Mở đầu buổi nói chuyện, Thủ tướng mong muốn nông dân có cuộc trao đổi "cởi mở". Người đứng đầu Chính phủ cho biết, kim ngạch xuất khẩu nông sản của Việt Nam đạt 42 tỷ USD, là một trong những nước dẫn đầu châu Á về xuất khẩu. Chịu ảnh hưởng bởi đại dịch, song nông dân vẫn được mùa, trúng giá từ lúa gạo, thủy sản, trái cây... Số hộ thiếu đói giảm 70% so với cùng kỳ. Tuy vậy, tỷ lệ chế biến các mặt hàng nông sản còn thấp, như cà phê mới có 12%. Tín dụng tăng trưởng 6% nhưng nông nghiệp không được đầu tư bao nhiêu.
Là người phát biểu đầu tiên, nông dân sản xuất cà phê Đỗ Quý Toán nói, vừa qua, lô cà phê đầu tiên đã được xuất khẩu sang châu Âu theo Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - châu Âu, với thuế suất 0%. Đây là cơ hội tốt mở ra cho ngành sản xuất, chế biến cà phê, nhất là khi trong số 39 mặt hàng của Việt Nam được EU cam kết bảo hộ, trong đó có cà phê Buôn Ma Thuột.
Song mấy năm gần đây, giá cà phê xuống rất thấp, khiến nông dân nhiều địa phương lo lắng, nhiều nơi đã chặt bỏ trồng các cây ngắn ngày. Anh Toán đặt câu hỏi, người trồng cà phê có nên tiếp tục duy trì cây trồng gắn với lịch sử, văn hóa của Tây Nguyên hay không?
Trả lời vấn đề này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định cà phê là sản phẩm chủ lực chiến lược của Việt Nam. Cà phê Việt Nam chất lượng rất tốt, được thế giới đánh giá cao. Thủ tướng khuyên bà con tiếp tục trồng cà phê, nhưng phải quy hoạch vùng trồng cho rõ ràng. Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cần tiếp tục mở rộng ổn định thị trường, cấp vốn để tái canh cà phê, nâng cao chất lượng tái canh.
Nông dân Trần Thị Hoàng Anh, Hợp tác xã mật ong Gia Lai, liên kết với doanh nghiệp trồng 600 ha điều hữu cơ, cho biết, khi ngành phân bón được chuyển về cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn thì việc quản lý phân bón đã có những chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, để sản xuất nông nghiệp tốt hơn, làm ra nông sản sạch, an toàn hơn thì thời gian tới Chính phủ, các bộ ngành có giải pháp nào triệt để hơn để chấm dứt tình trạng phân bón giả?
Được Thủ tướng chỉ định trả lời, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho biết, cả nước có 125.000 ha gieo trồng trồng nông nghiệp bằng phương thức hữu cơ. Năm 2019, nông sản hữu cơ xuất khẩu đi 80 nước, được 353 triệu USD. Việt Nam đang vận hành nền nông nghiệp sạch. Tuy nhiên, còn nhiều chỗ cần phải tiếp tục chấn chỉnh những đơn vị sản xuất phân bón, kể cả quy trình ứng dụng, tăng cường quản lý, giám sát từ khâu sản xuất, sử dụng dụng phân bón cùng các vật tư khác.
Thủ tướng bổ sung thêm, sắp tới cần có biện pháp mạnh hơn như truy tố, xử lý hình sự những cá nhân, tổ chức sản xuất, buôn bán phân bón giả. Cả hội trường vỗ tay.
Nông dân Phạm Lê Mạnh (quê Đăk Lăk) cho biết, bản thân rất đam mê trồng trọt, đang có mô hình kinh tế vườn, rừng với 120 ha trồng keo, gió bầu, cây gỗ sao, cà phê, cây ăn trái, nuôi bò sinh sản, thu nhập mỗi năm hàng tỷ đồng. Theo ông, Tây Nguyên có tới 2 triệu ha đất canh tác nông nghiệp với một loạt nông sản chủ lực như cà phê, chanh dây, mắc ca, nhưng lại có rất ít nhà máy chế biến nông sản và khó khăn trong tiêu thụ.
