Ngành Công Thương thực hiện Kế hoạch phát triển năm 2021 trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực diễn biến rất nhanh, phức tạp và khó lường, yếu tố thuận lợi và khó khăn đan xen. Sự bùng phát trở lại của đại dịch Covid – 19 đã ảnh hưởng đến tăng trưởng chung của toàn ngành công nghiệp.

Rà soát tiến độ các nhóm hàng công nghiệp

Tại báo cáo đánh giá tình hình thực hiện kế hoạch năm 2021, dự kiến kế hoạch năm 2022 ngành Công Thương, Bộ Công Thương cho biết đã rà soát đánh giá khả năng thực hiện kế hoạch phát triển công nghiệp của một số mặt hàng, nhóm hàng công nghiệp chủ yếu của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trên cơ sở đánh giá năng lực sản xuất, khả năng về thị trường tiêu thụ năm 2021.

Cụ thể, đối với ngành ô tô, trong 6 tháng năm 2020, sản lượng sản xuất ô tô tăng mạnh so với cùng kỳ năm 2020 (tăng khoảng 35%). Tuy nhiên, với tình hình dịch bệnh nghiêm trọng hiện nay, nhu cầu tiêu thụ ô tô giảm mạnh, đồng thời các doanh nghiệp cung ứng linh phụ kiện cho một số nhà sản xuất, lắp ráp ô tô lớn trong nước, đặc biệt tại phía Nam đang gặp rất nhiều khó khăn trong việc duy trì sản xuất. Do vậy, dự báo sản lượng ô tô sẽ giảm mạnh trong các tháng cuối năm 2021.

Hiện nay, Bộ Công Thương đang đề xuất Bộ Tài chính một số chính sách nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất ô tô trong nước trong thời gian tới như sửa đổi Chương trình ưu đãi thuế suất thuế nhập khẩu linh phụ kiện phục vụ sản xuất ô tô trong nước (tại Nghị định số 57/2020/NĐ-CP), xem xét tiếp tục chính sách ưu đãi lệ phí trước bạ cho ô tô sản xuất trong nước… “Các chính sách này trong trường hợp được ban hành sẽ đóng vai trò vô cùng tích cực trong việc duy trì sản lượng của ngành ô tô nội địa. Dự kiến sản lượng sản xuất ô tô năm 2021 đạt khoảng 293 nghìn chiếc, tương đương với năm 2020. Trong đó, 6 tháng đầu năm đạt 135 nghìn chiếc; 6 tháng cuối năm đạt 158 nghìn chiếc”- báo cáo chỉ ra.

Đáng chú ý với ngành điện tử, mặc dù gặp nhiều khó khăn từ ảnh hưởng của dịch Covid-19, tuy nhiên nhờ cân đối hợp lý hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp nên vẫn tăng trưởng khá cả về chỉ số sản xuất công nghiệp lẫn kim ngạch xuất khẩu trong 6 tháng năm 2021 so với cùng kỳ năm 2020.

Bộ Công Thương nhìn nhận, 6 tháng cuối năm, ngành điện tử Việt Nam dự kiến vẫn sẽ bị ảnh hưởng do chuỗi cung ứng phục vụ sản xuất trong nước bị gián đoạn từ các biện pháp phòng, chống dịch, giãn cách xã hội của các địa phương, đồng thời khả năng một số đơn hàng quốc tế sẽ bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh đã bùng phát trở lại tại một số quốc gia lớn. “Dự báo cả năm 2021, sản lượng điện thoại di động ước đạt 215 triệu chiếc, chỉ bằng khoảng 97,7% so với năm 2020; sản lượng ti vi ước đạt 15.700 nghìn chiếc, bằng với cùng kỳ năm ngoái”- Bộ Công Thương nhìn nhận.

Căn cứ tình hình và khả năng tăng trưởng của các ngành phân tích ở trên, dự báo tăng trưởng sản xuất công nghiệp cả năm 2021 khó đạt được chỉ tiêu tăng trưởng 8-9% như kế hoạch đề ra. Trên cơ sở diễn biến tình hình trong nước và thế giới, dự kiến chỉ số sản xuất công nghiệp của toàn ngành công nghiệp cả năm phấn đấu tăng khoảng 5-6%.

