Gọi là làng nghề đá chẻ Hòa Sơn, nhưng thực tế, các hộ cơ sở làm nghề đá chẻ nằm rải rác dọc tuyến đường ĐH2 (liên xã Hòa Sơn – Hòa Nhơn, Hòa Vang, Đà Nẵng) thuộc địa phận các thôn Phú Hạ, Xuân Phú, Phú Thượng. Nghề làm đá chẻ Hòa Sơn ra đời vào khoảng đầu năm 2002, xuất phát điểm từ một vài hộ dân mua nguyên liệu đá được khai thác từ 2 mỏ đá Hồ Mùn và Trường Bản (Hòa Sơn) sau đó cắt, chẻ thành các sản phẩm đá trang trí nội thất. Từ một vài hộ rồi phát triển mạnh đến nay toàn xã Hòa Sơn có 88 cơ sở sản xuất, hộ làm nghề, với khoảng hơn 500 lao động.
Ông Nguyễn Duy Phương – Chủ tịch UBND xã Hòa Sơn cho biết làng nghề đá chẻ Hòa Sơn ra đời hoàn toàn tự phát, cũng vì vậy, quy mô hoạt động sản xuất chủ yếu là nhỏ lẻ, manh mún.
Nhờ “lộc trời” là những mỏ đá thiên nhiên có sẵn trên địa bàn nên nghề làm đá chẻ có nhiều tiềm năng phát triển. Tuy nhiên, do các hộ làm nghề nằm rải rác, manh mún, nhỏ lẻ gây nhiều khó khăn bất cập cho việc quản lý, phát triển làng nghề. Mới đây, TP. Đà Nẵng đã phê duyệt đề án Phát triển Làng nghề đá chẻ Hòa Sơn với tổng diện tích đất quy hoạch là 119.509m2, trong đó, đất bố trí sản xuất đá chẻ là 41.769m2 (tương đương 202 lô). Ông Nguyễn Hà Bắc, Giám đốc Sở Công Thương Đà Nẵng cho biết, dự án Phát triển Làng nghề đá chẻ Hòa Sơn được thực hiện nhằm quy hoạch, bố trí và sắp xếp lại Làng đá chẻ; phát triển nghề đá chẻ trên cơ sở khai thác hiệu quả nguồn tài nguyên thiên nhiên, đưa các hộ sản xuất và hộ bị ảnh hưởng giải phóng mặt bằng dự án đường ĐH2 vào hoạt động sản xuất đá chẻ tập trung tại khu vực quy hoạch; góp phần giải quyết việc làm, khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường; tiến đến xa hơn là thành lập Cụm công nghiệp Làng nghề đá chẻ Hòa Sơn.
Nhọc nhằn nghề thợ làm đá chẻ
Nghề làm đá chẻ Hòa Sơn là nghề thủ công, thiên về đòi hỏi sức khỏe, sự chịu khó, cần cù và một chút khéo léo. Đúng như tên gọi, nghề làm đá chẻ được hiểu đơn giản là chẻ, cắt những khối đá lớn để trở thành đá trang trí nội thất. Có 3 công đoạn cơ bản để đá từ nguyên liệu đến thành phẩm gồm rã đá (đập đá), cắt đá, và chẻ đá thành phẩm. Các chủ cơ sở nhập đá nguyên liệu từ mỏ đá về trại làm đá. Thợ đập đá sẽ nhận khoán rã (đập) số đá nguyên liệu đó ra những bản nhỏ hơn. Sau đó thợ cắt đá sẽ cắt các khối đá đã được rã nhỏ thành những khổ đá có kích thước bề ngang và dài cụ thể như 10 x 20 (cm), 15 x 30 (cm)…. Khâu cuối cùng, các thợ chẻ đá lấy những viên đá đã được cắt thành khổ dùng búa nhỏ và đe để chẻ thành những viên đá có độ dày tùy theo đơn hàng (3mm, 5mm, 1cm, 2cm…)
Ngồi nghỉ giải lao tại chỗ khi vừa rã xong một khối đá lớn, ông Nguyễn Văn Trí (56 tuổi, Hòa Nhơn, Hòa Vang) cho biết mình là phu làm đá từ thời thanh niên và làm đến bây giờ. Công việc của ông Trí là rã đá (đập đá), Chủ trại (cơ sở) sẽ trả công theo sức lao động của thợ làm công, mỗi xe đá nguyên liệu nhập về bao nhiêu tấn đều có phiếu, thợ rã đá nhận phiếu rồi làm, tùy theo khả năng của thợ rã được nhiều hay ít đá sẽ quyết định thu nhập. “Như tôi thì thu nhập vào khoảng 7 – 8 triệu/tháng. Thợ nào làm nhiều hơn thì thu nhập 8 – 10 triệu/tháng”.
Ngồi tránh nắng phụ vợ chẻ đá, Nguyễn Hồng Thanh (30 tuổi) cho biết anh từ Nghệ An vào Đà Nẵng lập nghiệp và đã gắn bó với nghề này được hơn 10 năm. Cả hai vợ chồng anh đều làm nghề đá chẻ. Công việc chính của anh Thanh là rã đá (đập đá) và cưa đá, còn vợ thì chẻ đá.
