Với tinh thần luôn đồng hành cùng doanh nghiệp của Đảng và Nhà nước, cũng như sự nỗ lực vươn lên mạnh mẽ của chính cộng đồng doanh nghiệp, sau hơn 30 năm đổi mới, khu vực doanh nghiệp ngày càng khẳng định vai trò, vị trí quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội quốc gia.

Đó là khẳng định của Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Vũ Đại Thắng tại buổi họp báo “Hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp năm 2019” với chủ đề “Phát triển mạnh mẽ doanh nghiệp – hội nhập, hiệu quả, bền vững” do Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức ngày 19/12, tại Hà Nội.

Nhiều điểm sáng ấn tượng


Những năm gần đây, việc thúc đẩy mạnh mẽ tinh thần doanh nhân được Đảng và Chính phủ quan tâm hơn bao giờ hết. Lần đầu tiên có 3 Nghị quyết dành riêng cho 3 khu vực kinh tế. Với tinh thần luôn đồng hành cùng doanh nghiệp của Đảng và Nhà nước, khu vực doanh nghiệp ngày càng khẳng định vai trò, vị trí quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội quốc gia.

Theo đó, bức tranh doanh nghiệp thời gian qua có nhiều điểm sáng ấn tượng, đặc biệt tinh thần khởi nghiệp kinh doanh ngày càng mạnh mẽ. Điều này thể hiện rõ qua số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới liên tục “phá kỷ lục” trong 5 năm gần đây. Ông Bùi Anh Tuấn – Cục trưởng Cục Quản lý đăng ký kinh doanh (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) – dẫn chứng, trung bình giai đoạn 2016-2019, mỗi năm có trên 126 nghìn doanh nghiệp thành lập mới. Đặc biệt, 3 tháng cuối năm 2019, đã có bước nhảy vọt sự phát triển doanh nghiệp. Theo đó, tính chung đến tháng 11, cả nước có hơn 127 nghìn doanh nghiệp thành lập mới, với vốn đăng ký khoảng 1,5 triệu tỷ đồng. Dự tính đến tháng 12, con số này sẽ có khoảng 138 nghìn doanh nghiệp.

Nếu như bức tranh doanh nghiệp thành lập mới liên tục phá kỷ lục thì chuyển dịch cơ cấu quy mô doanh nghiệp cũng đạt nhiều kết quả tích cực. Theo đánh giá của ông Nguyễn Mạnh Hùng - Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) - tỷ trọng các doanh nghiệp quy mô vừa có xu hướng tăng, trong khi tỷ trọng nhóm doanh nghiệp siêu nhỏ giảm, tạo tiền đề hình thành lực lượng doanh nghiệp Việt Nam có vai trò dẫn dắt.

Trong những năm gần đây, bên cạnh các tập đoàn nhà nước, doanh nghiệp FDI lớn, đã chứng kiến những tập đoàn kinh tế lớn trong khu vực tư nhân với quy mô ngày càng tăng, tiềm lực lớn như SunGroup, FLC, Vingroup, Trường Hải, Vietjet,… tham gia đầu tư vào những ngành, lĩnh vực có tác động lớn đến phát triển kinh tế- xã hội như phát triển hạ tầng, công nghệ thông tin, lĩnh vực công nghệ cao, lĩnh vực chế tạo kỹ thuật cao,...

Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng đang có xu hướng chuyển dịch đầu tư từ các ngành đơn thuần về khai thác tài nguyên thô sang các lĩnh vực chế biến, chế tạo và dịch vụ, tạo thêm giá trị gia tăng cho sản phẩm, hàng hóa; phát triển các mô hình kinh doanh bền vững, bao trùm hướng tới người thu nhập thấp, nhóm người yếu thế trong xã hội.

“Chính sự linh hoạt và đổi mới sáng tạo trong kinh doanh đã tạo ra những bước tiến lớn và được các tổ chức có uy tín trên thế giới ghi nhận và đánh giá cao” - ông Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh.

Chưa thực sự hiệu quả và bền vững

Mặc dù số lượng doanh nghiệp thành lập mới liên tục tăng nhưng tỷ lệ doanh nghiệp gặp khó khăn phải tạm ngừng kinh doanh vẫn còn ở mức cao. Tỷ lệ doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh và giải thể so với tổng số doanh nghiệp thành lập mới hàng năm trong giai đoạn 2017- 2019 trung bình khoảng 58,1%. Trong đó: năm 2017 là 57,3%; năm 2018 là 67,7% và 11 tháng đầu năm 2019 là 49,4%.
“Tuy nhiên, nếu so tỷ lệ giữa doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường và doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động (163,6 nghìn doanh nghiệp) với các nước khác trên thế giới thì tỷ lệ này khá ổn định” – ông Bùi Anh Tuấn cho hay.
Ngoài ra, số lượng doanh nghiệp quy mô lớn và vừa của Việt Nam vẫn còn khá khiêm tốn so với cấu trúc tại các nền kinh tế khác có khu vực doanh nghiệp phát triển bền vững. Năng lực khoa học công nghệ của các doanh nghiệp còn hạn chế, máy móc thiết bị còn lạc hậu; chưa mạnh dạn đầu tư cho ứng dụng và phát triển khoa học công nghệ trong doanh nghiệp, đặc biệt công nghệ lõi, công nghệ tiên phong. Bên cạnh đó, khả năng liên kết yếu, năng lực cạnh tranh thấp để có thể xuất khẩu sang thị trường nước ngoài, tham gia vào các chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu…


Để thúc đẩy phát triển doanh nghiệp mạnh mẽ, hiệu quả và bền vững hơn nữa, ngày 23/12, sẽ có “Hội nghị Diên hồng” Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ chủ trì hội nghị. Theo Thứ trưởng Vũ Đại Thắng, đây là lần thứ 3 Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì đối thoại với các doanh nghiệp. Năm 2016 với tiêu chí được đề cao là hỗ trợ doanh nghiệp, từ đó đề ra Nghị quyết số 35. Năm 2017, Chính phủ ban hành Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, do đó trọng tâm là phát triển khu vực này. Năm 2018, các cuộc đối thoại của Thủ tướng tập trung vào từng nhóm đối tượng, lĩnh vực, ví dụ như khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp nông thôn

“Năm nay, trong bối cảnh tình hình kinh tế phát triển mạnh mẽ, yêu cầu hội nhập quốc tế của doanh nghiệp Việt Nam, chúng ta không chỉ ngồi đợi vốn đầu tư nước ngoài, mà các doanh nghiệp của chúng ta rất năng động trong phát triển ra thế giới, đầu tư ra nước ngoài” -Thứ trưởng Vũ Đại Thắng cho hay.

Thông qua Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp năm 2019 diễn ra ngày 23/12 tới đây, Chính phủ thể hiện sự quyết tâm luôn đồng hành cùng cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân phát huy tinh thần đoàn kết, biến lòng tự hào dân tộc thành sức mạnh để phát triển mạnh mẽ hơn nữa, đưa các doanh nghiệp Việt Nam tiến lên nấc thang mới trong chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu.


congthuong.vn