Lợi thế lớn phát triển dệt may, cơ khí
Thái Bình hiện có 234 doanh nghiệp dệt may, da giày. Trong đó, tỉnh có 44 doanh nghiệp (DN) CNHT gồm 5 DN đầu tư nước ngoài, 39 DN, cơ sở sản xuất trong nước. Thời gian qua, CNHT ngành dệt may đã góp phần thúc đẩy ngành này phát triển, đóng góp đáng kể vào tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh.
Cụ thể, các DN CNHT của tỉnh trong ngành dệt may, da giày chủ yếu sản xuất trong lĩnh vực dệt nhuộm, kéo sợi. Hiện tại, tỉnh có 41 DN hỗ trợ ngành dệt, trong đó 23 DN dệt nhuộm và 18 DN sản xuất xơ, sợi.
Các doanh nghiệp dệt và sản xuất xơ, sợi chủ yếu có quy mô trung bình, một số doanh nghiệp có quy mô lớn với dây chuyền tương đối hiện đại như Công ty TNHH Hợp Thành; Công ty Cổ phần Tập đoàn Đại Cường; Công ty Cổ phần Bitexco Nam Long; Công ty Cổ phần Damsan; Công ty Cổ phần Sợi Trà Lý.
Thị trường tiêu thụ sản phẩm dệt, sợi của các doanh nghiệp trên chủ yếu là châu Âu, Nhật Bản, Mỹ, Đài Loan, Trung Quốc, ngoài ra tiêu thụ một phần ở trong nước. Đây là một trong những lợi thế rất lớn trong phát triển CNHT ngành dệt may của tỉnh.
Theo lãnh đạo tỉnh Thái Bình, hiện Thái Bình đã nằm trong top tỉnh có giá trị kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, đặc biệt như dệt may, da giày, xơ sợi. Trong định hướng phát triển công nghiệp đến năm 2030, dệt may là 1 trong 4 nhóm ngành hàng chính được cụ thể hóa. Nhiều DN của tỉnh Thái Bình được nhà cung cấp đánh giá chất lượng tốt, giá cả cạnh tranh. Một số DN thuộc nhóm hàng kéo sợi, may công nghiệp đã đầu tư đổi mới trang thiết bị, công nghệ hiện đại để tăng năng suất, nâng cao chất lượng sản phẩm, nên đã phần nào đáp ứng được yêu cầu của thị trường…
Về lĩnh vực cơ khí, chế tạo, các khu công nghiệp (KCN) có vị trí địa lý thuận lợi trên địa bàn tỉnh như KCN Nguyễn Đức Cảnh, KCN Cầu Nghìn hiện đang hoạt động các ngành nghề cơ khí chế biến chế tạo thiết bị, phụ tùng cho các ngành công nghiệp nhẹ và sửa chữa, lắp ráp ô tô, xe máy…
Được biết, hiện tỉnh Thái Bình cũng đặc biệt tập trung phát triển CNHT trong lĩnh vực này và coi đây như một khâu đột phá để thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp của tỉnh trong giai đoạn tới, góp phần nâng cao giá trị tăng thêm của ngành cũng như đáp ứng nhu cầu về linh kiện, phụ tùng cho sản xuất trong nước và tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Tạo điều kiện thông thoáng cho nhà đầu tư
Theo đại diện lãnh đạo UBND tỉnh Thái Bình, để tạo đà cho công nghiệp phát triển nói chung và CNHT nói riêng, tỉnh Thái Bình đã tháo gỡ vướng mắc mà DN đang gặp phải trong quá trình thu hút đầu tư, thị trường xuất khẩu.
Cụ thể, thời gian tới, địa phương sẽ tiếp tục hỗ trợ một số ngành công nghiệp như dệt may, cơ khí, điện tử… phát triển tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Tăng cường đổi mới công nghệ, nâng cao trình độ thiết kế, quảng bá thương hiệu. Đồng thời, tiếp tục kêu gọi các dự án kéo sợi, dệt may đồng bộ và phát triển CNHT cho ngành may.
Thực tế cho thấy, Quy hoạch phát triển ngành CNHT tỉnh Thái Bình giai đoạn 2016 - 2025, định hướng đến năm 2030, với mục tiêu tổng quát đã xác định, đến năm 2020, CNHT sẽ trở thành ngành công nghiệp phát triển quan trọng, chủ yếu sản xuất và cung cấp các linh kiện, phụ tùng cho các ngành công nghiệp trong nước; đến năm 2025, CNHT của tỉnh sẽ tham gia quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu của các tập đoàn đa quốc gia lớn trên thế giới.
Để đạt được mục tiêu trong giai đoạn này, tỉnh đã đề ra nhiều nhóm giải pháp đồng bộ như giải pháp về đầu tư; giải pháp xây dựng và phát triển thị trường; giải pháp về khoa học công nghệ; giải pháp phát triển các khu, cụm công nghiệp chuyên ngành; giải pháp về hợp tác và phối hợp phát triển; bảo vệ môi trường và giải pháp quản lý. Bên cạnh đó, còn có nhóm giải pháp mang tính đột phá gồm: Cải cách hành chính, tạo điều kiện thông thoáng cho đầu tư; đẩy nhanh tiến độ phát triển cơ sở hạ tầng, phát triền nguồn nhân lực.
Đặc biệt, Thái Bình sẽ đặc biệt tập trung phát triển CNHT cho ngành điện tử, cơ khí chế tạo và dệt may, coi đây như một khâu đột phá để thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp của tỉnh trong giai đoạn tới và góp phần nâng cao giá trị tăng thêm của ngành.
Theo Báo Công Thương