Tái cơ cấu công nghiệp - nhiệm vụ trọng tâm

Theo Bộ Công Thương, trong thời gian qua, Bộ đã ban hành và tập trung tổ chức triển khai quyết liệt việc ứng phó với dịch Covid-19 trên tinh thần rất chủ động, quyết liệt đồng bộ cả trong công tác phòng, chống dịch bệnh theo chỉ đạo chung của Ban Chỉ đạo quốc gia và trong công tác triển khai các giải pháp để xử lý khó khăn, vướng mắc nhằm thúc đẩy sản xuất kinh doanh.

Nhiệm vụ trọng tâm năm 2022 triển khai tích cực Đề án cơ cấu lại các ngành công nghiệp; tiếp tục phát triển sản xuất công nghiệp theo chiều sâu để từng bước tạo ra những sản phẩm có thương hiệu quốc gia và có sức cạnh tranh trên thị trường khu vực và thế giới, tham gia sâu hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu.

Tiếp tục đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu ngành công nghiệp theo hướng tăng tỷ trọng các ngành chế biến, chế tạo và giảm tỷ trọng gia công, lắp ráp đối với các sản phẩm công nghiệp được sản xuất ở Việt Nam. Rà soát cơ chế, chính sách tác động đến công nghiệp của từng ngành, sản phẩm. Từng bước tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp để tăng khả năng cạnh tranh, xây dựng hàng rào kỹ thuật đối với sản phẩm nhập khẩu để hỗ trợ sản phẩm trong nước, tăng tỷ lệ nội địa hóa. “Quan trong phải phục hồi sản xuất, chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị bị đứt gãy, hỗ trợ doanh nghiệp trong việc tìm kiếm thị trường xuất nhập khẩu nguyên nhiên vật liệu, phụ tùng, linh kiện thay thế”- Bộ Công Thương nêu rõ.

Bên cạnh đó, phát triển các ngành công nghiệp nền tảng như cơ khí, thép, thiết bị điện…; một số ngành công nghiệp có sức cạnh tranh quốc tế và tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu như dệt may, da giày, điện tử…Đơn cử như ngành cơ khí cần xây dựng các chính sách mới tập trung hỗ trợ để thúc đẩy nhanh các dự án lớn trong ngành cơ khí. Trong đó có chính sách ưu đãi đầu tư đặc biệt theo quy định của Luật Đầu tư để hình thành các dự án lớn, gia tăng tỷ lệ nội địa hóa, chuyển giao và làm chủ công nghệ thiết kế, chế tạo.

Ưu tiên phát triển công nghiệp hỗ trợ cũng theo hướng lựa chọn các nhóm ngành công nghiệp hỗ trợ cần ưu tiên phát triển phù hợp với điều kiện cụ thể của từng giai đoạn phục vụ sản xuất công nghiệp để tăng cường khả năng tham gia mạng lưới sản xuất toàn cầu của các tập đoàn đa quốc gia.

Riêng đối với ngành điện tử trong năm 2022, Bộ Công Thương cũng lưu ý, sớm nghiên cứu, hoàn thiện quy định cụ thể về hàng hóa có xuất xứ Việt Nam (made in Viet Nam) nhằm tạo điều kiện để các thương hiệu điện tử trong nước tạo được niềm tin với người tiêu dùng. Tăng cường các biện pháp bảo vệ thị trường điện – điện tử tiêu dùng nội địa (như thuế phòng vệ, hàng rào kỹ thuật, chống gian lận thương mại, hàng giả và hàng nhâp lậu…). Đồng thời tập trung hỗ trợ một số doanh nghiệp triển vọng phát triển thương hiệu (như BKAV, Asanzo...). “Tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ hoạt động lắp ráp của Samsung tại Việt Nam; phối hợp với Samsung xây dựng hệ thống nhà cung ứng nội địa cung cấp cho hoạt động lắp ráp sản phẩm hoàn chỉnh”

 

Nguồn: congthuong.vn

Tin đã đăng