Trong 7 tháng năm 2021, tình hình thế giới và khu vực tiếp tục diễn biến rất nhanh, phức tạp và khó lường, yếu tố thuận lợi và khó khăn đan xen. Trong nước, sự bùng phát mạnh của dịch Covid-19 cùng với việc áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội nhằm kiểm soát tốc độ lây lan của dịch bệnh tại nhiều tỉnh, thành phố như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai và 16 tỉnh, thành phía Nam đã ảnh hưởng tới lưu thông hàng hóa, kéo theo sự gián đoạn của các chuỗi cung ứng và tác động tới hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp.
Hoạt động sản xuất công nghiệp gặp khó
Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 7/2021 chỉ tăng 1,8% so với tháng trước và tăng 2,2% so với cùng kỳ năm trước, là mức tăng thấp nhất trong 7 tháng qua (trừ tháng 02 có số ngày làm việc ít nhất). Trong đó, ngành khai khoáng tháng 7 giảm 8%; ngành chế biến, chế tạo tăng 2,9%; sản xuất và phân phối điện tăng 6,7%; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 4,4% so với cùng kỳ.
Tính chung 7 tháng năm 2021, IIP ước tính tăng 7,9% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn nhiều so với mức tăng 2,6% của cùng kỳ năm 2020 và thấp hơn mức tăng 9,4% của cùng kỳ năm 2019. Trong đó, ngành chế biến, chế tạo tăng 9,9% (cùng kỳ năm 2020 tăng 4,2%), đóng góp 8,1 điểm phần trăm vào mức tăng chung; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 8,2%, đóng góp 0,7 điểm phần trăm; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 5,6%, đóng góp 0,1 điểm phần trăm; riêng ngành khai khoáng giảm 6,3%, làm giảm 1 điểm phần trăm trong mức tăng chung.
Chỉ số sản xuất 7 tháng năm 2021 của một số ngành trọng điểm thuộc ngành công nghiệp cấp II tăng cao so với cùng kỳ năm trước như: Sản xuất kim loại tăng 34,7%; sản xuất xe có động cơ tăng 30,6%; sản xuất da và các sản phẩm có liên quan tăng 14,2%; sản xuất máy móc, thiết bị chưa được phân vào đâu tăng 13%.
Ở chiều ngược lại, một số ngành có chỉ số sản xuất giảm: Khai thác dầu thô và khí đốt tự nhiên giảm 10,4%; khai thác than cứng và than non giảm 2,9%; sửa chữa, bảo dưỡng và lắp đặt máy móc, thiết bị giảm 1,1%; Công nghiệp chế biến, chế tạo khác giảm 15,8%.
Một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu 7 tháng năm 2021 tăng so cao với cùng kỳ năm trước: Thép cán tăng 55,9%; linh kiện điện thoại tăng 40%; ô tô tăng 39,6%; giày, dép da tăng 19,3%; sắt, thép thô tăng 16,2%; phân hỗn hợp NPK tăng 15,4%; điện thoại di động tăng 14,1%; vải dệt từ sợi nhân tạo và sợi tự nhiên cùng tăng 10,6%; quần áo mặc thường tăng 9,5%.
Trong khi đó, một số sản phẩm lại giảm so với cùng kỳ năm trước, bao gồm: Khí đốt thiên nhiên dạng khí giảm 13,4%; tivi các loại giảm 10,3%; phân u rê giảm 5,2%; dầu thô giảm 5,9%; than sạch giảm 2,8%.
