Trong những năm qua, hoạt động khuyến công tại Quảng Trị góp phần tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, nhất là lĩnh vực công nghiệp nông thôn (CNNT), đặc biệt, đã hỗ trợ các cơ sở CNNT, doanh nghiệp (DN) đầu tư, ứng dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất, tạo ra những sản phẩm có chất lượng cao, khai thác thế mạnh của địa phương, giúp DN, cơ sở CNNT phát triển bền vững.

Theo báo cáo của Sở Công Thương, sau 10 năm triển khai thực hiện Nghị định số 45/2012/NĐ-CP về hoạt động khuyến công, cùng với sự quan tâm từ Bộ Công Thương, các cấp chính quyền địa phương trên địa bàn của tỉnh, hoạt động khuyến công được quan tâm và thực hiện hiệu quả. Qua đó, đã khuyến khích phát triển sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, hàng hoá ngày càng phong phú, chất lượng tốt, mẫu mã đẹp hơn, thị trường được rộng mở, đáp ứng được nhu cầu người tiêu dùng trong và ngoài nước.

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện vẫn còn một số bất cập gây khó khăn trong  thực hiện đề án như: Việc cấp chứng nhận tay nghề sau khi đào tạo như thế nào; di dời cơ sở gây ô nhiễm vào môi trường thì việc thẩm định, định giá chi phí đầu tư nhà máy, tài sản của DN thực hiện ra sao, những nội dung yêu cầu khác đối đề án ứng dụng máy móc thiết bị chưa được hướng dẫn như: Vệ sinh an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường, phòng cháy chữa cháy…; áp dụng sản xuất sạch hơn đã được thay thế bằng chương trình mới nhưng chưa được hướng dẫn chi tiết.

Hay, hoạt động đào tạo nghề cho lao động gắn với nhu cầu tay nghề DN nhưng phải thực hiện theo quy định đào tạo nghề sơ cấp của Bộ Lao động - Thương binh & Xã hội đã giảm sức hấp dẫn đối với DN; hoạt động khởi sự DN khó đáp ứng yêu cầu chứng từ thanh toán; mức hỗ trợ cho bảo hộ thương hiệu, điểm trưng bày sản phẩm CNNT tiêu biểu không có sức hấp dẫn bằng một số chương trình của bộ, ngành khác; hỗ trợ lãi suất di dời cơ sở gây ô nhiễm môi trường vào cụm công nghiệp khó có cơ sở tính toán hỗ trợ; xây dựng hệ thống xử lý ô nhiễm môi trường yêu cầu nhiều giấy tờ, thủ tục liên quan; công tác đào tạo, tập huấn định mức thuê giảng viên thấp; hoạt động tư vấn không có hướng dẫn cụ thể…

Với tâm huyết và hành động cụ thể, lãnh đạo Sở Công Thương tỉnh Quảng Trị đưa ra ba giải pháp nhằm đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động khuyến công hiện nay. Thứ nhất: Cần đánh giá cụ thể nội dung không còn hiệu quả thì không thực hiện; nội dung nào thiết thực, gắn với nhu cầu thực sự của cơ sở CNNT nhưng cần phải có sự điều chỉnh phù hợp cần bổ sung. Rà soát những quy định pháp luật liên quan có điều chỉnh đến các nội dung thực hiện đề án khuyến công nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cơ sở CNNT khi tham gia hoạt động khuyến công.

Thứ hai: Việc xây dựng, chuẩn hoá hướng dẫn chi tiết từng nội dung của hoạt động khuyến công là rất cần thiết, nhằm tránh một số đề án giống nhau về nội dung nhưng có các yêu cầu ràng buộc kèm theo khác nhau, điều này dễ dẫn đến việc vận dụng tại địa phương thường theo cảm tính.

Thứ ba: Nâng cao chất lượng bộ máy khuyến công cấp tỉnh, xây dựng các định mức, cơ chế thực hiện, có định mức kinh tế kỹ thuật cho dịch vụ khuyến công các cấp. Đây chính là cơ sở pháp lý cần thiết và quan trọng cho lộ trình đi đến tự chủ của các đơn vị sự nghiệp công lập hoạt động khuyến công.

Nguồn: Tạp chí Công nghiệp và Tiêu dùng