Sau 10 năm thi hành Luật Hợp tác xã năm 2012, hoạt động của Hợp tác xã (HTX) trên cả nước nói chung, tỉnh Thái Bình nói riêng đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Tuy vậy, quá trình triển khai Luật vẫn còn một số khó khăn vướng mắc, vấn đề này đã làm các mô hình kinh tế tập thể (KTTT) chưa thể bộc lộ và phát huy hết tiềm năng của mình trong các hoạt động làm lợi cho thành viên.

Sau khi Luật HTX năm 2012 và Nghị định 193/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định một số điều của Luật HTX 2012 có hiệu lực thi hành, Liên minh HTX tỉnh Thái Bình đã tham mưu Tỉnh uỷ, Hội dồng nhân dân, Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh đã ban hành nhiều văn bản thực hiện Luật HTX trên địa bàn tỉnh; phối hợp tổ chức tập huấn cho lãnh đạo các sở, ngành và UBND các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh.

Bên cạnh đó, Liên minh HTX tỉnh còn tích cực chủ động xây dựng các đề cương, kế hoạch, tổ chức tập huấn thực hiện chuyển đổi và đăng ký lại; phối hợp các sở, ngành và UBND các huyện, thành phố triển khai cụ thể hóa Luật HTX năm 2012, Nghị định 193/2013/NĐ-CP. Đồng thời thực hiện tốt công tác phối hợp tập huấn, tư vấn, tuyên truyền hỗ trợ thành lập mới, chuyển đổi hoạt động gắn với củng cố, phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động của HTX.

Xác định vai trò, tầm quan trọng của công tác tuyên truyền, Liên minh HTX tỉnh phối hợp với các cấp, các ngành tập trung, đẩy mạnh triển khai hoạt động tuyên truyền và hướng dẫn thực hiện với nhiều hình thức như: tổ chức các cuộc thi tìm hiểu về Luật HTX năm 2012; biên soạn và in ấn tài liệu hỏi đáp về Luật HTX năm 2012, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng hoặc lồng ghép thông qua các cuộc họp dân cư, sinh hoạt câu lạc bộ ở địa phương. Đặc biệt cuộc thi cấp tỉnh tìm hiểu Luật HTX năm 2012 và các loại mô hình HTX kiểu mới đã tạo nên những kênh thông tin hiệu quả tới cán bộ, đảng viên và nhân dân, giúp họ hiểu đúng, đầy đủ về bản chất HTX và HTX kiểu mới. Các hoạt động tuyên truyền đã tạo sức lan tỏa, được đông đảo các tầng lớp nhân dân hưởng ứng sôi nổi rộng khắp trong toàn tỉnh.

Theo báo cáo của Liên minh hợp tác xã tỉnh, ước tính đến ngày 31/12/2021, toàn tỉnh có 448 HTX, so với thời điểm ngày 31/11/2011, giảm 79 HTX do các HTX dịch vụ điện năng chuyển sang ngành điện quản lý; các HTX công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp (TTCN), thương mại, vận tải sáp nhập, hợp nhất hoặc giải thể. Trong đó, HTX nông nghiệp là 338 HTX;  HTX công nghiệp, TTCN, vận tải, xây dựng, thương mại là 25 HTX; HTX tín dụng (QTDND) là 85 HTX. Tổng số thành viên các HTX là 565.754 thành viên, tăng 52 thành viên so với năm 2011; Doanh thu bình quân một hợp tác xã tăng từ 1,9 tỷ đồng năm 2011 lên 3,3 tỷ đồng năm 2021.

Có thể thấy, sau khi Luật HTX năm 2012 ra đời đã tác động tích cực đến sự tăng trưởng về mặt số lượng HTX trên địa bàn tỉnh. Qua công tác tuyên truyền đã làm thay đổi cách nhìn của người dân về mô hình HTX kiểu mới. Thực tế, những HTX hoạt động theo Luật HTX năm 2012 thể hiện rõ là tổ chức của nông dân, đại diện quyền lợi cho nông dân nên được người dân tin tưởng. Vào HTX người dân được hưởng lợi trực tiếp thông qua các dịch vụ và đa số HTX đảm bảo đầu ra sản phẩm sau thu hoạch bằng cách liên kết chuỗi sản xuất với công ty, doanh nghiệp.