Đối với 19 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ở phía Nam thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg để phòng chống dịch Covid-19, có 7 địa phương có chỉ số IIP tháng 7 giảm so với cùng kỳ năm trước bao gồm: Thành phố Hồ Chí Minh giảm 19,4%; Long An giảm 14,6%; Cà Mau giảm 13,7%; Đồng Tháp giảm 5,7%; Trà Vinh giảm 5,3%; Bà Rịa - Vũng Tàu giảm 1,9%; Bến Tre giảm 0,2%. Tuy nhiên, một số địa phương có chỉ số IIP tăng do một số Khu công nghiệp quyết tâm không để đứt gãy chuỗi cung ứng, đảm bảo yêu cầu phòng chống dịch bệnh với phương án 3 tại chỗ nên được phép hoạt động để tiếp tục thực hiện các đơn hàng sản xuất đã ký kết hợp đồng trước đó.
Đáng chú ý, tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang, cơ bản đã khống chế, kiểm soát được dịch bệnh, hoạt động sản xuất trong các khu công nghiệp dần hồi phục. Tốc độ tăng chỉ số IIP các tháng 5, tháng 6 và tháng 7 so với cùng kỳ năm trước của hai tỉnh Bắc Giang và Bắc Ninh lần lượt là: Bắc Giang tháng 5 giảm 26,7%; tháng 6 giảm 49,8% và tháng 7 giảm 15,3%; Bắc Ninh tăng 23,9%; giảm 8,6% và tăng 1,1%.
Thành phố Hà Nội bắt đầu thực hiện giãn cách xã hội từ ngày 24 tháng 7 năm 2021, chỉ số IIP tháng 7/2021 tăng 7,8% so với cùng kỳ năm trước.
Xuất nhập khẩu duy trì tốc độ tăng trưởng
Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 tiếp tục có những diễn biến phức tạp, lan rộng ra nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước, đặc biệt là tại Thành phố Hồ Chí Minh - đầu tàu kinh tế của cả nước và nhiều tỉnh thành khác tại khu vực phía Nam, hoạt động xuất nhập khẩu trong tháng 7 đang có phần chững lại. Tuy nhiên, tính chung 7 tháng đầu năm 2021, xuất nhập khẩu vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng cao so với cùng kỳ năm trước.
Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa tháng 7/2021 ước tính đạt 55,7 tỷ USD, tăng 1,5% so với tháng trước. Tuy nhiên, tính chung 7 tháng năm 2021, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa ước tính vẫn đạt ở mức cao, đạt 373,36 tỷ USD, tăng 30,2% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu đạt 185,33 tỷ USD, tăng 25,5%; nhập khẩu đạt 188,03 tỷ USD, tăng 35,3%, cụ thể:
Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 7/2021 ước tính đạt 27 tỷ USD, giảm 0,8% so với tháng trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 7,49 tỷ USD, giảm 3,2%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 19,51 tỷ USD, tăng 0,2%.
So với cùng kỳ năm trước, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 7 tăng 8,4%, trong đó khu vực kinh tế trong nước tăng 2,2%, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) tăng 11%.
Tính chung 7 tháng năm 2021, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước tính đạt 185,33 tỷ USD, tăng 25,5% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 48,52 tỷ USD, tăng 14,6%, chiếm 26,2% tổng kim ngạch xuất khẩu; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 136,81 tỷ USD, tăng 29,9%, chiếm 73,8%.
Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 53,7 tỷ USD, tăng 37,7% so với cùng kỳ năm trước. Tiếp đến là Trung Quốc đạt 28,8 tỷ USD, tăng 24,6%. Thị trường EU đạt 22,6 tỷ USD, tăng 15,6%. Thị trường ASEAN đạt 16,2 tỷ USD, tăng 25,8%. Hàn Quốc đạt 11,9 tỷ USD, tăng 10,3%. Nhật Bản đạt 11,8 tỷ USD, tăng 8,9%.
Về nhập khẩu, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tháng 7/2021 ước tính đạt 28,7 tỷ USD, tăng 3,8% so với tháng trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 10,3 tỷ USD, tăng 3,3%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 18,4 tỷ USD, tăng 4%. So với cùng kỳ năm trước, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tháng 7 tăng 29,9%, trong đó khu vực kinh tế trong nước tăng 26,3%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng 32,1%.
