Nghề sơn mài ở làng Hạ Thái, xã Duyên Thái (huyện Thường Tín) đã có lịch sử khoảng 300 năm. Trước cánh cửa hội nhập, làng nghề đang nỗ lực tìm hướng đi để vừa bảo tồn và phát triển nghề truyền thống vừa tạo việc làm và thu nhập cao cho người dân.

Sản phẩm sơn mài Hạ Thái có chất lượng không chỉ đáp ứng thị trường nội địa mà còn được xuất khẩu ra nước ngoài.
Làng nghề năng động
Nói về nghề truyền thống của quê hương, Phó Chủ tịch UBND xã Duyên Thái Đỗ Văn Hùng tự hào: Tương truyền, nghề có từ khoảng thế kỷ XVII. Đến những năm 1930, các họa sĩ Việt Nam học tại Trường Mỹ thuật Đông Dương đã tìm tòi phát hiện thêm các vật liệu màu khác như vỏ trứng, ốc, cật tre... và đặc biệt là đưa kỹ thuật vào khâu mài độc đáo, tạo nên những bức tranh đẹp, lạ. Cũng trong giai đoạn này, làng Hạ Thái có cụ Đinh Văn Thành là giảng viên Trường Mỹ thuật Đông Dương được mời sang Pháp dự thi về nghệ thuật tranh sơn mài. Sau này, cụ tìm cách cải tiến và đưa nghề sơn mài về làng.
Kể từ năm 1955 đến nay, nghề sơn mài làng Hạ Thái liên tục phát triển. Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề sơn mài Hạ Thái Đỗ Hùng Chiêu cho biết: Sơn mài là sự kết hợp của rất nhiều nghề, nguyên liệu, chất liệu. Xưa, do hạn chế về nguyên vật liệu nên sản phẩm sơn mài chỉ bao gồm cốt, giấy bồi, sơn từ nhựa cây sơn (loại cây mọc nhiều ở tỉnh Phú Thọ), sản phẩm không đa dạng. Sau này, các nghệ nhân nghề sơn mài đã nghiên cứu, phát triển sản phẩm trên rất nhiều chất liệu, nguyên liệu khác nhau. Từ năm 1990, sơn mài đã kết hợp với gốm sứ, mây tre giang đan, sắt, đá..., làm thành những sản phẩm thủ công mỹ nghệ độc đáo, có tính ứng dụng cao. Mỗi giai đoạn lịch sử, người làng nghề phát triển chất liệu phù hợp nhằm chinh phục khách hàng...
Giai đoạn 1995 - 2007 là thời kỳ hưng thịnh nhất của làng nghề sơn mài Hạ Thái. Sản phẩm của làng nghề có tới 70% là xuất khẩu, giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động trong làng và địa phương khác, đem lại cuộc sống khấm khá cho nhiều hộ làm nghề. Từ năm 2008, kinh tế toàn cầu gặp nhiều khó khăn, việc xuất khẩu sản phẩm sơn mài theo đó mà suy giảm.
Theo Phó Chủ tịch UBND xã Duyên Thái Đỗ Văn Hùng, khi đó, Hạ Thái chỉ còn khoảng 300 hộ làm nghề với khoảng 500 lao động. Hiện nay, sản phẩm sơn mài Hạ Thái phục vụ nhiều thị trường như: Quà tặng nội địa là những chiếc khay, hộp, lọ, tranh ảnh; hàng sơn mài phục vụ nhu cầu tâm linh như đồ sơn son, thếp vàng, đồ thờ cúng... Một số sản phẩm là hàng mỹ nghệ cao cấp đã được xuất khẩu ra nước ngoài.
Những năm gần đây, người tiêu dùng lựa chọn sản phẩm thủ công mỹ nghệ vừa mang tính trang trí, vừa có giá trị sử dụng thay vì sản phẩm mang tính trang trí/làm đẹp đơn thuần. Việc tiêu thụ sản phẩm gặp khó khăn do mẫu mã ít thay đổi, sản phẩm đơn điệu, khó cạnh tranh. Tuy vậy, vẫn còn nhiều doanh nghiệp nỗ lực vượt khó giữ nghề truyền thống, xuất khẩu tốt như: Công ty cổ phần Sản xuất và Dịch vụ thương mại An Huy, Công ty TNHH Sản xuất tre sơn mài xuất khẩu Hạ Thái, Công ty TNHH Cửa Đỏ... góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho nhiều lao động địa phương.
Ông Trần Quốc Toản, Giám đốc Công ty TNHH Cửa Đỏ chia sẻ: “Người dân Hạ Thái sản xuất hàng nghìn sản phẩm theo nhu cầu thị trường. Chúng tôi bán cái thị trường cần chứ không bán cái mình có. Do vậy, phải nghiên cứu thị trường để làm sản phẩm phù hợp. Ví như, khách Mỹ thường nhập các bàn, đôn, hộp theo xu hướng tối giản; khách Nhật Bản lại thích các hộp nhỏ...”.
Tiếp sức phát triển