"Có giải pháp gì để xây dựng, mở rộng nhiều nhà máy chế biến nông sản ở Tây Nguyên nói chung, Đăk Lăk nói riêng, biến Tây Nguyên thành khu vực công nghiệp chế biến nông sản lớn của khu vực Đông Nam Á", ông Mạnh đặt câu hỏi.
Thủ tướng đánh giá câu hỏi của nông dân này hay. Người đứng đầu Chính phủ cho biết, trong những năm qua, công nghiệp chế biến nông sản của Việt Nam đã có tiến bộ. Năm nay, 15 nhà máy chế biến nông sản được khánh thành. Trong đó, có nhà máy chế biến thịt gà đứng vào top lớn nhất thế giới.
Về giải pháp, Nhà nước sẽ tạo mọi cơ chế chính sách để kêu gọi các doanh nghiệp tìm kiếm thị trưởng đầu tư vào chế biến nông sản. Trung ương sẽ hỗ trợ vốn và địa phương sẽ hỗ trợ mặt bằng.
Nông dân Phạm Lê Mạnh đặt câu hỏi tại cuộc đối thoại với Thủ tướng chiều 28/9. Ảnh: Trần Hoá.
Buổi đối thoại kéo dài hơn 3 giờ, ban tổ chức nhận được hơn 22 câu hỏi từ nông dân, liên quan đến vấn đề giá nông sản, thủy sản, tín dụng đen, thị trường tiêu thụ, chế biến, dịch bệnh, chính sách giãn nợ cho người dân... Các đại biểu lần lượt giải đáp những thắc mắc của nông dân.
Kết luận tại buổi trao đổi, Thủ tướng hoan nghênh nhà đầu tư, doanh nghiệp phối hợp giúp nông nghiệp phát triển. Hiện nay đã có nhiều chương trình hỗ trợ, đầu tư hạ tầng, chương trình xây dựng nông thôn mới. Đặc biệt là chương trình hỗ trợ giống, vật nuôi, thiên tai, lũ lụt, hỗ trợ tín dụng cùng các chính sách liên quan.
Thủ tướng nhấn mạnh, yếu tố quyết định chính là ứng dụng công nghệ trong nông nghiệp như robot, tự động hóa, máy bay không người lái... để nâng cao chất lượng, hiệu quả, ứng phó với biến đổi khí hậu.
Chính phủ, các bộ ngành cần quan tâm xử lý, giải quyết, tạo điều kiện cho nông nghiệp nông thôn, nông dân nâng cao thu nhập, phát triển bền vững; chính sách về tín dụng phải đẩy mạnh ở vùng nông thôn, vùng nhiều thiên tai, bệnh tật xảy ra; giải quyết vấn đề đất đai cho nông dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số, có đất sản xuất; kêu gọi, thúc đẩy các doanh nghiệp đầu tư việc chế biến ở những vùng có điều kiện, trách tình trạng được mùa rớt giá, được giá mất mùa.
Các bộ ngành tiếp tục hướng dẫn thị trường tiêu thụ nông sản cùng với bà con; xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường trong bối cảnh Covid-19 với hình thức thích hợp; cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính, tạo điều kiện, chính sách chế độ ở nông thôn thuận lợi hơn.
Cơ quan chức năng khẩn trương giải quyết các vấn đề bức xúc mà nông dân đã nêu ra trong buổi đối thoại lần này, theo hướng ưu tiên những vấn đề tháo gỡ được thì phải làm trên tinh thần cởi mở, minh bạch.
"Những kiến nghị, thắc mắc của nông dân trong buổi đối thoại hôm nay, là dịp để chúng ta nghiên cứu đưa nội dung đó vào dự thảo văn kiện, với tư cách nông dân chiếm trên 65% dân số cả nước", Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói.
Đây là cuộc đối thoại lần thứ 3 của Thủ tướng với nông dân, sau lần đầu tại Hải Dương năm 2018, lần hai tại Cần Thơ năm 2019.
Nguồn: vnexpress.net