Lập bản đồ phân vùng lún cho toàn vùng ĐBSCL (chi tiết đến cấp xã); đầu tư các giải pháp công trình nhằm ứng phó với các điểm sạt lở cấp bách triển khai đồng thời với các biện pháp ứng phó bền vững; vận hành hệ thống theo dõi, giám sát diễn biến sụt lún đất... là các giải pháp được đưa ra để ứng phó với tình trạng sụt lún, sạt lở ngày càng nghiêm trọng tại ĐBSCL.

Lập bản đồ phân vùng lún
Biến đổi khí hậu (BĐKH) đã làm cho lũ, xâm nhập mặn và sạt lở ở ĐBSCL thay đổi đặc tính tự nhiên gây khó khăn cho các hoạt động sản xuất canh tác mùa vụ và đời sống người dân.
Theo Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành, để đối phó với vấn đề sụt lún đang diễn ra ngày càng nghiêm trọng, cần lập bản đồ phân vùng lún cho toàn vùng (chi tiết đến cấp xã) trên cơ sở sử dụng công nghệ ảnh viễn thám qua các thời kỳ và tích hợp cùng với bản đồ ngập mặn do tác động của nước biển dâng toàn vùng làm cơ sở để các Bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện các giải pháp thích nghi, ứng phó với nguy cơ ngập mặn do tác động kép của nước biển dâng và sụt lún đất.
Đồng thời, giám sát chặt chẽ hoạt động khai thác cát, chỉ cấp phép khai thác cát với khối lượng hợp lý đảm bảo sự cân bằng tương đối trên cả tuyến sông, có chế tài xử phạt nghiêm minh đối với các hoạt động khai thác cát trái phép và làm rõ trách nhiệm của các cấp, các ngành.

Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, cần triển khai lập các quy hoạch phòng chống thiên tai, thuỷ lợi; các quy hoạch có tính chất kỹ thuật chuyên ngành liên quan; đầu tư các giải pháp công trình nhằm ứng phó với các điểm sạt lở cấp bách và triển khai đồng thời biện pháp ứng phó bền vững, dài hạn; di dân, tái định cư khỏi các vùng sạt lở và có nguy cơ sạt lở. Đối với bờ biển ưu tiên giải pháp mềm như: nuôi, giữ bãi, trồng rừng ngập mặn, ứng dụng công nghệ giải quyết khu vực sạt lở phức tạp đảm bảo bền vững, không gây sạt lở lan truyền. Đặc biệt, cần xây dựng và đưa vào vận hành hệ thống theo dõi, giám sát diễn biến sụt lún đất, nhất là tại một số khu vực có mức độ lún cao.
Theo tính toán của Bộ Tài nguyên và Môi trường, cần bố trí kinh phí khoảng 7.078 tỷ đồng để tiếp tục xử lý 46 điểm sạt lở đặc biệt nguy hiểm gồm: 33 vị trí sạt lở bờ sông (tiếp tục 19 vị trí/25 km, mở mới 14 vị trí/32 km) với tổng chiều dài 57 km, tổng kinh phí là 5.298 tỷ đồng và 13 vị trí sạt lở bờ biển (tiếp tục 6 vị trí/15 km, mở mới 7 vị trí/41 km) với tổng chiều dài 56 km, tổng kinh phí là 1.780 tỷ đồng.
Thêm 3.000 tỷ đồng hỗ trợ ĐBSCL ứng phó BĐKH
Mới đây, trong cuộc làm việc với các tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL về công tác phòng, chống sạt lở, sản xuất vụ Đông Xuân 2019-2020, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã nhất trí Chính phủ sẽ kiến nghị với Quốc hội giải quyết đủ vốn cho vấn đề sạt lở bờ biển, bờ sông với số vốn hơn 3.000  tỷ đồng trong 2 năm (2019, 2020) để cùng với số vốn đã giải quyết nhưng chưa giải ngân xong hỗ trợ ĐBSCL.
Trong những năm qua, Trung ương và các địa phương đã đầu tư hàng chục nghìn tỷ đồng để đầu tư xây dựng công trình kiểm soát nguồn nước, phòng chống thiên tai, bảo vệ bờ sông, bờ biển, thích ứng với biến đổi khí hậu và sinh kế bền vững. Trong đó: xây dựng và củng cố công trình kiểm soát lũ, mặn đối với 18 dự án; hoàn thành xây dựng được 863 cụm, tuyến dân cư và 119 bờ bao khu dân cư, đảm bảo an toàn cho khoảng 191.000 hộ với gần 1.000.000 người dân.
Từ năm 2010 đến nay, đã bố trí và có kế hoạch đầu tư 169 dự án xử lý sạt lở bờ sông bờ biển với tổng kinh phí 8.707 tỷ đồng từ nguồn Ngân sách Trung ương, nguồn vốn vay thông qua các dự án ODA, Chương trình SP-RCC. Ngoài ra, năm 2018, Thủ tướng Chính phủ đã hỗ trợ 1.500 tỷ đồng từ nguồn dự phòng ngân sách trung ương năm 2018 để xử lý 29 dự án xử lý cấp bách sạt lở bờ sông, bờ biển thuộc 13 tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL; đồng ý hỗ trợ 7 triệu USD từ vốn kết dư dự án ADB đối với 2 dự án thuộc tỉnh Đồng Tháp và Tiền Giang.
Hiện, Bộ Tài nguyên và Môi trường đang tập trung triển khai dự án xây dựng Trung tâm dữ liệu Đồng bằng sông Cửu Long nhằm tích hợp và chia sẻ các nguồn dữ liệu ĐBSCL phục vụ hỗ trợ ra quyết định và nghiên cứu khoa học; xây dựng quy hoạch tài nguyên nước vùng ĐBSCL; tăng cường quan trắc và nghiên cứu tình trạng hạ thấp mực nước ngầm và gia tăng sụt lún tại ĐBSCL, trình Chính phủ ban hành Nghị định số 167/NĐ-CP về Hạn chế khai thác nước dưới đất; hoàn thành nhiệm vụ Đề xuất giải pháp thực hiện hiệu quả Hiệp định hợp tác phát triển bền vững lưu vực sông Mekong và tăng cường hợp tác với các quốc gia ven sông Mekong.

Bên cạnh đó, nhiều dự án khảo sát, thu thập thông tin để có cơ sở dữ liệu và giải pháp thích ứng với lún đất ở ĐBSCL và TPHCM đã và đang được triển khai, gồm: Điều tra, đánh giá địa động lực hiện đại để hoàn thiện kịch bản biến đổi khí hậu và đề xuất giải pháp thích ứng ở ĐBSCL”; “Nâng cấp, xây dựng mạng quan trắc nước dưới đất ĐBSCL trong điều kiện biến đổi khí hậu” (2017-2021) vốn vay Ngân hàng Thế giới tập trung nâng cấp mạng quan trắc nước dưới đất đồng bộ và hiện đại gồm 159 công trình quan trắc trên địa bàn 13 tỉnh/thành phố ĐBSCL; Đề án “Điều tra, đánh giá việc khai thác, sử dụng nước dưới đất, tác động đến sụt, lún bề mặt đất khu vực TP. Hà Nội, TPHCM và ĐBSCL, định hướng quản lý khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên nước dưới đất” được triển khai từ năm 2018, dự kiến kết thúc năm 2020, kết quả ban đầu đã sơ bộ tổng hợp, phân tích hiện trạng khai thác nước dưới đất khu vực TPHCM và ĐBSCL.

 

Nguồn Báo Chinhphu.vn
 

Tin đã đăng