Tính chung 7 tháng năm 2021, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước tính đạt 188,03 tỷ USD, tăng 35,3% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 66,31 tỷ USD, tăng 29,8%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 121,72 tỷ USD, tăng 38,5%.
Về thị trường nhập khẩu, Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 62,4 tỷ USD, tăng 48,8% so với cùng kỳ năm trước. Tiếp theo là thị trường Hàn Quốc đạt 29,8 tỷ USD, tăng 20,6%. Thị trường ASEAN đạt 24,9 tỷ USD, tăng 49,6%. Nhật Bản đạt 12,6 tỷ USD, tăng 14,5%. Thị trường EU đạt 9,76 tỷ USD, tăng 20,8%. Hoa Kỳ đạt 8,97 tỷ USD, tăng 10,6%.
Như vậy, cán cân thương mại hàng hóa tháng 7 ước tính nhập siêu 1,7 tỷ USD. Tính chung 7 tháng năm 2021, cán cân thương mại hàng hóa nhập siêu 2,7 tỷ USD (cùng kỳ năm trước xuất siêu 8,69 tỷ USD), trong đó khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 17,8 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 15,1 tỷ USD.
Nhìn chung, hoạt động xuất khẩu của hầu hết mặt hàng, nhóm hàng 7 tháng đầu năm đầu đạt mức tăng trưởng tích cực. Tuy nhiên đà tăng trưởng này đang có phần chậm lại do dịch Covid-19 đang ảnh hưởng tiêu cực đến các hoạt động sản xuất và kinh doanh của các doanh nghiệp. Trong thời gian tới, tăng trưởng xuất nhập khẩu sẽ phụ thuộc rất lớn vào tình hình kiểm soát dịch bệnh cũng như việc đẩy nhanh quá trình tiêm chủng vắc xin trong nước.
Thị trường trong nước diễn biến phức tạp
Dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp trên cả nước làm ảnh hưởng tiêu cực tới hoạt động thương mại, dịch vụ khi nhiều tỉnh, thành phố phía Nam và Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 7 ước tính đạt 339,4 nghìn tỷ đồng, giảm 8,3% so với tháng trước và giảm 19,8% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: Doanh thu bán lẻ hàng hóa đạt 291,8 nghìn tỷ đồng, giảm 5,5% và giảm 11,4%; doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống đạt 21,2 nghìn tỷ đồng, giảm 22,4% và giảm 53,8%; doanh thu du lịch lữ hành đạt 133 tỷ đồng, giảm 4,8% và giảm 92,6%; doanh thu dịch vụ khác đạt 26,3 nghìn tỷ đồng, giảm 22,4% và giảm 43%.
Tính chung 7 tháng năm 2021, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 2.791,3 nghìn tỷ đồng, tăng 0,7% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2020 giảm 0,5%), nếu loại trừ yếu tố giá giảm 0,74% (cùng kỳ năm 2020 giảm 5,20%).
Xét theo ngành hoạt động, doanh thu bán lẻ hàng hóa 7 tháng năm 2021 ước tính đạt 2.269,7 nghìn tỷ đồng, chiếm 81,3% tổng mức và tăng 3,2% so với cùng kỳ năm trước. Đây là ngành duy nhất có mức tăng trưởng dương trong 7 tháng đầu năm 2021. Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống 7 tháng năm 2021 ước tính đạt 243,6 nghìn tỷ đồng, chiếm 8,7% tổng mức và giảm 11,8% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2020 giảm 18,9%). Doanh thu du lịch lữ hành 7 tháng năm 2021 ước tính đạt 4,5 nghìn tỷ đồng, chiếm 0,2% tổng mức và giảm 58,8% so với cùng kỳ năm trước. Doanh thu dịch vụ khác ước tính đạt 273,5 nghìn tỷ đồng, chiếm 9,8% tổng mức và giảm 4,2% so với cùng kỳ năm 2020.
