Yên Đồng vốn là xã thuần nông của huyện Yên Lạc. Một thời gian dài, người dân vắt sức "bán mặt cho đất, bán lưng cho giời" nhưng đời sống vật chất vẫn hết sức khó khăn. Những năm gần đây, bắt nhịp xu thế mở cửa, hội nhập kinh tế của đất nước, xã đã có những đổi thay vượt bậc nhờ tư duy năng động, dám nghĩ dám làm, đẩy mạnh phát triển sản xuất các ngành nghề, thương mại dịch vụ, hằng năm thu nhập từ nghề phụ chiếm từ 40 - 50% tổng thu nhập toàn xã, thu hút từ 30 đến 40% số hộ dân tham gia.  

Các sản phẩm từ bông vải sợi của người dân Yên Đồng được thị trường đánh giá cao, mang lại thu nhập ổn định cho người sản xuất.
Trao đổi với chúng tôi về bí quyết vươn lên từ xã nghèo thành một trong những tấm gương điển hình làm kinh tế trong huyện, ông Nguyễn Khắc Tạo, Chủ tịch UBND xã Yên Đồng cho biết: Xưa kia, Yên Đồng vốn có nghề truyền thống bật bông. Những lúc nông nhàn hay vụ mùa thất bát, người dân địa phương vẫn có nghề phụ kiếm sống qua ngày. Tuy nhiên, do cơ chế bó buộc, thị trường hạn hẹp, việc bật bông dù lành nghề đến mấy cũng không thể phát triển lên tầm công nghiệp. Chính vì vậy, suốt một thời gian dài, dẫu có tiếng là một làng nghề truyền thống, nhưng Yên Đồng không phát huy được lợi thế sẵn có, cuộc sống của đại đa số người dân khá lắm cũng chỉ ở mức có của ăn của để chứ không vượt lên làm giàu như nhiều địa phương khác trong tỉnh, huyện.
Chỉ đến khi tỉnh Vĩnh Phúc được tái lập, cộng với cơ chế chính sách của nhà nước tạo điều kiện tối đa cho các thành phần kinh tế phát triển, Yên Đồng mới có cơ hội “đổi đời”.
Theo đó, việc xác định được lợi thế của địa phương là nguồn nhân lực dồi dào, kinh nghiệm sản xuất làng nghề truyền thống lâu năm, tư duy nhạy bén với kinh doanh, người Yên Đồng đã tận dụng tối đa cơ hội vươn lên.
Xã tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân tiếp cận với các nguồn vốn vay để đầu tư, mở rộng sản xuất tiểu thủ công nghiệp; chỉ đạo các bộ phận chuyên môn đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, nhất là bộ phận một cửa để tạo thuận lợi tối đa cho các cơ sở SXKD đến giao dịch; thực hiện đúng các chính sách hỗ trợ khuyến công của tỉnh; tích cực phối hợp với Chi cục Phát triển nông thôn tổ chức các lớp đào tạo nghề, truyền nghề cho người dân địa phương; hỗ trợ tuyển dụng, tìm kiếm lao động thông qua hệ thống truyền thanh để các cơ sở, doanh nghiệp có điều kiện phát triển SXKD.
Toàn xã hiện có gần 150 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất tiểu thủ công nghiệp hoạt động ở 2 lĩnh vực chính là tái chế nhựa và sản xuất các sản phẩm từ bông vải sợi. Các cơ sở này giúp giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động với thu nhập ổn định, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế của địa phương.
Trong 5 năm gần đây, tốc độ phát triển kinh tế bình quân hàng năm của xã tăng 9,5%, giá trị sản xuất bình quân đầu người đạt hơn 75 triệu đồng/năm. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng dần tỷ trọng công nghiệp - xây dựng và ngành thương mại - dịch vụ, giảm tỷ trọng nông nghiệp - thủy sản. Hiện, tỷ trọng ngành công nghiệp - TTCN - xây dựng của xã chiếm 59,2%; ngành thương mại - dịch vụ chiếm 25,8%, Nông nghiệp - Thủy sản chỉ chiếm 15%. Đời sống của người dân không ngừng được cải thiện, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống dưới 3%.
Có thể nói, so với cách đây không lâu, xã Yên Đồng có những đổi thay rất lớn về mọi mặt. Đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân không ngừng được cải thiện và nâng cao. Trong đó, có sự đóng góp rất lớn, thậm chí mang tính quyết định của các hoạt động sản xuất thương mại, dịch vụ, làng nghề.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy, sự phát triển này còn thiếu tính bền vững và thân thiện với môi trường. Đó là khả năng cạnh tranh của sản phẩm hàng hóa chưa cao, việc quảng bá và xây dựng thương hiệu chưa được quan tâm đúng mức... Bên cạnh đó, tình trạng ô nhiễm môi trường, chất thải từ các cơ sở sản xuất cũng đang là vấn đề đáng báo động.
Thời gian tới, để mở rộng và nâng cao hiệu quả sản xuất ngành nghề dịch vụ thương mại, xã Yên Đồng tiếp tục tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các hộ vay vốn phát triển sản xuất, đa dạng hóa các loại hình dịch vụ, mở rộng thị trường tiêu thụ sản xuất, định hướng các hộ kinh doanh đúng pháp luật, đảm bảo an toàn lao động, vệ sinh môi trường, kết hợp với các ngành liên quan tổ chức các lớp đào tạo, nâng cao tay nghề, tạo điều kiện cho các hộ thăm quan học hỏi kinh nghiệm ở một số địa phương khác. Chú trọng công tác quản lý thị trường, khuyến khích khôi phục và phát triển nghề truyền thống, tích cực mở rộng và đưa nghề mới vào địa phương, các sản phẩm làm ra ngày một phong phú đa dạng, đảm bảo chất lượng, tính mỹ thuật cao, thị trường tiêu thụ rộng, thu hút được nhiều lao động nông thôn và nâng cao thu nhập cho người dân địa phương.

 

Nguồn sưu tầm: baovinhphuc.com.vn