Tại buổi làm việc, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng nặng nề đến phát triển kinh tế, xã hội, sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp trong thời gian qua. Thực hiện chủ trương mới đây của Chính phủ về chuyển trạng thái sang "thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch Covid-19", trong những tháng cuối năm 2021, một trong những hoạt động trọng tâm mà Bộ Công Thương đề ra là tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, đặc biệt là các doanh nghiệp sản xuất lớn trong các khu công nghiệp nhằm duy trì chuỗi cung ứng, chuỗi sản xuất; tiếp tục đổi mới, hỗ trợ các doanh nghiệp tổ chức các chương trình xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu cả trong và ngoài nước trên môi trường trực tuyến và dựa trên những nền tảng số nhằm thúc đẩy tiêu thụ hàng hóa, nông sản; khôi phục, tạo đơn hàng mới cho những tháng cuối năm và năm 2022.
Ông Phạm Tấn Công – Chủ tịch VCCI cảm ơn sự quan tâm của lãnh đạo Bộ Công Thương. Ông Phạm Tấn Công cho biết, tại thời điểm hiện nay, Việt Nam có khoảng 850 nghìn doanh nghiệp hoạt động, hơn 25 nghìn hợp tác xã và khoảng 5,6 triệu hộ kinh doanh cá thể. Nét đặc trưng của doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam là tinh thần dân tộc, lòng yêu nước, ý thức trách nhiệm với xã hội, điều này thể hiện đặc biệt rõ khi vừa qua doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam đã quyên góp tiền và hiện vật trị giá hàng chục nghìn tỷ đồng, triển khai hàng loạt chương trình thiện nguyện trong cuộc chiến chống đại dịch Covid - 19. Doanh nghiệp, doanh nhân là lực lượng chủ lực trong phát triển kinh tế, tạo công ăn việc làm cho người lao động và thực hiện an sinh xã hội, xóa đói, giảm nghèo.
Ông Phạm Tấn Công tin tưởng rằng, thời gian tới, với sự vào cuộc của Đảng, Nhà nước, Chính phủ và các Bộ, ngành các doanh nghiệp sẽ nhanh chóng phục hồi, lấy lại đà phát triển.