Thời gian vừa qua, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương đã thường xuyên phối hợp với các bộ ngành, các địa phương chỉ đạo, hướng dẫn về các vấn đề có liên quan đến lưu thông hàng hóa thiết yếu, nhằm mục tiêu trong mọi hoàn cảnh không để bị đứt, gãy chuỗi sản xuất, cung ứng hàng hóa thiết yếu phục vụ người dân, nhất là người dân trong vùng dịch.
Để tạo thuận lợi cho lưu thông hàng hóa, Bộ Công Thương đã có văn bản kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép lưu thông như trong điều kiện bình thường các hàng hóa cần vận chuyển với điều kiện bảo đảm phòng, chống dịch Covid-19, ngoại trừ những hàng hóa cấm kinh doanh hoặc hàng hóa hạn chế kinh doanh theo quy định tại Phụ lục I, Phần A về Danh mục hàng hóa, dịch vụ cấm kinh doanh và Phụ lục II, Phần A về Danh mục hàng hóa, dịch vụ hạn chế kinh doanh ban hành kèm theo Văn bản số 19/VBHN-BCT ngày 09 tháng 5 năm 2014 do Bộ Công Thương ban hành hợp nhất Nghị định số 59/2006/NĐ-CP ngày 12 tháng 6 năm 2006 của Chính phủ hướng dẫn thi hành Luật Thương mại về hàng hóa, dịch vụ cấm kinh doanh, hạn chế kinh doanh và kinh doanh có điều kiện và các Nghị định sửa đổi Nghị định số 59/2006/NĐ-CP (trừ những hàng hóa được Thủ tướng Chính phủ cho phép).
Giải pháp trong những tháng cuối năm
Kinh tế thế giới được dự báo sẽ tiếp tục khởi sắc tuy nhiên những rủi ro thách thức vẫn còn hiện hữu. Trong nước, khó khăn, thách thức, rủi ro còn nhiều, nhất là khi tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng trực tiếp tới sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp ở các tỉnh khu vực Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long. Mùa du lịch đã qua, ảnh hưởng tới các Chương trình kích cầu tiêu dùng. Nhiệm vụ đạt mục tiêu tăng trưởng cả năm 2021 rất thách thức, đòi hỏi các cấp, các ngành cần phải nỗ lực và có giải pháp phù hợp.
Theo đó, các doanh nghiệp, các Sở Công Thương và các đơn vị trực thuộc tập trung triển khai nghiêm túc Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 01 tháng 01 năm 2021 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và Dự toán ngân sách nhà nước năm 2021; Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 01 tháng 01 năm 2021 của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2021; Chương trình hành động của ngành Công Thương thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP, Nghị quyết số 02/NQ-CP được ban hành tại Quyết định số 163/QĐ-BCT; Quyết định số 164/QĐ-BCT ngày 19 tháng 01 năm 2021; trong thời gian tới tiếp tục tập trung vào một số nội dung chính, đó là:
Quán triệt và tổ chức triển khai thực hiện nghiêm, đầy đủ các biện pháp phòng, chống dịch bệnh theo hướng dẫn của Bộ Y tế; thực hiện nghiêm yêu cầu 5K, đặc biệt là việc đeo khẩu trang; kiên quyết xử lý nghiêm đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm công tác phòng, chống dịch bệnh. Chủ động xây dựng các phương án chống dịch bệnh, sẵn sàng đáp ứng với mọi tình huống dịch bệnh có thể xảy ra;
Tập trung triển khai thực hiện Quyết định số 1612/QĐ-BCT ngày 23 tháng 6 năm 2021 về Chương trình hành động của ngành Công Thương thực hiện Nghị quyết số 50/NQ-CP ngày 20 tháng 5 năm 2021 của Chính phủ về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Thực hiện tốt các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội nỗ lực cao nhất để hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra cho ngành Công Thương trong năm 2021;
Theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả các mặt hàng thiết yếu để có biện pháp điều tiết kịp thời, đảm bảo phân phối hàng hóa hợp lý giữa các vùng miền, ổn định cung cầu - giá cả và lưu thông hàng hóa trên địa bàn cả nước. Đẩy mạnh công tác phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng góp phần bảo vệ sản xuất kinh doanh và tiêu dùng trong nước.
