Các HTX hoạt động theo nguyên tắc tự nguyện, xuất phát từ nguyện vọng của các thành viên, mọi xã viên đều tham gia góp vốn, góp sức vào HTX theo quy định của pháp luật, xây dựng phương án sản xuất kinh doanh dịch vụ phù hợp với nhu cầu của thị trường. Nhiều HTX đầu tư máy móc, thiết bị, đổi mới công nghệ, thu hút lao động, tận dụng và khai thác tối đa nguồn nguyên liệu tại địa phương. Điển hình một số HTX hoạt động hiệu quả như HTX Thủy tinh Trà Vinh, HTX chạm bạc Phú Lợi, HTX sản xuất kinh doanh nón lá Nam Hà..., thu hút khoảng 593 lao động thường xuyên; doanh thu bình quân của một HTX ước đạt 2.800 triệu đồng, thu lãi đạt khoảng 400 triệu đồng/năm; thu nhập bình quân của người lao động đạt từ 4-6 triệu đồng/tháng.
Tuy nhiên bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động của các HTX còn gặp nhiều khó khăn do thiếu vốn đâu tư mở rộng sản xuất; việc mua nguyên phụ liệu sản xuất gặp nhiều khó khăn, thị trường tiêu thụ sụt giảm, giá nguyên phụ liệu một số mặt hàng tăng cao làm tăng chi phí sản xuất. Hàng hóa chậm và không tiêu thụ được. Hơn nữa từ đầu năm đến nay, dịch Covid-19 đã bùng phát và có nhiều diễn biến phức tạp gây ảnh hưởng xấu đến tình hình sản xuất, kinh doanh của các HTX. Các HTX phải đối mặt với nhiều khó khăn thách thức trong việc tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm, giá cả thị trường nguyên, vật liệu đầu vào không ổn định....
Để thúc đẩy phát triển kinh tế tập thể 6 tháng cuối năm 2021, ngành Công thương tiếp tục duy trì hoạt động, củng cố, đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả các HTX CN-TTCN. Chú trọng phát triển HTX bền vững gắn với tiềm năng, thế mạnh của địa phương, vùng sản xuất hàng hóa. Tập trung phát triển, nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của các HTX hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp, gắn kết với chế biến, tiêu thụ sản phẩm, tạo chuỗi giá trị sản xuất hàng hóa đảm bảo phát triển bền vững./.
Theo Thaibinh.gov.vn