Công ty TNHH Phát triển công nghệ khí sinh học Môi trường Xanh là doanh nghiệp chuyên sản xuất các thiết bị xử lý chất thải chăn nuôi làm bằng chất liệu nhựa, được sản xuất theo dây chuyền khép kín, hiện đại và không gây ảnh hưởng đến môi trường xung quanh. Thời gian qua, Công ty được Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp Thái Bình (Khuyến công) phối hợp với Phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện Đông Hưng hướng dẫn, hỗ trợ đầu tư thiết bị máy móc để hoạt động sản xuất kinh doanh đạt hiệu quả. Đến nay, doanh nghiệp đã tạo việc làm cho gần 50 lao động địa phương với mức thu nhập bình quân từ 5 - 7 triệu đồng/người/tháng. Đặc biệt, nhìn theo phương hướng mở rộng thì sự xuất hiện của các doanh nghiệp như trên đang góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế và xóa bỏ vùng trắng về công nghiệp của tỉnh Thái Bình, cũng như tạo thêm nhiều việc làm, nâng cao thu nhập ổn định cho nhiều lao động nông thôn.
Thực tế từ nhiều năm cho thấy, Thái Bình cũng như một số địa phương khác trong cả nước, tình trạng lao động nông thôn rời bỏ quê hương lên các thành phố kiếm sống đang ngày càng phổ biến, kéo theo nhiều vấn đề xã hội và câu hỏi đặt ra là làm thế nào để người dân nông thôn “ly nông bất ly hương” đã trở thành niềm trăn trở của các cấp lãnh đạo tỉnh Thái Bình. Trước thực tế đó, Trung tâm Khuyến công Thái Bình – Đơn vị trực thuộc Sở Công Thương đã tham mưu, xây dựng và trình UBND tỉnh Thái Bình nhiều đề án khuyến công hỗ trợ phát triển cho các doanh nghiệp, cơ sở công nghiệp nông thôn, cũng như khôi phục và phát triển các làng nghề truyền thống địa phương. Mặt khác, Trung tâm còn phối hợp chặt chẽ với UBND, Phòng Kinh tế - Hạ tầng các huyện, thành phố tổ chức nhiều lớp đào tạo, nâng cao tay nghề cho bà con nông dân, đồng thời tạo điều kiện hỗ trợ, thu hút doanh nghiệp đầu tư, phát triển nghề mới để giải quyết việc làm tại chỗ cho lao động nông thôn.
Sau một thời gian triển khai, điều đáng mừng là lao động trẻ tại các huyện đã tự trang bị được cho mình hành trang vào đời, với quan niệm “cái nghề đi trước, tiền rước về sau”. Vượt qua những khó khăn, bỡ ngỡ ban đầu khi tập làm quen với máy móc thiết bị, những người nông dân mới ngày nào chân lấm tay bùn, giờ đây đã thấy rõ được hiệu quả từ việc “ly nông”. Đặc biệt, trong quá trình CNH-HĐH, hoạt động khuyến công Thái Bình đã vươn tới các làng quê – nơi những cánh đồng đang ngày càng thu hẹp lại và nhường đất cho những dự án phát trển kinh tế. Điều này đã giúp cho người nông dân có thêm việc làm, gia tăng thu nhập mà không phải rời xa quê hương.
Bên cạnh việc khôi phục lại những nghề truyền thống mà bấy lâu nay đã bị mai một, công tác khuyến công còn nỗ lực đưa thêm nhiều nghề mới đến với người nông dân. Từ đó, bà con đã có thể tạm gác việc ruộng đồng vào những ngày mưa, ngày nắng để yên tâm ngồi trong nhà máy may, thêu thùa, đan lát hàng thủ công mỹ nghệ xuất khẩu, hoặc có thể trở thành người công nhân lao động trong các nhà máy, xí nghiệp trên chính mảnh đất quê hương mình.
Đặc biệt, không chỉ thu hút các doanh nghiệp về đầu tư trên địa bàn nông thôn thông qua việc xây dựng và giới thiệu các mô hình sản xuất, hàng năm, Trung tâm Khuyến công Thái Bình còn tổ chức các khóa tập huấn khởi sự và quản trị doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Với kiến thức được trang bị từ các chuyên gia đến từ nhiều cơ sở đào tạo uy tín đã thúc đẩy mạnh mẽ nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ phát triển, tạo thêm nhiều công ăn việc làm cho bà con nông dân. Cùng với đó, nhằm thúc đẩy cho sự phát triển công nghiệp địa phương và các làng nghề truyền thống, đều đặn hàng năm, Trung tâm Khuyến công Thái Bình còn tổ chức cho doanh nghiệp, cơ sở sản xuất tham gia nhiều chương trình hội chợ, triển lãm hàng công nghiệp nông thôn; tạo điều kiện quảng bá thương hiệu doanh nghiệp, sản phẩm CNNT đến với mọi miền Tổ quốc… Mặt khác, trong kế hoạch công tác hàng năm, Trung tâm còn tổ chức các chuyến đi khảo sát, tham quan học hỏi kinh nghiệm phát triển công nghiệp nông thôn của các tỉnh bạn ở cả trong nước và quốc tế cho nhiều đối tượng là các doanh nghiệp trên địa bàn. Thông qua những chuyến đi khảo sát, nhiều đơn vị đã không ngừng tìm tòi các loại hình nghề mới có thể áp dụng phù hợp tại địa phương mình để góp phần làm gia tăng việc làm cho người lao động.
Phát huy những thành tựu đã đạt được, thời gian tới, Trung tâm Khuyến công Thái Bình sẽ tiếp tục xây dựng các đề án mới nhằm hỗ trợ phát triển mạnh mẽ công nghiệp nông thôn. Mặc khác, Trung tâm sẽ không chỉ tập trung đào tạo nghề cho người nông dân mà hoạt động khuyến công còn xây dựng thêm các chương trình hỗ trợ tư vấn cho sự phát triển của doanh nghiệp, cơ sở công nghiệp nông thôn và các làng nghề truyền thống trên địa bàn trong việc quảng bá thương hiệu; hỗ trợ doanh nghiệp trong việc chuyển giao công nghệ mới và giúp các sản phẩm công nghiệp nông thôn có chỗ đứng vững chắc trên thị trường… Mặt khác, cán bộ, viên chức trong toàn Trung tâm cũng sẽ tiếp tục không ngừng học hỏi, nâng cao kỹ năng hoạt động khuyến công để có thể mang lại những việc làm mới, cũng như điều kiện làm việc tốt nhất cho bà con và doanh nghiệp. Qua đó, giúp nông dân “ly nông bất ly hương”, giảm bớt gánh nặng của việc nhập cư, di dân, đồng thời thu hút thêm các doanh nghiệp về đầu tư tại nông thôn./.
Theo Công nghiệp tiêu dùng