Theo thống kê, toàn tỉnh Thanh Hoá hiện có 118 làng nghề với 36 nghề tiểu thủ công nghiệp (TTCN) đang hoạt động. Các làng nghề đang tạo ra việc làm thường xuyên cho khoảng 90 nghìn lao động ở khu vực nông thôn với mức thu nhập bình quân từ 3,5 – 5 triệu đồng/người/tháng. Tính riêng trong 8 tháng đầu năm 2020, tổng doanh thu của các làng nghề đã đạt hơn 10.000 tỷ đồng. Phát triển ngành nghề TTCN và các làng nghề đang là hướng đi mới giúp thay đổi bộ mặt nông thôn, đẩy mạnh quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế.
Đơn cử như làng nghề rèn Tiến Lộc (Hậu Lộc), dù thời gian qua phải đối mặt với nhiều khó khăn do sự bùng phát của dịch Covid-19 nhưng làng nghề vẫn cố gắng duy trì sản xuất và chủ động tìm kiếm cơ hội bứt phá sau dịch. Chủ đại lý dao kéo Phương Thiết cho biết: “Trước đây, khi hàng bán chạy, khoán cho thợ 200 – 250
Bên trong một cơ sở rèn dao của làng nghề rèn Tiến Lộc (Hậu Lộc, Thanh Hoá)
sản phẩm/ngày thì bây giờ chỉ khoán 100 – 150 sản phẩm/ngày, chỉ sản xuất cầm chừng vậy thôi”. Trước thực trạng đó, các cơ sở sản xuất TTCN ở Tiến Lộc đã năng động, tìm tòi hướng đi mới, ứng dụng công nghệ cải tiến chất liệu, xây dựng hướng phát triển thị trường, chuẩn bị các điều kiện để phục hồi sản xuất khi dịch bệnh đi qua. Hiện tại, Tiến Lộc có hơn 1.500/1.680 hộ trong xã tham gia nghề rèn cơ khí, tạo việc làm cho khoảng 2.500 lao động với thu nhập từ 4 – 5 triệu đồng/người/tháng. Theo báo cáo tình hình thực hiện nhiệm vụ quý I/2020, tổng giá trị thu nhập của ngành TTCN và dịch vụ của xã đạt 110,92 tỷ đồng, chiếm 94% cơ cấu kinh tế.
Ngoài ra, phải kể đến một số làng nghề khác đang phát triển mạnh tại các địa phương trong tỉnh Thanh Hoá như: Làng nghề đúc đồng Trà Đông, xã Thiệu Trung (Thiệu Hóa); làng nghề mây tre đan, xã Hoằng Thịnh, làng nghề mộc Đạt Tài, xã Hoằng Đạt, làng nghề nước mắm Khúc Phụ, xã Hoằng Phụ (Hoằng Hóa)... Dù vậy, bài toán bảo tồn và phát triển làng nghề cũng đang được đặt ra khá cấp thiết, nhất là trong thời điểm dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp trên phạm vi thế giới, ảnh hưởng trực tiếp tới thị trường của các sản phẩm làng nghề. Ngoài ra còn phải kể đến những khó khăn lớn khác của làng nghề truyền thống tại Thanh Hoá như: Quy mô sản xuất nhỏ, chưa có đăng ký nhãn hiệu, nguồn vốn hạn hẹp, sản xuất mang tính thủ công, cha truyền con nối, thiếu đầu tư thiết bị máy móc, thị trường tiêu thụ không ổn định…
Xác định được tầm quan trọng của các làng nghề trong quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, những năm qua, Sở Công Thương, Trung tâm Khuyến công và Tiết kiệm năng lượng (TTKC&TKNL) Thanh Hoá đã tập trung thực hiện nhiều giải pháp phát triển làng nghề như: Chỉ đạo các xã, thị trấn quan tâm xây dựng thương hiệu cho sản phẩm làng nghề để tăng khả năng cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường. Tăng cường tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của người dân về tầm quan trọng của việc giữ gìn và phát triển làng nghề. Xây dựng kế hoạch triển khai theo từng năm, từng giai đoạn. Kịp thời phát hiện, khắc phục những hạn chế, vướng mắc trong tổ chức thực hiện. Đồng thời, tập trung đào tạo nghề theo hình thức truyền nghề, nhân cấy nghề, có cơ chế khuyến khích các chuyên gia, nghệ nhân, thợ giỏi trong và ngoài địa phương tham gia dạy nghề.
Làng nghề đúc đồng Chè Đông (xã Thiệu Trung, Thiệu Hóa, Thanh Hoá)
Những năm qua, ngân sách tỉnh đã dành hàng chục tỷ đồng cho hoạt động khuyến công; hỗ trợ cho làng nghề, cơ sở làng nghề TTCN... Bởi vậy, một số ngành nghề TTCN hiện nay đang phát triển mạnh, như: Đúc đồng, mây tre đan, chế biến nông sản thực phẩm, chế biến gỗ gia dụng, đồ mỹ nghệ, cơ khí nhỏ phục vụ nông nghiệp, sản xuất vật liệu xây dựng, chế biến hải sản... Xác định làng nghề TTCN là động lực phát triển kinh tế và thay đổi diện mạo của nông thôn, TTKC&TKNL đã triển khai hiệu quả chính sách khuyến công của trung ương, địa phương, hỗ trợ các làng nghề, cơ sở sản xuất, nghệ nhân để duy trì, phát triển nghề, làng nghề. Rất nhiều các dự án làng nghề thủ công mỹ nghệ truyền thống được triển khai ở Thanh Hóa như: Quảng Xương; Nga Sơn; TP. Thanh Hóa; Đông Sơn; Thọ Xuân; Thiệu Hóa... được mở rộng quy mô sản xuất theo hướng công ty, các doanh nghiệp thu hút nhiều lao động trong vùng và vùng phụ cận.
Ông Hoàng Xuân Phong, Giám đốc TTKC&TKNL Thanh Hóa, cho biết: “Nhằm thúc đẩy phát triển, tiêu thụ các sản phẩm công nghiệp, TTCN trên địa bàn tỉnh, những năm vừa qua, Sở Công Thương và Trung tâm đã nỗ lực thực hiện các chương trình đào tạo nghề, tạo việc làm cho lao động nông thôn; hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư dây chuyền hiện đại, phát triển sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm. Đồng thời, tổ chức hội chợ nhằm trưng bày, hoặc đưa các sản phẩm công nghiệp, TTCN đến các hội chợ trong và ngoài tỉnh giới thiệu sản phẩm đến người tiêu dùng”.
Trước những đòi hỏi ngày càng khắt khe của thị trường trong và ngoài nước, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh trên thế giới vẫn chưa được kiểm soát, trong thời gian tới, các làng nghề TTCN của Thanh Hoá cần phải cải thiện cả về hình thức và chất lượng để thực sự có được chỗ đứng trong lòng người tiêu dùng. Tin rằng, sự vào cuộc của các cấp, các ngành, trong đó có vai trò quan trọng của Sở Công Thương và TTKC&TKNL sẽ phát huy sức mạnh tổng hợp, từng bước đưa các sản phẩm của làng nghề thủ công mỹ nghệ vươn xa hơn trên thị trường.
Theo Công nghiệp Tiêu dùng