Tham mưu, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan triển khai các biện pháp hỗ trợ lưu thông hàng hóa, đảm bảo các phương tiện vận chuyển hàng hóa phục vụ nhu cầu tiêu dùng và sản xuất của nhân dân được lưu thông thông suốt theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 31 tháng 3 năm 2020 của về thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19, hạn chế tối đa việc tồn ứ hàng hóa nói chung, các mặt hàng nông sản nói riêng trong khâu lưu thông. Đồng thời, phối hợp với Sở Công Thương các địa phương để theo dõi sát diễn biến thị trường, có biện pháp xử lý hoặc kiến nghị hướng xử lý các bất ổn của thị trường, đặc biệt là một số mặt hàng nông sản, thực phẩm thiết yếu và điều phối giữa các địa phương khi cần;
Tăng cường các hoạt động xúc tiến, kết nối giữa nhà sản xuất, cung ứng với các nhà phân phối, các tổ chức xúc tiến thương mại trong nước ở các địa phương. Hỗ trợ và đôn đốc các Hiệp hội, ngành hàng, các doanh nghiệp nhằm tháo gỡ khó khăn, thực hiện hiệu quả các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm, ngành hàng, tìm kiếm mở rộng thị trường trong nước, để nhanh chóng đẩy mạnh tiêu thụ các mặt hàng nông sản có sản lượng lớn đã vào vụ hoặc sắp thu hoạch ở các địa phương;
Hướng dẫn các sàn giao dịch thương mại điện tử tạo điều kiện cho người bán, thương nhân kinh doanh nông sản tham gia sàn, đào tạo kỹ năng và vận hành hoạt động kinh doanh trực tuyến; hỗ trợ vận chuyển; thanh toán trực tuyến; hỗ trợ và ưu tiên các thương nhân kinh doanh nông sản tham gia các Chương trình ngày mua sắm trực tuyến; Gian hàng Việt trực tuyến quốc gia…
Chỉ đạo lực lượng Quản lý thị trường tại các địa phương tập trung triển khai các kế hoạch kiểm tra, giám sát thị trường, kế hoạch cao điểm; kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về giá, các hành vi đầu cơ, găm hàng và lợi dụng dịch bệnh để thu lợi bất chính; kinh doanh hàng nông sản nhập lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, không bảo đảm an toàn thực phẩm, an toàn dịch bệnh và các hành vi gian lận thương mại khác.
Thúc đẩy xuất khẩu, kiềm chế nhập siêu. Tổ chức khai thác, tận dụng cơ hội từ các FTA để tìm giải pháp phát triển thị trường và tháo gỡ rào cản để thâm nhập các thị trường mới. Củng cố và mở rộng thị trường xuất khẩu, tận dụng tối đa lợi thế từ các Hiệp định thương mại tự do (FTA) đã có hiệu lực; đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, nhập khẩu; Đa dạng hoá cơ cấu sản phẩm xuất khẩu, nâng cao năng lực cạnh tranh sản phẩm xuất khẩu, phát triển thương hiệu;
Bảo đảm an ninh năng lượng, an ninh cung ứng điện; vận hành hệ thống điện quốc gia bảo đảm hiệu quả, an toàn, công khai, minh bạch, hài hòa lợi ích nhà nước, doanh nghiệp và người dân;
Tiếp tục đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, đặc biệt là công tác cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm điều kiện đầu tư kinh doanh theo hướng rà soát thủ tục, quy trình cấp phép, thực hiện tối đa việc cấp phép trực tuyến đảm bảo đơn giản, công khai, minh bạch; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện kết nối liên thông các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ./.
Theo moit.gov.vn