Chiếc nón Huế có nguồn gốc từ làng Tây Hồ, xã Phú Hồ, huyện Phú Vang, Thừa Thiên Huế. Đây là một nghề truyền thống đã tồn tại hàng trăm năm. Sự ra đời của chiếc nón lá thực chất là một câu chuyện tình cờ. Vào năm 1960, ông Bùi Quang Bặc, một nghệ nhân tài ba, đã nảy ra ý tưởng khắc những câu thơ lên trên hai mặt của nón lá, nhằm tăng thêm vẻ đẹp và ý nghĩa của chiếc nón Huế. Từ đó, nghề làm nón ở làng này đã phát triển mạnh mẽ, lưu giữ được một kỹ thuật làm nón vô cùng công phu và tỉ mỉ, với những câu thơ sâu sắc nói về thiên nhiên, đất nước và con người Việt Nam.
Các nghệ nhân Huế chọn lựa lá dừa, lá gồi tươi xanh, uốn nắn khung nón một cách tỉ mỉ để tạo ra những chiếc nón nhẹ nhàng, nhưng vô cùng bền chắc. Cách làm nón thủ công tỉ mỉ này tạo nên sự mềm mại và thanh thoát cho chiếc nón, khác biệt rõ rệt với những sản phẩm nón công nghiệp sản xuất hàng loạt.
Một yếu tố làm cho nón lá Huế thêm phần đặc biệt chính là những hoa văn, họa tiết được thêu trên nón, bao gồm các công trình biểu tượng của Huế và các câu thơ nổi tiếng. Những hoa văn này không chỉ tăng thêm giá trị thẩm mỹ mà còn thể hiện sự gắn kết sâu sắc với lịch sử và văn hóa của mảnh đất cố đô. Nón lá Huế không chỉ là sản phẩm bảo vệ sức khỏe, mà còn là một món quà lưu niệm đầy ý nghĩa, đánh dấu dấu ấn văn hóa Huế trong lòng du khách.
Nghề làm nón lá hình thành và phát triển ở Huế từ hàng trăm năm nay, với rất nhiều làng nón nổi tiếng như: Dạ Lê, Phú Cam, Đốc Sơ, Triều Tây, Kim Long, Sịa... Ngày nay, các làng nghề nổi tiếng như Tây Hồ Xã Phú Hồ, Mỹ Lam xã Phú Mỹ huyện Phú vang, Phú Cam, Phước Vĩnh, Đốc Sơ, Triều Tây, Hương Sơ, TP Huế cho ra thị trường hàng triệu chiếc nón, không chỉ đáp ứng nhu cầu tiêu thụ của người dân, mà còn là món quà lưu niệm đặc sắc cho du khách bốn phương khi đến Huế.
Tuy nhiên, dù có bề dày truyền thống và giá trị văn hóa sâu sắc, làng nghề nón lá Huế cũng đang đối mặt với không ít thách thức. Một trong những khó khăn lớn nhất là sự cạnh tranh từ các sản phẩm nón công nghiệp sản xuất hàng loạt, với giá thành rẻ và quy trình sản xuất nhanh chóng. Điều này khiến cho sản phẩm nón lá thủ công Mỹ Lam gặp khó khăn trong việc cạnh tranh về giá cả và số lượng.
Ngoài ra, việc thiếu hụt lao động trẻ tiếp nối nghề truyền thống là một vấn đề nghiêm trọng. Thế hệ trẻ hiện nay không mấy mặn mà với công việc làm nón thủ công, khiến cho số lượng người làm nghề ngày càng giảm sút. Bên cạnh đó, việc thiếu sự kết nối, hợp tác giữa các cơ sở sản xuất trong làng nghề cũng hạn chế khả năng mở rộng thị trường và nâng cao chất lượng sản phẩm.
Ở Thừa Thiên Huế có rất nhiều làng nghề làm nón lá, có làng chuyên làm nón 3 lớp, nón 2 lớp, có làng chuyên về nón bài thơ.
Hướng đi cho nón lá Huế
Tiến sĩ Phạm Hùng Tiến - Phó Giám đốc Quốc gia viện FNF Cộng hòa Liên bang Đức tại Việt Nam cho biết, từ năm 2012, theo đánh giá của các chuyên gia và cộng đồng, trong các sản phẩm nghề truyền thống ở Huế, Nón lá dưới con mắt bạn bè quốc tế là một Nghệ thuật chế tác tiêu biểu của người thợ thủ công Việt Nam; đồng thời cũng là sản phẩm thích ứng với dòng chảy văn minh nhân loại nên được sử dụng trong hầu hết các sự kiện Văn hóa lớn ở trong và ngoài nước. Tuy nhiên, nghề làm nón lá đang bị mai một dần, hình ảnh chiếc nón lá Huế đang dần bị mất đi trong Bức tranh du lịch Huế. Do đó, cần thiết có một hướng đi tốt trong việc khôi phục và phát huy nghề chằm nón.
"Chúng ta thường nói trên các diễn đàn rằng, văn hóa và các sản phẩm văn hóa là lực đẩy Kinh tế. Vậy để nâng cao thu nhập cho những người làm nghề thủ công, phải biến những giá trị Văn hóa thành Giá trị kinh tế, tức là tìm cách chuyển một bộ phận Nón lá Huế từ sản phẩm thủ công mỹ nghệ trở thành một tác phẩm nghệ thuật thực sự. Các câu chuyện xoay quanh Quy trình sản xuất Nón lá hóa cũng có thể trở thành sản phẩm Du lịch. Cần có chế độ chính sách trợ cấp và tạo điều kiện cho các nghệ nhân, thợ tay nghề cao và các cơ sở sản xuất duy trì sản xuất các sản phẩm độc đáo, trước hết nhằm phục vụ sinh hoạt, các lễ hội của cộng đồng và hướng tới sản xuất một số loại sản phẩm cao cấp, có giá trị kinh tế cao đáp ứng thị hiếu của du khách nội địa và quốc tế. Bởi đây cũng là công tác văn hóa, bảo tồn sản phẩm truyền thống của người Xứ huế. Họ chính là người hiểu nhất về giá trị văn hóa và tạo nền tảng để "Văn hóa Nón lá" hội nhập tốt hơn với các loại hình văn hóa khác.” - Tiến sĩ Phạm Hùng Tiến chia sẻ.
Phó Giám đốc Quốc gia viện FNF Cộng hòa Liên bang Đức tại Việt Nam mong muốn, Hội Nón lá kết hợp với cơ sở kinh doanh đẩy mạnh đa dạng hóa các hoạt động liên kết với các Trường Đại học - Cao đẳng, các Viện và cộng đồng để duy trì các sự kiện làm giàu giá trị và giá trị sử dụng Nón lá, ví dụ như: Tổ chức đào tạo, truyền nghề, Cuộc thi sáng kiến thiết kế mẫu mã, cải tiến nguyên vật liệu, nâng cao chất lượng, tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm….
Mặc dù ngành nón lá Huế đang đối mặt với nhiều thách thức như thị trường còn hạn chế, công nghệ sản xuất chưa thay đổi, và thiếu lao động trẻ kế thừa, nhưng những sáng kiến và sự hỗ trợ từ các cơ quan chức năng hứa hẹn sẽ tạo ra hướng đi bền vững cho nón lá Huế, giúp sản phẩm này không chỉ giữ vững giá trị văn hóa mà còn phát triển mạnh mẽ trên thị trường trong nước và quốc tế.
Nguồn: Tạp chí Làng nghề