Kim ngạch xuất khẩu trong tháng 5 có mức tăng khá so với tháng 4 trước đó, cho thấy những nỗ lực trong việc đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa đã phát huy tác dụng.

Cụ thể, tháng 5, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước đạt 37,35 tỷ USD.
Trong đó, kim ngạch xuất khẩu đạt 19,19 tỷ USD, tăng 9,1% so với tháng 4/2020, tuy nhiên kim ngạch nhập khẩu đạt 18,18 tỷ, giảm 1,9%.
Lũy kế 5 tháng đầu năm, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước đạt gần 197 tỷ USD. Kim ngạch xuất khẩu đạt 100,21 tỷ USD, giảm 0,9% so với cùng kỳ 2019; nhập khẩu 96,67 tỷ, giảm 4,6%.
Về cán cân thương mại, tháng 5, nước ta xuất siêu hơn 1 tỷ USD, qua đó đưa mức thặng dư trong 5 tháng đầu năm lên hơn 3,5 tỷ USD.

Theo Bộ Công Thương, thời gian qua, chuỗi cung ứng, thị trường xuất nhập khẩu bị gián đoạn do tác động của dịch Covid-19. Nhưng từ giữa tháng 4 đến nay, tình hình đã từng bước cải thiện, các nước châu Âu từng bước mở cửa trở lại đối với nền kinh tế. Nhiều nước đã tung ra các gói kích cầu quy mô lớn, tăng cường chi tiêu tài khóa để đối phó với dịch bệnh, duy trì các hoạt động kinh tế thiết yếu và hỗ trợ người lao động. Còn tại Mỹ, tính đến cuối tháng 5/2020, tất cả 50 tiểu bang ở Mỹ đã mở cửa lại từng phần sau khi đóng cửa 2 tháng để thực hiện các biện pháp hạn chế nhằm chống dịch Covid-19.Trị giá xuất khẩu tháng 5 sang nhiều thị trường chủ lực của Việt Nam đồng loạt tăng như Mỹ tăng 700 triệu USD; EU tăng 502 triệu USD; ASEAN tăng nhẹ 22,8 triệu USD. Đáng chú ý, 5 tháng đầu năm, riêng xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc đạt xấp xỉ 16 tỷ USD, tăng 17,9% so với cùng kỳ năm trước, tương ứng tăng 2,43 tỷ USD và tương đương sự tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu sang thị trường Mỹ.
Trong thời gian qua, Bộ Công Thương đã triển khai các hoạt động kết nối giao thương trực tuyến giữa doanh nghiệp Việt Nam với đối tác có nhu cầu nhập khẩu, nhằm mở rộng thị trường cho nông sản nói riêng và hàng hóa nói chung. Ngay khi dịch Covid-19 chưa có dấu hiệu giảm nhiệt, Bộ Công Thương đã sớm tính đến việc triển khai các hình thức xúc tiến thương mại, khơi thông thị trường xuất khẩu cho hàng nông sản. Trung Quốc là thị trường đầu tiên được nhắm tới với sự kiện mở đầu là Hội nghị giao thương trực tuyến hàng hóa Việt Nam - Trung Quốc, thu hút sự tham gia của hơn 150 doanh nghiệp hai bên. Tiếp đó, Bộ Công Thương đã tổ chức Hội thảo trực tuyến “Việt Nam - Ấn Độ: xúc tiến thương mại nông sản và thực phẩm chế biến”. Với gần 1,4 tỷ dân, Ấn Độ là thị trường có tiềm năng để doanh nghiệp xuất khẩu nông sản, thực phẩm của Việt Nam khai thác.
Đặc biệt, để xúc tiến tiêu thụ trái vải, Bộ Công Thương và tỉnh Bắc Giang đã tổ chức Hội nghị xúc tiến tiêu thụ quả vải thiều năm 2020 vào đầu tháng 6/2020. Hội nghị được tổ chức trực tuyến, đầu cầu tại Bắc Giang, kết nối 62 tỉnh thành và với 2 tỉnh Quảng Tây và Vân Nam (Trung Quốc) - là 2 tỉnh tiêu thụ chính trái vải Việt Nam tại thị trường Trung Quốc.
Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) dự kiến sẽ có hiệu lực từ tháng 7/2020. Cùng với CPTPP có hiệu lực trước đó dự báo sẽ tạo ra động lực mới cho xuất khẩu những tháng cuối năm 2020 và những năm tới.


Theo baocongthuong.vn