Việc thực hiện các chính sách khuyến công trên địa bàn tỉnh Quảng Bình đã góp phần tích cực trong việc phát triển công nghiệp nông thôn nói riêng và phát triển kinh tế xã hội địa phương nói chung.

Trong những năm qua, được sự quan tâm của các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương, hoạt động khuyến công tỉnh Quảng Bình đã mang lại nhiều hiệu qủa thiết thực, tạo động lực thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh, từng bước khẳng định vai trò, vị thế trong việc phát triển công nghiệp nông thôn, góp phần xóa đói giảm nghèo, duy trì việc làm, nâng cao đời sống cho một bộ phận lao động nông thôn, ổn định tình hình kinh tế - xã hội, an ninh trật tự tại địa phương, tạo điều kiện thuận lợi trong quá trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh. 

Việc thực hiện các chính sách khuyến công trên địa bàn tỉnh đã góp phần tích cực trong việc phát triển công nghiệp nông thôn nói riêng và phát triển kinh tế xã hội địa phương nói chung. Mặc dù mức hỗ trợ với từng dự án chưa lớn, những đã góp phần giúp cho các chủ đầu tư, doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của việc công nghiệp hóa, ứng dụng công nghệ mới…vào quá trình hoạt động sản xuất, kinh doanh; mạnh dạn mở rộng đầu tư phát triển.

Bên cạnh những hiệu quả đạt được, hoạt động khuyến công hiện vẫn còn nhiều hạn chế như: Số lượng các cơ sở công nghiệp nông thôn của tỉnh đã tăng nhanh về số lượng nhưng lại phân bổ không đều, quy mô nhỏ lẻ, công nghệ lạc hậu và mang tính chất kinh tế hộ gia đình là chủ yếu, năng lực quản lý, kiến thức kinh doanh hạn chế. Do đó, việc tiếp xúc cũng như triển khai xây dựng đề án, hoàn thiện các thủ tục thanh quyết toán gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, tổ chức khuyến công ở cấp tỉnh mới chỉ thành lập được Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại, chưa xây dựng được mạng lưới cộng tác viên làm công tác khuyến công ở các cấp nên không phát huy được vai trò trong tổ chức thực hiện từ cơ sở. Ngoài ra, ngân sách bố trí cho hoạt động khuyến công còn ít, chưa đáp ứng để cho thực hiện đồng bộ tất cả các nội dung và các lĩnh vực theo yêu cầu của Chương trình. Đối mặt và để khắc phục những khó khăn thách thức đặt ra đồng thời nâng cao hiệu quả khuyến công, vấn đề trọng tâm cần chú trọng chính là triển khai đồng bộ các giải pháp.

Nhận định được những khó khăn đó, trong thời gian qua Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại đã kiện toàn bộ máy, củng cố và tăng cường hiệu quả công tác khuyến công từ cơ sở; Thực hiện tốt chức năng phục vụ quản lý nhà nước ngành Công Thương, đảm bảo hoạt động cung cấp dịch vụ công trong lĩnh vực khuyến công; đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền, phổ biến chủ trương chính sách khuyến công tới các cơ sở, doanh nghiệp CNNT trên địa bàn tỉnh thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, băng rôn, tờ rơi..; Tích cực tranh thủ tối đa các nguồn vốn khuyến công quốc gia, khuyến công địa phương, kết hợp lồng ghép với các chương trình mục tiêu quốc gia, nguồn kinh phí sự nghiệp khoa học công nghệ và nguồn vốn khác theo quy định của pháp luật để thực hiện; Triển khi đồng thời các hoạt động hướng dẫn, tư vấn cho các cơ sở công nghiệp nông thôn thực hiện liên doanh, liên kết, hợp tác sản xuất đáp ứng như cầu thị trường với sản lượng lớn; cung cấp thông tin, tập huấn nâng cao năng lực quản lý và tổ chức thực hiện hoạt động khuyến công theo hướng chuyên nghiệp hóa nhằm nâng cao chất lượng công tác; ưu tiên xây dựng và triển khai hỗ trợ các đề án, nhiệm vụ khuyến công, giải quyết nhiều việc làm và thu nhập cao cho người lao động; Hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến, áp dụng công nghệ hiện đại. tiết kiệm năng lượng, tài nguyên, có giá trị gia tăng cao, thân thiện môi trường. Bên cạnh đó Trung tâm cũng tham mưu đề xuất Sở Công thương, UBND tỉnh, Bộ Công thương bố trí tăng kinh phí cho hoạt động khuyến công của tỉnh theo yêu cầu, nhiệm vụ thực tế hàng năm.

Trong quá trình triển khai hoạt động khuyến công, Trung tâm đã huy động mọi nguồn lực trong đơn vị để đẩy nhanh các nội dung nhằm đảm bảo theo kế hoạch đã đề ra; chủ động nắm bắt các khó khăn vướng mắc của các đơn vị thụ hưởng để từng bước tháo gỡ, hỗ trợ các đơn vị thực hiện hiệu quả các đề án; tăng cường về quảng bá, giới thiệu sản phẩm, kích cầu tiêu thụ để giúp doanh nghiệp lưu thông hàng hóa, tạo được doanh thu, tái đầu tư vào hoạt động sản xuất kinh doanh.

Tiếp tục nâng cao trình độ chuyên môn của đội ngũ cán bộ làm công tác khuyến công, thông qua các chương trình đào tạo, bồi dưỡng tập huấn về nghiệp vụ chuyên môn; chú trọng công tác giáo dục về phẩm chất đạo đức, nhằm nâng cao ý thực trách nhiệm trong công tác bám sát cơ sở địa bàn, nắm bắt nhu cầu hỗ trợ để xây dựng kế hoạch khuyến công phù hợp với quy định, sát với thực tiễn và kịp thời tháo gỡ khó khăn cho các cơ sở CNNT; quan tâm công tác thi đua khen thưởng cho những tập thể cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác khuyến công và trong sản xuất công nghiệp –TTCN.
Để hoạt động khuyến công phát huy tối đa hiệu quả, Trung tâm khuyến công và Xúc tiến Thương mại Quảng Bình đã đề xuất một số kiến nghị: 

Đối với UBND tỉnh: Quan tâm chú trọng phát triển ngành công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các cơ sở công nghiệp nông thôn đầu tư sản xuất như: Mặt bằng sản xuất, vốn vay, phê duyệt dự án và các thủ tục hành chính khác...; Bố trí tăng nguồn kinh phí hỗ trợ khuyến công địa phương hàng năm để góp phần thực hiện tốt hơn nữa các nội dung, các lĩnh vực theo yêu cầu của chương trình khuyến công đề ra.

Đối với Cục Công Thương địa phương: tạo điều kiện hơn nữa trong việc bố trí nguồn kinh phí khuyến công quốc gia cho tỉnh Quảng Bình, để phát huy tối đa hiệu quả công tác khuyến công, giúp cho các cơ sở công nghiệp nông thôn phát huy tiềm năng, thế mạnh của mình, mở rộng sản xuất, đáp ứng nhu cầu thị trường, phát triển kinh tế xã hội địa phương.

Theo Langngheviet.com.vn