Là một trong số doanh nghiệp xuất khẩu trực tiếp sang thị trường nhiều nước, ông Đỗ Hùng Chiêu, Giám đốc Công ty cổ phần Sản xuất và Dịch vụ thương mại An Huy chia sẻ, quan trọng nhất vẫn là tìm hiểu thị hiếu tiêu dùng để sản xuất cái mà thị trường đang cần. Ngoài ra, để phục vụ xuất khẩu, các doanh nghiệp phải tuân thủ quy định về bảo vệ môi trường. Tỷ lệ chì, sắt, kim loại nặng... trong sơn phải theo tiêu chuẩn nơi nhập khẩu; sản phẩm phải thân thiện với môi trường, không hại đến môi trường... Chỉ khi nào nắm bắt được nhu cầu thị trường, khi đó doanh nghiệp mới trụ được.
Ông Chiêu cũng kiến nghị Thành phố Hà Nội tổ chức nhiều hội chợ thủ công mỹ nghệ mang tầm quốc tế, qua đó thu hút doanh nghiệp nhập khẩu nước ngoài giao thương. Đó là cách giúp tháo gỡ khó khăn bởi hiện nay, các doanh nghiệp làng nghề khó tham gia hội chợ ở nước ngoài do chi phí lớn, các hội chợ thủ công mỹ nghệ trong nước thì quy mô nhỏ lẻ, đơn điệu...
Công ty TNHH Cửa Đỏ ở Hạ Thái có 100% sản phẩm dành cho xuất khẩu với giá trị ước đạt khoảng 20 tỷ đồng/ năm. Giám đốc Công ty Trần Quốc Toản cho biết, để bán được sản phẩm, quan trọng nhất vẫn là cải tiến mẫu mã - điểm hạn chế lớn nhất của hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam. “Tôi tốt nghiệp Đại học Kiến trúc, có kiến thức về thiết kế. Ngoài ra, Trưởng bộ phận thiết kế của Công ty đã tốt nghiệp thủ khoa của Đại học Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội..., thường xuyên đổi mới mẫu mã sản phẩm. Tôi cũng thường xuyên tham quan hội chợ nước ngoài, có điều kiện học hỏi, nắm bắt ý tưởng, xu hướng thiết kế của các nước trên thế giới để sản xuất các sản phẩm phù hợp” - ông Toản chia sẻ.
Tuy nhiên, hiện nay, số doanh nghiệp nhanh nhạy, nắm bắt tốt xu hướng thị trường, có năng lực xuất khẩu cao ở làng nghề Hạ Thái vẫn chưa nhiều. Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) đã được ký kết. Nhiều doanh nghiệp làng nghề Hạ Thái cho rằng Việt Nam gần như không nhập khẩu sản phẩm thủ công mỹ nghệ từ nước ngoài, nhưng xuất khẩu thì sẽ chịu ảnh hưởng. Trước yêu cầu khắt khe về chất lượng, dán nhãn, môi trường... của thị trường EU thì đây chính là yếu tố để các doanh nghiệp làng nghề phải nỗ lực rất lớn nhằm duy trì và mở rộng thị trường...
Theo nghệ nhân Nguyễn Thị Hồi, làng nghề Hạ Thái có đội ngũ nghệ nhân, thợ giỏi đông đảo nhưng họ chỉ giỏi nghề đơn thuần, còn kiến thức về thị trường rất hạn chế. Các doanh nghiệp, hộ sản xuất mong muốn được thành phố hỗ trợ, tạo “sân chơi” chuyên nghiệp. “Đi hội chợ ở nước ngoài tự túc, chi phí thuê gian hàng rất cao, doanh nghiệp làng nghề khó tham gia. Nếu Việt Nam định kỳ mở hội chợ hàng thủ công mỹ nghệ trong nước với quy mô lớn, thu hút các nhà nhập khẩu nước ngoài tới Việt Nam giao thương thì sẽ tạo cơ hội tốt hơn cho xuất khẩu” - bà Nguyễn Thị Hồi kiến nghị.
Trước những khó khăn trong bảo tồn, phát triển làng nghề, xã Duyên Thái đã có nhiều động thái hỗ trợ để làng nghề phát triển. Theo Phó Chủ tịch UBND xã Duyên Thái Đỗ Văn Hùng, xã đã cố gắng tạo điều kiện để phát triển làng nghề, nâng cao chất lượng sản phẩm, như: Thành lập Cụm công nghiệp làng nghề sơn mài Hạ Thái; phối hợp với các cơ quan, đơn vị tổ chức các lớp bồi dưỡng kiến thức, nâng cao tay nghề, đổi mới mẫu mã cho người làm nghề.
Hiện nay, làng nghề Hạ Thái là 1 trong 7 điểm du lịch làng nghề của thành phố Hà Nội. Việc phát triển du lịch làng nghề chính là cơ hội để địa phương quảng bá, bán sản phẩm trực tiếp cho khách tham quan. “Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ đưa vấn đề phát triển làng nghề là một trong những chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế - xã hội” - ông Đỗ Văn Hùng thông tin thêm.


Nguồn: Báo Hà Nội Mới