Toàn tỉnh Phú Thọ hiện có 75 làng nghề được UBND tỉnh công nhận, tập trung ở 4 nhóm ngành: Chế biến thực phẩm; chế biến nông – lâm sản; thủ công mỹ nghệ và sản xuất vật liệu xây dựng.
Hiện nay trước sự phát triển của khoa học công nghệ (KHCN), sự đồng hành của chương trình khuyến công, cùng những chính sách hỗ trợ của địa phương, nhiều hộ gia đình ở các làng nghề truyền thống tại Phú Thọ đã biết tận dụng cơ hội, đầu tư nhiều máy móc hiện đại vào sản xuất các sản phẩm. Đơn cử, làng nghề mộc Vân Du (xã Vân Du, huyện Đoan Hùng) hiện có khoảng 70 hộ làm nghề, tạo việc làm cho 500 lao động, doanh thu bình quân đạt trên 250 tỷ đồng/năm.
Trước sự phát triển của KHCN, các hộ làm nghề đầu tư nhiều máy móc hiện đại theo hướng chuyên môn hóa các khâu sản xuất; phân công lao động làm từng công đoạn theo dây chuyền. Các sản phẩm của làng nghề chủ yếu là đồ gia dụng các loại: Sập, bàn ghế, giường, tủ, cửa, tay cầu thang… tiêu thụ ở nhiều tỉnh, thành trong cả nước. Theo ông Nguyễn Trọng Chiến - Trưởng làng nghề: Từ ba năm nay, làng nghề đã đầu tư nhiều máy móc hiện đại cho nghề mộc để có đủ máy móc tự động, phát triển máy đục vi tính thay cho thợ thủ công đục tay ngày xưa. Nhờ đó, mặt hàng đồ gỗ ở làng nghề mộc Vân Du đã có sự đa dạng, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người dân trong và ngoài tỉnh.
Để từng bước nâng cao chất lượng sản phẩm và hiệu quả sản xuất kinh doanh, các hộ làng nghề đã có sự liên kết hỗ trợ nhau trong sản xuất và tìm kiếm thị trường. Hiện có ba doanh nghiệp hoạt động trong làng nghề tham gia vào khâu cung ứng nguyên liệu, tìm đầu ra cho sản phẩm. Đến nay, khoảng 30% sản phẩm làng nghề làm theo đơn đặt hàng. Làng nghề đang hướng tới xây dựng thương hiệu sản phẩm, tạo cơ sở để có đầu ra bền vững.
Thời gian qua, chương trình khuyến công tỉnh Phú Thọ cũng dành nhiều sự quan tâm tới công tác phát triển làng nghề. Giai đoạn 2021 – 2025, từ nguồn kinh phí là hơn 23,2 tỷ đồng, khuyến công cũng sẽ hỗ trợ các cơ sở công nghiệp thành lập các hiệp hội, hội ngành nghề, hình thành mô hình liên kết cơ sở sản xuất thủ công mỹ nghệ, các làng nghề truyền thống với các doanh nghiệp du lịch; Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lý, kỹ thuật; bồi dưỡng nâng cao cho nghệ nhân tiểu thủ công nghiệp, người có tay nghề cao để hình thành đội ngũ giảng viên phục vụ chương trình đào tạo nghề, nâng cao tay nghề, truyền nghề ở nông thôn; Giải quyết nhiều việc làm, sản xuất sản phẩm phục vụ du lịch và xuất khẩu, khôi phục phát triển ngành nghề truyền thống, ngành nghề mới đáp ứng yêu cầu của cách mạng công nghiệp 4.0…
Nhờ những chính sách hỗ trợ, các chương trình khuyến công… đã giúp nhiều làng nghề tỉnh Phú Thọ “thay da đổi thịt”. Bên cạnh hiệu quả về kinh tế, khu vực làng nghề đang tạo thêm khá nhiều việc làm cho người lao động khu vực nông thôn, qua đó nâng cao thu nhập, ổn định đời sống và hạn chế phát sinh các tệ nạn xã hội tại địa phương.
Theo Công nghiệp Tiêu dùng