD-VPC