Phát biểu khai mạc hội nghị về Cơ chế chính sách quản lý, phát triển cụm công nghiệp, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân cho hay: Hội nghị ngày hôm nay có 2 mệnh đề lớn: Rà soát công tác xây dựng nghị định về quản lý, phát triển cụm công nghiệp (CCN); quan trọng hơn là bàn thảo, tìm hướng xây dựng hành lang pháp lý thống nhất trong quản lý và phát triển CCN.
Cụ thể, Bộ Công Thương đã tổ chức Hội nghị tương tự tại khu vực phía Nam và Hội nghị ngày hôm nay với nội dung xuyên suốt là tổng kết công tác xây dựng Nghị định thay thế Nghị định số 68/2017/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý, phát triển CCN (Nghị định 68), Nghị định số 66/2020/NĐ-CP của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 68/2017/NĐ-CP và pháp luật liên quan (Nghị định 66).
"Với nội dung này, Bộ Công Thương đã tổng kết và lấy ý kiến các địa phương, chủ thể liên quan. Tại Hội nghị này, Bộ Công Thương tiếp tục lấy ý kiến đóng góp và xét trên những vướng mắc từ thực tiễn để xây dựng khung khổ pháp lý đơn giản nhất nhưng quản lý khoa học nhất cho CCN", Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân nhấn mạnh.
Phát biểu tại hội nghị, ông Trần Anh Dũng- Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nam Định cũng cho hay: Nam Định nằm ở trung tâm vùng Nam Đồng bằng sông Hồng, có nhiều làng nghề tiểu thủ công nghiệp góp phần bảo tồn nghề truyền thống và đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế- xã hội. Các làng nghề phần lớn nằm trong khu dân cư gây ảnh hưởng tới môi trường và đời sống của người dân.
Để giải quyết, UBND tỉnh Nam Định đang thực hiện di dời các cơ sở sản xuất vào CCN và thực hiện chủ trương không thu hút đầu tư ngoài khu, CCN ngoài các dự án trọng điểm.
UBND tỉnh Nam Định cũng đã bổ sung Quy hoạch CCN trên địa bàn tỉnh gồm 59 CCN, tổng diện tích đến năm 2025 khoảng 1.800 ha. Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 26 CCN thành lập, trong đó 19 CCN thành lập trước khi Chính phủ ban hành quyết định số 105 ngày 19/8/2007 và 7 CCN được thành lập theo Nghị định số 66, Nghị định 68 của Chính phủ; 22 CCN đã đi vào hoạt động với diện tích gần 400ha, thu hút 550 đầu tư thứ cấp, vốn thực hiện trên 5.000 tỷ đồng, 7.000 tỷ đồng vốn đăng ký, tỷ lệ lấp đầy 90%.
Hội nghị về cơ chế chính sách quản lý, phát triển CCN
Việc hình thành các khu, CCN từng bước giúp địa phương thực hiện định hướng "ly nông, bất ly hương", góp phần phát triển công nghiệp- tiểu thủ công nghiệp, tạo việc làm và thu nhập cho người lao động trên địa bàn và giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
Tuy nhiên, việc triển khai công tác quản lý, phát triển CCN theo Nghị định 66, Nghị định 68 đang gặp một số khó khăn. Từ những thực tiễn địa phương, ông Trần Anh Dũng đề nghị: Bộ Công Thương rà soát hệ thống các văn bản pháp luật liên quan đến CCN như Luật đầu tư, Luật xây dựng, Luật đất đai… để thống nhất trong quản lý phát triển CCN.
Nghiên cứu điều kiện mở rộng CCN và nâng tổng quỹ đất chưa cho thuê lên 100ha thay vì 50ha như hiện nay nhằm hỗ trợ cho địa phương số lượng CCN đáp ứng nhu cầu phát triển.
Quy định rõ cơ chế chuyển giao hạ tầng CCN do đơn vị sử dụng ngân sách nhà nước làm chủ đầu tư, việc huy đọng vốn để đầu tư và kinh doanh hạ tầng CCN cho doanh nghiệp quản lý, thu hút đầu tư.
Nguồn: congthuong.vn
ST: PTKD