Thái Bình là một tỉnh thuần nông khi mà giá trị sản xuất nông nghiệp vẫn đóng vai trò quan trọng trong thu nhập của người dân nơi đây. Ngày nay, với tốc độ cơ giới hóa nông nghiệp, đã có nhiều loại máy nông cụ được nông dân trên địa bàn tỉnh đưa vào sử dụng. Chính vì thế, thời gian qua, Trung tâm Khuyến công - Tư vấn phát triển công nghiệp Thái Bình (TTKC) đã tổ chức nhiều lớp tập huấn giúp nông dân làm chủ máy móc, sử dụng máy hiệu quả cũng như cách bảo dưỡng, sửa chữa những sự cố thường gặp.

Xã Chi Lăng (huyện Hưng Hà) có tổng diện tích 373km2, với 210ha diện tích cấy lúa, đây là địa phương có tỷ lệ người dân sử dụng máy cơ khí nông nghiệp tương đối nhiều, sản xuất nông nghiệp chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu kinh tế. Toàn xã hiện có gần 60 máy phục vụ sản xuất nông nghiệp như máy cày, máy làm đất, máy đập liên hoàn, máy gặt… 

Trò chuyện với phóng viên, ông Nguyễn Quý Khản – Chủ tịch UBND xã bày tỏ: “Trong thời gian 7 năm làm Bí thư Chi bộ thôn thì có 3 năm làm kiêm cả Trưởng thôn, có những thời gian phải “nằm” ở ruộng để “phục” thợ sửa máy đến vì máy cày bị hỏng giữa ruộng, lúc ấy lo lắm vì thời gian gối vụ Xuân và vụ mùa rất ngắn, cả thu hoạch lúa, cả làm đất cấy chỉ vỏn vẹn có 30 ngày, trong khi chờ thợ sửa máy đến nếu nhanh cũng phải 2-3 ngày, lâu thì phải 1 tuần mới có người đến sửa, như vậy sẽ ảnh hưởng tới thời gian gieo trồng vụ mới của nông dân lắm!”. 

Xuất phát từ những băn khoăn, lo lắng như ông Khản chia sẻ, thời gian qua, TTKC Thái Bình đã liên tục tổ chức các lớp tập huấn vận hành, bảo dưỡng, sửa chữa máy cơ khí nông nghiệp cho nông dân tại các địa phương trong tỉnh. Tại xã Chi Lăng, đây là năm thứ 2 được TTKC chọn là địa phương để mở lớp.

 
Sau khi tham gia lớp tập huấn, 100% học viên sẽ biết cách vận hành máy móc đúng quy trình và tự sửa chữa được một số lỗi hỏng hóc thông thường.

Theo ông Hà Văn Hải, Giám đốc Trung tâm Khuyến công & TVPTCN Thái Bình: Học viên tham dự lớp tập huấn với nhiều độ tuổi, trình độ khác nhau, trong đó đa số là người trung tuổi, vì thế Trung tâm đã biên soạn giáo trình ngắn gọn, dễ hiểu. Quá trình thực hành, giảng viên cầm tay chỉ việc, hướng dẫn nhiệt tình cho các học viên. Sau các lớp tập huấn, đảm bảo 100% học viên sẽ biết vận hành máy móc đúng quy trình và tự sửa chữa được một số hỏng hóc thông thường về phần cơ, điện, nhiệt của máy móc. Trình độ, kỹ năng vận hành, bảo dưỡng, sửa chữa máy nông nghiệp của người nông dân được nâng lên góp phần giúp bà con khai thác có hiệu quả đầu tư máy móc, tiết kiệm thời gian, giảm sức lao động, tăng năng suất lao động và năng suất cây trồng, vật nuôi.  

Để lớp tập huấn đem lại hiệu quả, các giảng viên đã dành phần lớn thời gian đi sâu vào thực hành. Các chủ máy được mang máy móc hỏng, không sử dụng đến để giảng viên hướng dẫn cách “bắt bệnh”, “kê đơn” đồng thời thực hành trực tiếp trên chính chiếc máy của mình. Ngoài ra, các giảng viên cũng chỉ ra những sự cố thông thường hay gặp phải của máy, giúp người nông dân giảm chi phí sửa chữa mà không cần phải gọi thợ sửa, đồng thời cũng nắm được cách thức bảo dưỡng để tăng tuổi thọ cho máy. Ngoài những hiệu quả về mặt kinh tế, thông qua các lớp học này các hội viên nông dân còn gắn bó, giao lưu học hỏi lẫn nhau, tình làng nghĩa xóm thêm bền chặt. 

Được tham gia lớp tập huấn vận hành, bảo dưỡng, sửa chữa máy cơ khí nông nghiệp do TTKC tổ chức vào giữa tháng 5 vừa qua, nhiều chủ máy nông nghiệp tại xã Chi Lăng rất phấn khởi. Ông Nguyễn Văn Duân (thôn Quyết Thắng) cho biết: Trước đây, khi bước vào mùa vụ thu hoạch lúa và làm đất cho nông dân gieo cấy, chúng tôi rất lo lắng vì sợ máy móc bị hỏng hóc. Mỗi lần máy bị hỏng là phải chờ rất lâu mới có thợ sửa từ thành phố về dẫn đến tình trạng công việc bị ùn tắc, thu nhập bị ảnh hưởng và tiến độ sản xuất của bà con nông dân chậm lại. Từ khi được tập huấn kiến thức, kỹ thuật vận hành, bảo dưỡng, sửa chữa máy nông nghiệp đã hạn chế hiện tượng máy móc bị hỏng và nếu có hỏng hóc thông thường chúng tôi có thể sửa chữa được ngay, vừa tiết kiệm được chi phí, vừa duy trì công việc liên tục. 

Cũng giống ông Duân, ông Nguyễn Đình Đằm (thôn Trần Phú) là chủ sở hữu một máy cày nhỏ hồ hởi chia sẻ: Mặc dù từ ngày sử dụng đến nay ông chưa tốn nhiều tiền để sửa chữa, thay thế thiết bị, phụ tùng của máy, nhưng với ông, việc bảo dưỡng là khâu hết sức quan trọng để tăng sức bền, hiệu quả của máy nên ông không ngần ngại theo học lớp tập huấn của Trung tâm. Với ông Đằm, đây là lớp học đem lại nhiều kiến thức bổ ích, thiết thực cho những người dân như ông. 

Được biết, trong 2 năm (2019 - 2020) Trung tâm sẽ tổ chức mở 67 lớp tập huấn cho 3.228 lao động ở 60 xã trên địa bàn tỉnh; trước mắt, ưu tiên mở lớp tập huấn cho nông dân các xã chưa về đích nông thôn mới.

Bên cạnh đó, nhằm tiếp tục thực hiện tốt đề án tập huấn lao động vận hành, bảo dưỡng, sửa chữa máy cơ khí nông nghiệp phục vụ cơ khí hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn của tỉnh và góp phần giúp các địa phương triển khai có hiệu quả đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, thời gian tới, Trung tâm Khuyến công và TVPTCN Thái Bình sẽ tiếp tục nâng cao chất lượng tập huấn, mở rộng đào tạo dạy nghề cho bà con nông dân, từ đó góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, phát triển kinh tế địa phương.

Theo Langngheviet.com.vn