Trên cơ sở đề nghị của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Hội đồng xét công nhận nghề truyền thống, làng nghề, làng nghề truyền thống tỉnh Thanh Hóa đã tiến hành bỏ phiếu công nhận 18 nghề truyền thống, làng nghề, làng nghề truyền thống năm 2022.
Theo đó, 18 nghề truyền thống, làng nghề, làng nghề truyền thống năm 2022 của tỉnh Thanh Hóa gồm: 5 nghề truyền thống, 7 làng nghề, 6 làng nghề truyền thống.
Cụ thể, nghề dệt thổ cẩm bản Na Chừa, xã Mường Chanh, huyện Mường Lát; nghề mộc thôn Long Thịnh, thôn 1 Yên Lược, thôn 2 Yên Lược, thôn 3 Yên Lược, thôn 1, thôn 3, thôn 4 xã Thuận Minh; nghề làm kẹo lạc thôn Phú Cường, thôn Phú Thọ xã Phú Xuân, huyện Thọ Xuân; nghề làm mắm tép thôn Trung Tâm và thôn Trung Chính, xã Yến Dương; nghề đan cót thôn Yên Thôn, xã Hà Hải, huyện Hà Trung được công nhận là nghề truyền thống.
7 thôn được công nhận là làng nghề sản xuất và kinh doanh sinh vật cảnh gồm: thôn 3, thôn 4 xã Vân Sơn, huyện Triệu Sơn, thôn Ngọc Diên 1, thôn Ngọc Diên 2, thôn Chính Đa, thôn Phú Lương, thôn Thanh Xuân, xã Quảng Chính, huyện Quảng Xương.
4 làng nghề truyền thống được công nhận gồm: nghề sản xuất rượu cần thôn Tân Thành, xã Thành Lâm, huyện Bá Thước; nghề làm miến gạo, thôn Phú Cường, xã Phú Xuân; nghề làm nón lá ở các thôn 3, thôn 4 xã Thọ Lộc, huyện Thọ Xuân.
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Lê Đức Giang, để nghề, làng nghề phát triển bền vững và ngày càng hiệu quả hơn, các địa phương cần tăng cường đào tạo, ứng dụng công nghệ, phối hợp với các cơ quan tuyên truyền đẩy mạnh quảng bá sản phẩm làng nghề, từ đó thúc đẩy phát triển sản xuất, mở rộng thị trường tiêu thụ và ngày càng tạo nhiều việc làm, tăng thu nhập, nâng cao chất lượng đời sống của người dân, góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, xây dựng nông thôn mới.
Theo Báo Công Thương