Cụm công nghiệp Đô Lương (Đông Hưng) giai đoạn 1 cơ bản đã được lấp đầy dự án đối với đất công nghiệp. Trong ảnh: Hoạt động sản xuất tại Công ty Cổ phần Đô Lương (Tổng công ty Đức Giang).
Những kết quả đáng mừng
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 44 CCN được thành lập với tổng diện tích 2.253,6ha; trong đó có 41 CCN đã quy hoạch chi tiết và phê duyệt quy hoạch phân khu với tổng diện tích 1.729,1ha. Ông Bùi Đức Hạnh, Phó Giám đốc Sở Công Thương cho biết: Ngoài 7 CCN do trung tâm phát triển CCN huyện, thành phố làm chủ đầu tư hạ tầng, từ cơ chế xã hội hóa nguồn lực đầu tư, tỉnh đã thu hút được 21 doanh nghiệp đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng của 26 CCN. Cơ bản các CCN có nhà đầu tư hạ tầng, tiến độ triển khai dự án nhanh, hạ tầng kỹ thuật đồng bộ và việc thu hút các nhà đầu tư thứ cấp vào hoạt động thuận lợi hơn.
Theo thống kê của Phòng Công nghiệp (Sở Công Thương), đến nay các CCN đã thu hút được 439 dự án đăng ký đầu tư với tổng số vốn đăng ký 29.112 tỷ đồng. Hiện có 281 dự án đã đi vào sản xuất, 54 dự án đang xây dựng với tổng số vốn thực hiện 20.702 tỷ đồng, sử dụng 50.990 lao động. Qua đánh giá 3 năm (2018 - 2020), giá trị sản xuất công nghiệp bình quân của các CCN đạt 45,95 tỷ đồng/ha; giá trị xuất khẩu đạt 421.530 USD/ha; lao động bình quân sử dụng hơn 123 người/ha và nộp ngân sách nhà nước đạt 750,72 triệu đồng/ha.
Việc quy hoạch và phát triển các CCN của tỉnh thời gian qua đã hình thành mạng lưới sản xuất công nghiệp tập trung, hạn chế tình trạng sản xuất phân tán không theo quy hoạch và gây ô nhiễm môi trường. Sự phát triển của các CCN góp phần đẩy nhanh tăng trưởng công nghiệp của tỉnh và kích thích sự phát triển của các khu dân cư, đô thị và xây dựng nông thôn. Các nhà đầu tư hạ tầng tham gia xây dựng CCN không chỉ huy động được nguồn lực đầu tư, giảm gánh nặng đầu tư công mà còn thu hút các thành phần kinh tế cùng xúc tiến thu hút đầu tư vào tỉnh hiệu quả.
Cụm công nghiệp Minh Lãng (Vũ Thư) là địa chỉ hấp dẫn với nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước vì có hạ tầng tốt, giao thông thuận lợi.
Vẫn còn những bất cập
Tại hội thảo tư vấn, phản biện về phương án phát triển CCN tỉnh giai đoạn 2021 - 2030 do Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh phối hợp với Sở Công Thương tổ chức mới đây, các chuyên gia đã chỉ rõ những tồn tại, hạn chế của các CCN thời gian qua.
Ông Hoàng Mạnh Tường, nguyên Viện trưởng Viện Quy hoạch (Sở Xây dựng) cho rằng, sau hơn 5 năm đưa vào hoạt động, không ít CCN bộc lộ những bất cập: quy hoạch chưa tính kỹ yếu tố giao thông, địa điểm, khả năng thu hút đầu tư hạ tầng và bị điều chỉnh diện tích do chính sách mới quy hoạch về giao thông. Đây chính là lý do vì sao đến nay vẫn có 11 CCN chưa có nhà đầu tư hạ tầng; một số CCN đã thành lập nhưng chưa có hoặc có ít dự án thứ cấp đầu tư như Minh Tân, Hồng Thái (Kiến Xương), Tiền Phong (Hưng Hà), Đồng Tiến (Quỳnh Phụ), Cửa Lân (Tiền Hải)...
Qua kiểm tra, khảo sát, Sở Công Thương cũng thẳng thắn chỉ ra, hiệu quả sử dụng đất và tỷ lệ lấp đầy dự án đối với đất công nghiệp tại các CCN còn thấp, mới chỉ đạt 33,8%. Một số dự án trong CCN hiệu quả sản xuất, kinh doanh thấp phải chuyển đổi chủ đầu tư hoặc thay đổi mục đích sử dụng đất và vẫn còn tình trạng để đất trống, lãng phí đất và sử dụng đất không đúng mục đích; thu hút nhà đầu tư hạ tầng CCN chậm...
