Trong những năm qua, thị xã Phổ Yên luôn khuyến khích người dân và doanh nghiệp tại địa phương tích cực chuyển hướng phát triển sản xuất kinh doanh. Nhờ vậy, nhiều cơ sở công nghiệp nông thôn trên địa bàn đã mạnh dạn làm giàu với những mô hình sản xuất hiệu quả. Đồng hành với sự định hướng đúng đắn đó, không thể không nhắc tới vai trò của Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp Thái Nguyên (TTKC) khi đã đưa ra nhiều chính sách hỗ trợ thiết thực. 

Nằm ở vị trí cửa ngõ phía Nam của tỉnh Thái Nguyên tiếp giáp với Thủ đô Hà Nội, thị xã Phổ Yên là trung tâm tổng hợp về công nghiệp, thương mại và dịch vụ lớn nhất toàn tỉnh. Những năm qua, nhờ tập trung phát triển kinh tế, Phổ Yên luôn nằm trong nhóm các địa phương có tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân hàng năm nhanh nhất khu vực miền Bắc. Hiện nay, tổng giá trị sản xuất ngành công nghiệp của địa phương đạt trên 750 nghìn tỷ đồng, vượt 31,25% so với mục tiêu đề ra; Giá trị xuất khẩu đạt 27 tỷ USD; Thu hút FDI đạt 6,8 tỷ USD đã góp phần đưa tổng số vốn đăng ký đầu tư vào thị xã đạt trên 225 nghìn tỷ đồng. Tuy nhiên, bên cạnh sự phát triển của các nhà máy sản xuất công nghiệp, nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ trên địa bàn cũng đã được hình thành nhưng diễn ra một cách tự phát, vì vậy, kết quả đạt được không cao, chưa tương xứng với tiềm năng và thế mạnh sẵn có của địa phương. 

Nhằm góp phần phát triển sản xuất của các cơ sở công nghiệp nông thôn trên địa bàn thị xã Phổ Yên, những năm qua, TTKC Thái Nguyên đã bám sát Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên lần thứ XIX về các nội dung đẩy mạnh công nghiệp hóa để triển khai nhiều chương trình hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp mở rộng sản xuất như: Đào tạo nâng cao tay nghề cho lao động, gắn đào tạo với sản xuất; Hỗ trợ nâng cao năng lực quản lý doanh nghiệp; Xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật; Phát triển sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu. Đặc biệt, Trung tâm đã thực hiện nhiều đề án hỗ trợ đầu tư, mua sắm máy móc thiết bị cho doanh nghiệp, qua đó đã tạo động lực thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh cho các cơ sở công nghiệp nông thôn trên địa bàn. 
 

Máy phun bi làm sạch dầm H có thể làm sạch gỉ sắt, xỉ hàn
 

Là một trong những đơn vị được thụ hưởng các ưu đãi từ chính sách khuyến công, ông Nguyễn Hải Hoàng – Giám đốc Công ty TNHH Kết cấu thép 90 Việt Nam (phường Ba Hàng, thị xã Phổ Yên) cho biết: Doanh nghiệp chúng tôi mới được thành lập ngày 30/01/2020 với ngành nghề kinh doanh chính là sản xuất kết cấu khung thép và sửa chữa các sản phẩm kim loại đúc sẵn. Với số vốn ban đầu còn hạn chế nên hệ thống máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất chưa được Công ty đầu tư đồng bộ, cải tiến. Trước đòi hỏi về chất lượng ngày càng cao của thị trường, chúng tôi đã tìm cách thay đổi theo hướng ứng dụng công nghệ hiện đại vào sản xuất. Quý I/2020, được TTKC Thái Nguyên hỗ trợ 300 triệu đồng thực hiện Đề án “Hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị trong sản xuất cơ khí”, doanh nghiệp chúng tôi đã mạnh dạn đầu tư gần 01 tỷ đồng để mua mới hệ thống Máy phun bi làm sạch dầm H (model SBH 0816-8). Nhờ công nghệ hiện đại nên máy có 08 đầu phun bi với hiệu suất cao, chất lượng làm sạch tốt, không độc hại và không phát tán bụi ra bên ngoài; Máy phun bi có thể làm sạch gỉ sắt, xỉ hàn đạt tiêu chuẩn SA 2.5, cũng như đáp ứng được các tiêu chuẩn xuất khẩu. Đặc biệt, năng suất làm việc của máy cao gấp 10 lần so với công nhân làm sạch kim loại bằng máy mài tay. Đồng thời, trong quá trình sản xuất, tiếng ồn của máy thấp, tiết kiệm điện năng, góp phần giảm chi phí, hạ giá thành sản phẩm”.

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Đình Hùng – Giám đốc TTKC Thái Nguyên cho biết: “Thông qua sự hỗ trợ của hoạt động khuyến công, đến nay, Công ty TNHH Kết cấu thép 90 Việt Nam đã hoàn thiện hệ thống máy móc sản xuất kết cấu khung thép và sửa chữa các sản phẩm kim loại đúc sẵn. Việc doanh nghiệp ứng dụng máy móc hiện đại vào sản xuất đã giúp tiết kiệm điện năng, giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Đồng thời, làm tăng năng suất và chất lượng của sản phẩm làm ra, qua đó, nâng cao uy tín, thương hiệu của doanh nghiệp trên thị trường cũng như tạo điều kiện giảm giá thành và từng bước gia tăng các đơn hàng có giá trị kinh tế cao. Sau khi đi vào hoạt động, nhiều doanh nghiệp hoạt động cùng lĩnh vực ở trong và ngoài tỉnh đã đến học tập, áp dụng công nghệ này vào sản xuất. Do vậy, đề án được đánh giá là có tính bền vững”.

Được biết, thời gian qua, TTKC Thái Nguyên đã kịp thời nắm bắt tình hình thực tế, tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ và thúc đẩy cho nhiều doanh nghiệp mở rộng phát triển sản xuất. Bên cạnh đó, Trung tâm còn tăng cường phối hợp với các tổ chức kinh tế, xã hội trên địa bàn thị xã Phổ Yên nói riêng và toàn tỉnh nói chung để huy động nguồn vốn hỗ trợ cho hoạt động khuyến công, nhằm khuyến khích các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh tham gia, góp phần thúc đẩy kinh tế, nâng cao đời sống nhân dân trên địa bàn.

 

 

Theo: LangngheViet.com.vn