Chỉ số sản xuất ngành sản xuất và phân phối điện tăng 80%
Theo báo cáo của Sở Công Thương tỉnh Thái Bình, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (chỉ số IIP) tháng 9/2023 của tỉnh giảm 2,8% so với tháng 8/2023 và tăng 5% so với cùng kỳ năm 2022.
Tính chung 9 tháng đầu năm, chỉ số IIP của tỉnh Thái Bình tăng 12,6% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó: Ngành khai khoáng giảm 20%; ngành công nghiệp chế biến chế tạo tăng 2,2%; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 80%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 4,4%.
Giá trị sản xuất công nghiệp tháng 9/2023 của Thái Bình (giá so sánh 2010) ước đạt 8.321 tỷ đồng, giảm 4,9%% so với cùng kỳ năm 2022. Tính chung 9 tháng đầu năm 2023, giá trị sản xuất công nghiệp (giá so sánh 2010) ước đạt 72.007 tỷ đồng, tăng 9,2% so cùng kỳ năm 2022.
Trong đó, công nghiệp khai khoáng ước đạt 222 tỷ đồng, giảm 18%; công nghiệp chế biến, chế tạo ước đạt 66.104 tỷ đồng, tăng 5,7%; sản xuất truyền tải và phân phối điện ước đạt 5.392 tỷ đồng, tăng 88,2%; cung cấp nước, quản lý và xử lý rác thải nước thải ước đạt 288 tỷ đồng, tăng 6,7%.
Trong 9 tháng đầu năm 2023, các sản phẩm công nghiệp chủ yếu có tốc độ tăng cao so với cùng kỳ năm trước: Sắt thép không hợp kim dạng thỏi đúc hoặc dạng thô khác tăng hơn 1 lần; thép cán (+88,7%); khăn mặt, khăn tắm và khăn khác (+9,8%); sứ vệ sinh (+26,8%); tai nghe tăng 3,4 lần; túi khí (+74,8%); phụ tùng khác của xe có động cơ (+12%); điện sản xuất (+92,8%);...
Tuy nhiên một số sản phẩm giảm mạnh như: Khí tự nhiên dạng khí (-25,7%); áo sơ mi cho người lớn (34,2%); gạch xây bằng đất nung (-29,9%); loa (-31,9%); cần gạt nước, sương, tuyết trên kính chắn (-45,4% );...
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 17,3%
Trong lĩnh vực thương mại, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 9/2023 của Thái Bình ước đạt 5.778 tỷ đồng, tăng 2,3% so với tháng 8/2023 và tăng 12,6% so với cùng kỳ 2022.
Tính chung 9 tháng đầu năm 2023, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trên địa bàn tỉnh ước đạt 50.703 tỷ đồng, tăng 17,3% so với cùng kỳ 2022.
Trong đó: Doanh thu bán lẻ hàng hóa ước đạt 44.443 tỷ đồng, tăng 16,8%; doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống, du lịch lữ hành ước đạt 3.643 tỷ đồng, tăng 30%; doanh thu dịch vụ khác ước đạt 2.616 tỷ đồng, tăng 10% so với cùng kỳ.
Vẫn theo Sở Công Thương Thái Bình, tháng 9/2023, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 270 triệu USD, giảm 6,1% so với tháng trước và tăng 28,6% so với cùng kỳ; kim ngạch nhập khẩu ước đạt 139 triệu USD, tăng 3,5% so với tháng trước và giảm 3,6% so với cùng kỳ năm 2022.
Tính chung 9 tháng đầu năm 2023, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 2.032 triệu USD, tăng 8,7% so với cùng kỳ năm trước; kim ngạch nhập khẩu ước đạt 1.330 triệu USD, giảm 21,7% so với cùng kỳ năm trước.
Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu là: Dệt may (1.127 triệu USD, tăng 2,88%), da giày (203,4 triệu USD, tăng 18,4%), xơ sợi (121,4 triệu USD, giảm 0,5%), linh kiện, phụ tùng xe (176 triệu USD, tăng 25.5%), thủy sản (24 triệu USD, tăng 65%), sắt thép (19,5 triệu USD, giảm 4,1%), thủ công mỹ nghệ (5,2 triệu USD, tăng 15%), sử dân dụng (17 triệu USD, tăng 7,7%),...
Theo thị trường xuất khẩu hàng hóa 9 tháng năm 2023, châu Á là thị trường xuất khẩu lớn nhất của tỉnh Thái Bình đạt 1.078 triệu USD (chiếm 53%), tăng 14,7% so với cùng kỳ (trong đó Hàn Quốc 339 triệu USD, tăng 13,4%; Nhật Bản 287 triệu USD, tăng 23% chủ yếu tăng ở hàng khăn; Hồng Kông 143 triệu USD, giảm 24,5%; Lào giảm 69,3%); tiếp đến là Châu Mỹ đạt 577 triệu USD (chiếm 28,4%), tăng 3,4%; châu Âu đạt 191 triệu USD (chiếm 9,4%).
Nguồn: congthuong.vn
Sưu tầm: PTKD-VPC