Thu nhập 100.000-120.000 đồng/ngày
Nghề đan lát ở làng Giàng (phường Thiệu Dương, thành phố Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa) đã có từ lâu đời. Sản phẩm chủ yếu là cót, rổ, rá, thúng, mủng… nhưng cót mới là mặt hàng sản xuất nhiều, nổi tiếng nhất.
Sản phẩm cót trước đây được người dân sử dụng để làm các dụng cụ đựng lúa thóc, nhưng ngày nay đã được nhập khẩu sang các nước khác. Trải qua bao thăng trầm, nghề đan cót nơi đây không còn được nhiều người mặn mà bởi cái nghề thường khiến đôi tay bị phồng, chảy máu, nhưng thu nhập không cao.
Theo ông Dương Khắc Thành (60 tuổi, làng Giàng), trước đây cả xã làm nghề, nhưng bây giờ chỉ còn khoảng 200 hộ duy trì. Bình quân, một người làm được từ 2-3 tấm cót mỗi ngày, với thu nhập khoảng 100.000-120.000 đồng/ngày.
Gia đình ông Thành đầu tư nguyên liệu như nứa, vầu, luồng cho bà con làm, sau đó thu mua lại sản phẩm. Tấm cót được đan xong với kích thước trung bình dài từ 3 m, rộng từ 1-1,2 m.
Để tạo ra một tấm cót, người thợ phải trải qua nhiều công đoạn. Ban đầu là pha và "lách" nứa sao cho các thanh nan có bản to và độ dày giống nhau rồi đan thành phên, tấm. Sau đó, tấm đan này sẽ được mang đi hun khói bằng rơm rạ để tạo ra sản phẩm cót có màu vàng óng, vừa có độ bền, vừa chống ẩm, mốc.
"Trước kia trong làng nhiều hộ còn thu mua và bao tiêu sản phẩm giống như gia đình tôi, nhưng đến nay họ đã bỏ hết. Được coi là nghề "cha truyền con nối" nhưng hiện không còn nhiều người làm, đa số là người già, nông dân hết tuổi đi làm công nhân mới làm cái nghề này để kiếm thêm thu nhập" - ông Dương Khắc Thành chia sẻ.
Theo bà Lê Thị Tiến (thôn 4), dù với thu nhập thấp, nhưng nhờ nghề này, bà đã nuôi dạy 3 con ăn học thành tài, ai cũng có nghề nghiệp ổn định. Giờ đây, khi cuộc sống đã có phần dư giả, con cháu khuyên nghỉ, nhưng với cái nghiệp đã gắn bó hơn 30 năm nay, bà khó mà bỏ được.
Còn bà Dương Thị Định (ở thôn 3), chia sẻ: "Tôi giờ yếu rồi, tay chân cũng không còn được nhanh nữa, mỗi ngày cố gắng kiếm 50.000-70.000 đồng trang trải cuộc sống. Trong làng, những người già như chúng tôi không làm công việc này thì cũng không biết phải làm việc nào khác".
Mặc dù thu nhập không cao, nhưng theo người trong nghề, sản phẩm làm ra đòi hỏi khá cầu kỳ, nhiều khi chẻ nan không đúng kỹ thuật, hỏng, không đều thì phải bỏ. Khi sản phẩm hoàn thành phải mang sấy, phơi khô, nếu gặp những ngày âm u, mưa thì cót rất dễ bị mốc, thâm, hàng sẽ bị loại và coi như công cốc cả một ngày làm.
Làm bật máu riết thành quen
Theo người dân địa phương, nghề cót đòi hỏi phải có bàn tay khéo léo để chẻ nan làm sao cho đều. Công đoạn này thường khiến bàn tay người lao động bị đứt, chảy cả máu và đau nhức.
Trước khi chẻ nan, các ống nứa sẽ được cạo sạch lớp vỏ xanh ở ngoài, sau đó lần lượt chẻ thành những thanh nhỏ. Ngoài kỹ thuật tốt, còn đòi hỏi thợ chẻ nan phải có tính kiên trì, nhẫn nại. Thao tác này còn khiến cho đầu ngón tay thường xuyên bị dao cứa, đỏ ửng và phỏng rát.
"Thanh nứa rất sắc, dù cẩn thận tới đâu cũng dễ bị đứt tay, bởi thế mà bàn tay người thợ thường chằng chịt vết sẹo ngang dọc. Khổ nhất là vào mùa đông, nứa cứa vào tay máu chảy đau đến cắt da, cắt thịt nhưng rồi bị riết thành quen" - bà Dương Thị Định bộc bạch.
Cũng theo bà Định, những năm gần đây, hầu hết lao động trẻ đi làm công nhân tại các công ty, nhà máy có mức lương ổn định nên chỉ còn lại người già và học sinh bám trụ với nghề này.
Ông Dương Đình Nghị, Bí thư Đảng ủy phường Thiệu Dương, cho biết: "Trước đây trong phường có khoảng 70% lao động làm nghề đan cót, nhưng hiện nay chỉ còn khoảng 10% gắn bó với nghề. Người làm nghề đan cót chủ yếu là học sinh, người già và người dân tranh thủ thời gian nông nhàn kiếm thêm thu nhập. Tuy ít nhưng đây chính là những người đang góp phần để nghề cót nổi tiếng làng Giàng một thời không thất truyền".
Theo Báo Dân Trí