Sáng ngày 23/11 tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp Bộ Công Thương sơ kết 2 năm thực hiện Nghị định 52/2018/NĐ-CP ngày 12/4/2018 của Chính phủ về phát triển ngành nghề nông thôn.
Sau 2 năm thực hiện Nghị định 52/2018/NĐ-CP của Chính phủ về phát triển ngành nghề nông thôn đã góp phần quan trọng trong phát triển nền kinh tế dịch vụ ở nông thôn tạo sự chuyển dịch về cơ cấu kinh tế, phát triển kinh tế - xã hội nông thôn theo định hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa và giữ gìn phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Cả nước hiện có 817 nghìn tổ chức sản xuất ngành nghề nông thôn, tăng 14% so với năm 2017 thời điểm trước khi Nghị định số 52 của Chính phủ được ban hành; tạo việc làm cho hơn 2,3 triệu lao động, doanh thu tăng 40 nghìn tỷ đồng….Trên thực tế đã hình thành hệ thống các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác đầu tư liên kết với các hộ gia đình, làng nghề trong cung ứng nguyên liệu, sản xuất, tiêu thụ sản phẩm qua đó tăng thêm thu nhập cho người lao động và lợi nhuận cho doanh nghiệp, góp phần không nhỏ vào kim ngạch xuất khẩu của ngành nông nghiệp trong thời gian qua.
Tập trung cơ chế chính sách theo chuỗi giá trị phát triển ngành nghề kinh tế nông thôn
Trong lĩnh vực Công Thương, theo báo cáo của Bộ Công Thương hàng năm, căn cứ quyết định tại Nghị định 45 và các văn bản hướng dẫn, Bộ xây dựng kế hoạch kinh phí khuyến công quốc gia, hỗ trợ, khuyến khích các cơ sở công nghiệp nông thôn trên toàn quốc phát triển. Theo đó, giai đoạn từ năm 2018 – 2020, tổng kinh phí khuyến công quốc gia được phê duyệt là 140 tỷ đồng/năm. Bộ Công Thương đã tổ chức thẩm định và xét giao kế hoạch cho 63/63 tỉnh, thành phố và gần 20 tổ chức dịch vụ khuyến công triển khai thực hiện. Chương trình khuyến công quốc gia đã hỗ trợ, khuyến khích các cơ sở công nghiệp nông thôn thúc đẩy sản xuất, đổi mới, cải tiến công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm, từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh mở rộng thị trường tiêu thụ. Giúp các cơ sở công nghiệp nông thôn ổn định sản xuất kinh doanh, tháo gỡ phần nào những khó khăn về vốn đầu tư. Mặt khác, khuyến khích các cơ sở công nghiệp nông thôn khai thác tốt tiềm năng nguồn nguyên liệu sẵn có trên địa bàn các tỉnh, thành phố tạo ra giá trị sản xuất chung của ngành.
Từ năm 2018 – 2020, ngành Công Thương đã hỗ trợ xây dựng được gần 100 mô hình trình diễn kỹ thuật sản xuất sản phẩm mới, hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị cho khoảng 550 cơ sở, đã thu hút được khoảng 2.000 tỷ đồng vốn đầu tư của chủ doanh nghiệp và đã đào tạo được 800 lao động; toàn quốc đào tạo khởi sự doanh nghiệp công nghiệp nông thôn, cán bộ khuyến nông cho hơn 5.700 học viên; hỗ trợ tham gia hội chợ, triển lãm, tham quan khảo sát… Ngoài ra, trong năm 2019, Bộ Công Thương đã tổ chức thực hiện 3 nhiệm vụ của hoạt động phát triển cụm công nghiệp.
Tập trung làm rõ những lợi thế và tiềm năng của khu vực này, tại Hội nghị, các đại biểu cho rằng, các bộ ngành, địa phương cần tập trung hỗ trợ các cơ chế chính sách phát triển các sản phẩm của ngành nghề nông thôn theo chuỗi giá trị hàng hóa. Nhiều ngành nghề phát triển tốt như: gốm, thêu, mây tre đan nhưng còn gặp khó khăn về thị trường tiêu thụ, vì vậy, cần hỗ trợ theo chuỗi giá trị để vừa hỗ trợ được vùng sản xuất, vùng nguyên liệu, ứng dụng công nghệ và xúc tiến thương mại.
Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố Hà Nội Tạ Văn Tường, nhận định, theo xu hướng phát triển của xã hội thì phát triển làng nghề không thể tách rời với phát triển du lịch. Bởi làng nghề hướng đến các sản phẩm phục vụ cho con người vì vậy đây là mối quan hệ tương hỗ giúp tăng nguồn thu cho các làng nghề. Kể cả những làng nghề không có địa điểm du lịch vẫn có thể tiêu thụ được các sản phẩm mình làm ra ở những điểm du lịch, qua đó vừa bảo tồn được nghề, vừa tạo thu nhập cho làng nghề. Do đó, cần nâng cấp cơ sở hạ tầng cần tập trung hoàn thiện cơ sở hạ tầng làng nghề gắn với du lịch và xây dựng nông thôn mới; quy hoạch phát triển các vùng nguyên liệu tập trung, ổn định.
Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Trần Thanh Nam, quan trọng nhất của các ngành nghề nông thôn là phải thiết kế được các sản phẩm có ý tưởng sáng tạo. Theo chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã và đang xây dựng Đề án bảo tồn và phát triển ngành nghề nông thôn. Theo đó, một trong những giải pháp được chú trọng đến là hỗ trợ và tạo điều kiện về mặt bằng như đất đai để xây dựng một số trung tâm bảo tồn và phát triển sáng tạo các ngành nghề thủ công chủ lực của Việt Nam theo hướng xã hội hóa nhà nước và nhân dân cùng làm tại một số địa phương có ngành phát triển mạnh với chức năng là trung tâm thiết kế sáng tạo, qua đó thu hút được các nguồn lực trong doanh nghiệp, các hợp tác xã và người dân.
Theo Báo Công Thương