Cần những giải pháp đồng bộ
Để thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX về phát triển công nghiệp, ngành Công Thương đã xác định mục tiêu đến năm 2025, giá trị sản xuất công nghiệp trong các CCN phải đạt gần 35.000 tỷ đồng, chiếm khoảng 25% giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh, kim ngạch xuất khẩu đạt 364 triệu USD; đến năm 2030 giá trị tương ứng là gần 63.000 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 30% và kim ngạch xuất khẩu đạt 595 triệu USD. Các CCN giải quyết việc làm cho khoảng 100.000 lao động.
Muốn hoàn thành được mục tiêu này, các chuyên gia cho rằng, việc quy hoạch và phát triển các CCN trên địa bàn tỉnh cần phải đổi mới, sắp xếp bảo đảm khoa học, phù hợp với quy hoạch chung của tỉnh, tránh xung đột với các quy hoạch các khu công nghiệp, khu kinh tế và phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của mỗi địa phương.
Ông Phạm Việt Anh, Phó Giám đốc Sở Xây dựng cho rằng, chúng ta cần phải loại bỏ khỏi quy hoạch một số CCN không có vị trí thuận lợi cả về giao thông và nguồn nhân lực. Bên cạnh đó, cần điều chỉnh một số CCN theo hướng mở rộng diện tích đối với CCN có hạ tầng kỹ thuật tốt, các dự án thứ cấp hoạt động hiệu quả, còn nhiều dự án có nhu cầu đầu tư vào CCN; điều chỉnh giảm diện tích các CCN đã quy hoạch nhưng không còn quỹ đất và không có thêm nhà đầu tư thứ cấp mới vào sản xuất, kinh doanh...
Theo ông Trần Huy Quân, Giám đốc Sở Công Thương, muốn phát triển các CCN hiệu quả và bền vững thì không cách nào khác chúng ta phải xây dựng và quản lý tốt các CCN, có chính sách đầu tư và thu hút đầu tư về hạ tầng, dự án thứ cấp vào CCN đủ hấp dẫn. Thực hiện tốt công tác cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh của tỉnh và các địa phương; nhà nước cần có cơ chế khuyến khích, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp ứng dụng, đổi mới khoa học công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường. Hỗ trợ doanh nghiệp trong hoạt động xúc tiến thương mại, liên doanh, liên kết để phát triển và có định hướng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ nhu cầu tuyển dụng tại chỗ của doanh nghiệp.
Việc quy hoạch vị trí, diện tích và tính chất ngành nghề của mỗi CCN cần phải nghiên cứu kỹ về tiềm năng, lợi thế và cả những khó khăn của các địa phương trong khu vực quy hoạch nhằm khắc phục quy hoạch xong không có nhà đầu tư hạ tầng và nhà đầu tư thứ cấp vào đầu tư. Đặc biệt, các CCN phải tạo được sự liên kết với nhau và liên kết vùng vừa giúp cho các dự án khi vào sản xuất, kinh doanh tạo ra chuỗi giá trị và thuận lợi cho công tác quản lý môi trường.
Quy hoạch phải thực hiện song song với thu hút nhà đầu tư hạ tầng để dự án sớm được triển khai thực hiện. Nhà đầu tư hạ tầng phải có năng lực cả về tài chính, kinh nghiệm quản lý và xúc tiến thu hút các dự án thứ cấp lớn vào hoạt động trong CCN. Tỉnh nên sớm thành lập Trung tâm Xúc tiến đầu tư trực thuộc UBND tỉnh như ở một số địa phương để chuyên nghiệp hóa hoạt động thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào tỉnh nói chung, vào CCN nói riêng góp phần hạn chế tình trạng tỷ lệ lấp đầy diện tích đất công nghiệp của CCN thấp như thời gian qua.
Các CCN được thành lập nên ưu tiên thu hút các doanh nghiệp, hộ sản xuất, kinh doanh và làng nghề vào hoạt động để giải quyết dứt điểm tình trạng ô nhiễm môi trường trong khu dân cư. Việc quy hoạch CCN cũng cần quan tâm đến hạ tầng xã hội như nhà ở cho công nhân đang làm việc trong CCN bảo đảm chính sách an sinh xã hội và tạo ra sự ổn định nguồn nhân lực cho các doanh nghiệp hoạt động.
Theo Báo Thái Bình