Để thực hiện định hướng này, Trung tâm Khuyến công và Phát triển Công Thương Phú Thọ dự kiến hỗ trợ xây dựng 4 mô hình trình diễn kỹ thuật sản xuất mới, hỗ trợ 10 - 15 cơ sở đầu tư ứng dụng máy móc, thiết bị vào sản xuất. Đây là 2 nội dung trọng điểm, tác động trực tiếp tới năng lực sản xuất của các cơ sở CNNT. Do vậy, trung tâm không chỉ ưu tiên dành nguồn kinh phí mà còn huy động, kết hợp mọi nguồn lực để triển khai. Định hướng này đã được Khuyến công Phú Thọ quán triệt thực hiện từ năm 2019 thông qua triển khai Kế hoạch khuyến công tỉnh năm 2019 - 2020 và tập trung vào những ngành nghề thế mạnh của tỉnh.
Đơn cử, với ngành chế biến gỗ, trung tâm đã thực hiện 1 đề án khuyến công quốc gia nhóm hỗ trợ ứng dụng máy móc, thiết bị cho 5 doanh nghiệp sản xuất gỗ ván ép xuất khẩu; 2 đề án khuyến công địa phương hỗ trợ xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật cho 2 cơ sở sản xuất gỗ ván ép xuất khẩu. Theo báo cáo đánh giá hiệu quả sau đầu tư của các đơn vị thụ hưởng, đề án được triển khai, máy móc, thiết bị hiện đại đưa vào vận hành đã giúp doanh nghiệp cải thiện quy mô cũng như năng lực sản xuất; giúp cơ sở có quy mô nhỏ, nguồn vốn hạn hẹp giảm bớt áp lực vốn khi mạnh dạn đầu tư thiết bị sản xuất mới.
Là một trong số doanh nghiệp chế biến gỗ được hỗ trợ xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật từ nguồn vốn khuyến công năm 2019, Công ty TNHH Dịch vụ tổng hợp Hoa Linh (xã Võ Lao, huyện Thanh Ba) đã có bước nhảy vọt về sản xuất cũng như doanh thu. Theo đại diện công ty, với công suất 25.000m3/năm, dây chuyền sản xuất ván ép mới được đầu tư đem lại doanh thu khoảng 124 tỷ đồng cho doanh nghiệp; tạo việc làm thường xuyên cho 50 lao động với mức thu nhập ổn định. Đáng nói, với hiệu quả đạt được sẽ giúp cho sức nhân rộng của mô hình rất lớn, bởi đây không chỉ là ngành nghề thế mạnh mà còn có số lượng cơ sở sản xuất đáng kể với quy mô khác nhau đang hoạt động trên địa bàn tỉnh.
Bên cạnh ưu tiên vốn triển khai cho các đề án chế biến sâu, đề án thuộc lĩnh vực thế mạnh, Khuyến công Phú Thọ còn dành nguồn lực hỗ trợ cho các nội dung khác theo nhu cầu của đối tượng thụ hưởng, như: Tư vấn kiểm toán năng lượng; xây dựng mô hình quản lý năng lượng; thiết kế mẫu bao bì sản phẩm; ứng dụng hóa đơn điện tử, chữ ký số cho các hợp tác xã…
Để hỗ trợ các đề án, dự án chế biến sâu đạt kết quả như kỳ vọng, bên cạnh việc huy động các nguồn lực cho triển khai, Khuyến công Phú Thọ sẽ sát sao hơn nữa trong lựa chọn đối tượng thụ hưởng; nâng cao công tác tư vấn, hỗ trợ lập hồ sơ, thủ tục và thực hiện thanh quyết toán theo quy định.
Đồng thời, bám sát cơ sở thực hiện, giải quyết nhanh những khó khăn phát sinh; thường xuyên kiểm tra việc sử dụng vốn khuyến công của các đối tượng được hỗ trợ, trong trường hợp phát hiện sử dụng không đúng mục đích thì ngừng cấp kinh phí và báo cáo cơ quan có thẩm quyền có biện pháp xử lý; khuyến khích cơ sở CNNT tham gia và thụ hưởng nguồn vốn khuyến công.
Bên cạnh hỗ trợ sản xuất, Khuyến công Phú Thọ còn tăng cường triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại, hỗ trợ mở rộng thị trường tiêu thụ cho sản phẩm CNNT, nhất là với các sản phẩm có hàm lượng chế biến và giá trị kinh tế cao.
Theo Báo Công Thương