Theo anh Thanh, nghề này nói cực thì chưa đúng lắm đâu, phải nói là như “đổ lửa” nhưng bù lại học nghề và làm nghề khá nhanh. “Nghề này không đòi hỏi trình độ hay kỹ thuật gì cao. Đàn ông có sức thì làm đập đá, cắt đá, phụ nữ thì làm chẻ đá. Nếu chịu khó học hỏi và tinh ý thì chỉ học khoảng 1 tuần đã làm được”, anh Thanh chia sẻ thêm và cho biết thu nhập của vợ chồng anh vào khoảng 12 triệu đồng/tháng/2 người, đủ chi tiêu trong gia đình và có dôi dư một chút cho tiết kiệm.
Còn theo bà Nguyễn Thị Kim Năng – Chủ cơ sở đá Hòa Sơn – Sài Gòn, nghề làm đá chẻ hầu như là thủ công 100%, vì vậy, chỉ cần cần cù, chịu khó và có sức khỏe là có thu nhập. Trung bình mỗi thợ làm nghề ở đây có thu nhập từ 3 – 10 triệu tùy công đoạn, tùy năng lực. Ví dụ như thợ đập đá vất vả nhất thì thu nhập cao nhất (7 – 10 triệu/tháng), còn phụ nữ làm việc chẻ đá nhẹ nhàng thì thu nhập 5 – 7 triệu/tháng, ai mới học nghề chịu khó cũng thu nhập 3 – 5 triệu/tháng.
Nhiều khó khăn để hình thành làng nghề bài bản
Mặc dù là nghề khá đơn giản, lại có nguồn nguyên liệu dồi dào, có nhiều tiềm năng phát triển, nhưng ông Nguyễn Duy Phương – Chủ tịch UBND xã Hòa Sơn cho biết để trở thành một làng nghề đá chẻ bài bản, có sức cạnh tranh đứng vững trong hội nhập và mục tiêu cao hơn nữa là trở thành cụm công nghiệp Làng nghề đá chẻ còn rất nhiều khó khăn.
Theo ông Phương, TP. Đà Nẵng đã nhiều lần có kế hoạch mở rộng làng nghề đá chẻ cũng như quy hoạch chung các hộ làm nghề tập trung nhưng thực tế công tác này còn rất nhiều vướng mắc. Hai vướng mắc lớn nhất đó là công tác giải phóng mặt bằng và xử lý môi trường. “Hiện quy hoạch mở rộng làng nghề đá chẻ đang tạm dừng, vì triển khai tiếp sẽ vướng về phạm vi chật, hẹp, rồi công tác giải phóng mặt bằng rất lớn. Bên cạnh đó là vấn đề là sao khi hình thành Làng nghề rồi phải đảm bảo môi trường”, ông Phương nói.
Từ nhiều năm nay, việc sản xuất tự phát nằm rải rác, công đoạn cắt xẻ, phá đá cũng gây ô nhiễm môi trường, gây nhiều bức xúc cho người dân sinh sống dọc tuyến ĐH2. Nếu hình thành khu vực làng nghề tập trung thì phải có khu xử lý nước thải tập trung, phải có hệ thống đấu nối nước thải vào khu xử lý nước thải. Nhưng điều này là vô cùng khó.
Theo tìm hiểu của phóng viên báo Công Thương, hiện điều kiện sản xuất của các hộ sản xuất đá chẻ mới dừng ở mức thô sơ, quy mô sản xuất siêu nhỏ, chưa có đơn vị nào có tính đến xử lý mùn đá trong quá trình cắt đá. Vì quy mô siêu nhỏ, tự phát, vốn không có, nên một vấn đề lớn đặt ra cho chính quyền xã Hòa Sơn nói riêng, huyện Hòa Vang nói chung khi phát triển làng nghề đó là các hộ sản xuất có đồng ý hay có vốn đầu tư xây dựng xưởng sản xuất bài bản trong khu làng nghề tập trung hay không? Có đầu tư xây dựng được hệ thống đấu nối xử lý nước thải được hay không?
Ông Phương cho biết chính quyền xã luôn theo dõi sát vấn đề môi trường tại các hộ sản xuất. “Mỗi hộ sản xuất đều ký cam kết đảm bảo môi trường. Đa phần họ hoạt động trong các khu đất vườn của gia đình, với làm nghề nhỏ nên chính quyền xã chỉ theo dõi và nhắc nhở thường xuyên thôi. Còn hình thành làng nghề thì việc xử lý ô nhiễm môi trường sẽ được tính toán kỹ càng hơn”, ông Phương cho hay.
Ngoài 2 vướng mắc trên, để dự án phát triển làng nghề đá chẻ Hòa Sơn đạt mục tiêu đặt ra còn nhiều “nút thắt” nữa cần phải giải quyết như đảm bảo điều kiện sản xuất cho lao động, vấn đề đa dạng hóa sản phẩm, đầu ra cho sản phẩm….
QH (st) Theo Báo Công Thương