Hiện nay toàn tỉnh có trên 250 HTX tham gia liên kết sản xuất tiêu thụ sản phẩm với 20 doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh. Tổng diện diện tích gieo trồng có hợp đồng liên kết tiêu thụ sản phẩm hàng năm là 10.431ha bao gồm liên kết sản xuất lúa giống; lúa Nhật, lúa chất lượng cao; liên kết sản xuất cây màu. Việc mở rộng liên kết sản xuất tiêu thụ sản phẩm giữa doanh nghiệp với HTX đã đem lại hiệu quả kinh tế thiết thực. Đối với các hộ nông dân năng suất tăng, giá bán tăng, chi phí giảm 5-10% so với sản xuất tiêu thụ sản phẩm truyền thống. Đối với HTX lợi ích thu được từ mối liên kết là tiếp thu được tiến bộ khoa học mới, chỉ đạo sản xuất được tập trung đồng bộ theo quy trình chuẩn, chiết khấu thu được từ sản lượng ký kết tiêu thụ sản phẩm cho doanh nghiệp. 

Tuy nhiên, việc ban hành và triển khai các văn bản hướng dẫn thi hành Luật HTX năm 2012 ở tỉnh Thái Bình còn chậm so với yêu cầu; nhiều nội dung chưa được thống nhất, nhất là về thủ tục đăng ký lại và đăng ký thành lập khiến các HTX khó khăn trong chuyển đổi nội dung hoạt động theo Luật HTX năm 2012. Các quy định tại Luật HTX năm 2012 và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật vẫn còn bất cập; một số quy định còn chưa được hướng dẫn hoặc có hướng dẫn nhưng tính khả thi không cao, khó triển khai. Nhiều chính sách hỗ trợ được ban hành nhưng chưa đồng bộ, thiếu nguồn lực; công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát việc thi hành Luật HTX năm 2012 và các chính sách hỗ trợ phát triển HTX chưa thường xuyên. Việc thi hành Luật HTX năm 2012 vẫn còn nhiều hạn chế nhất là vấn đề thực hiện chính sách về đất đai, Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, tài sản thế chấp.... Do đó, để Luật HTX thực sự đi vào cuộc sống, cần chú trọng công tác tuyên truyền, tạo nhận thức đúng đắn, thống nhất trong các cấp, các ngành về phát triển HTX; tổ chức tốt công tác tổng kết, xây dựng và nhân rộng các điển hình tiên tiến, từ đó rút kinh nghiệm và điều chỉnh kịp thời công tác chỉ đạo, điều hành; khuyến khích các mô hình điển hình tiên tiến trong phát triển KTTT. Đồng thời, cần có sự tăng cường quản lý, phối hợp thực hiện chặt chẽ giữa các sở, ban, ngành và các huyện, thành phố trong quá trình theo dõi, nắm bắt tình hình hoạt động của HTX đồng thời có hướng dẫn, tháo gỡ kịp thời để HTX hoạt động hiệu quả, nâng cao thu nhập, đời sống cho thành viên. 

Việc triển khai thi hành Luật Hợp tác xã 2012 bước đầu làm thay đổi nhận thức trong hệ thống chính trị và người dân về vai trò quan trọng của phát triển KTTT. Triển khai thực hiện Luật HTX 2012 có hai nhiệm vụ được thực hiện song song đó là thành lập các HTX kiểu mới theo Luật HTX 2012 và chuyển đổi các HTX kiểu cũ thành các HTX kiểu mới, kể từ đây KTTT, nòng cốt là các HTX đã có sự phát triển mạnh mẽ trên các lĩnh vực, góp phần quan trọng vào sự phát triển của đất nước nói chung và tỉnh Thái Bình nói riêng.

Theo Cổng thông tin điện tử tỉnh Thái Bình