Ngày 16/8, Hiệp hội Làng nghề Việt Nam đã tổ chức Lễ phong tặng nghệ nhân và các danh hiệu làng nghề Việt Nam lần thứ XI – năm 2024.

Tại Lễ phong tặng, Hiệp hội Làng nghề Việt Nam đã trao trặng danh hiệu cho 145 nghệ nhân.

Theo Hiệp hội Làng nghề Việt Nam, Hiệp hội đã tổ chức 10 lần phong tặng các danh hiệu làng nghề từ năm 2007 đến năm 2022, trong đó đã phong 1.041 Nghệ nhân Làng nghề Việt Nam (trong đó có 82 nghệ nhân Văn hoá nghệ thuật Ẩm thực làng nghề Việt Nam); 73 Làng nghề tiêu biểu; 72 Đơn vị kinh tế làng nghề tiêu biểu; 10 Bảo vật tinh hoa làng nghề; 100 Sản phẩm thủ công mỹ nghệ tinh hoa Làng nghề tiêu biểu; 131 Thợ giỏi làng nghề Việt Nam; 124 Bảng vàng gia tộc nghề truyền thống Việt Nam.

Ở danh hiệu cấp quốc gia, Hiệp hội là nơi cung cấp cho Hội đồng Nhà nước xét tặng nghệ nhân những nghệ nhân xuất sắc tiêu biểu để Hội đồng xét phong tặng nghệ nhân Nhân dân và nghệ nhân Ưu tú. Trong số 22 nghệ nhân Nhân dân, 202 nghệ nhân Ưu tú đã có tới 15 nghệ nhân Nhân dân, 135 nghệ nhân Ưu tú là nghệ nhân làng nghề, hội viên của Hiệp hội Làng nghề Việt Nam.

Quy chế vinh danh, phong tặng của Hiệp hội là công khai, minh bạch, tiêu chí xét tặng rõ ràng, Hội đồng xét phong tặng là các chuyên gia, nhà khoa học có uy tín trong xã hội.Chia sẻ với truyền thông trước sự kiện, Tân Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Việt Nam- Trịnh Quốc Đạt cho hay: Việc phong tặng nghệ nhân được tuân thủ theo tiêu chuẩn nghiêm ngặt.

 

Phong tặng danh hiệu 145 Nghệ nhân làng nghề năm 2024
Bà Đỗ Thị Minh Trâm - Phó Cục trưởng Cục Công Thương địa phương, Bộ Công Thương trao tặng danh hiệu cho các Nghệ nhân Làng nghề Việt Nam năm 2024. 

Về tiêu chuẩn đối với làng nghề Văn hóa, Du lịch tiêu biểu gồm: Có cơ sở hạ tầng và môi trường làng nghề, môi trường sinh thái tốt; chất lượng các dịch vụ du lịch, hướng tới sự phát triển làng nghề du lịch thân thiện, an toàn và bền vững; có các sản phẩm du lịch mang tính đặc thù của từng làng nghề, từng địa phương; tích cực tham gia phong trào xây dựng nông thôn mới; có những giải pháp tích cực nhằm cải thiện môi trường tại làng nghề; tổ chức tốt việc hợp tác sản xuất, xúc tiến thương mại, tiêu thụ sản phẩm; có ý thức chấp hành tốt Điều lệ của Hiệp hội Làng nghề Việt Nam, tham gia xây dựng Hiệp hội ngày càng lớn mạnh.

Đối với tiêu chuẩn đối với Báu vật nhân văn sống Làng nghề Việt Nam, gồm: Là Nghệ nhân Nhân dân, Nghệ nhân Ưu tú đã được Nhà nước phong tặng; có tri thức, kỹ năng đặc biệt xuất sắc, có công lớn trong việc bảo vệ và phát huy giá trị nghề thủ công mỹ nghệ của địa phương; nắm giữ kỹ năng, bí quyết; truyền nghề, dạy nghề cho từ 100 cá nhân trở lên, trừ trường hợp nghề đặc thù.

Trực tiếp thiết kế, chế tác được ít nhất 10 sản phẩm, tác phẩm có giá trị kinh tế, kỹ thuật và mỹ thuật cao; được giải thưởng hoặc được tổ chức nhà nước, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội - nghề nghiệp cấp chứng nhận đạt thành tích tại các cuộc thi, hội chợ, triển lãm trong nước và quốc tế được Thủ tướng Chính phủ cho phép tổ chức; có phẩm chất đạo đức tốt, gương mẫu trong cuộc sống; tâm huyết, tận tụy với nghề, được đồng nghiệp và quần chúng mến mộ, kính trọng.

Về tiêu chuẩn đối với Nghệ nhân Làng nghề Việt Nam: Là thợ giỏi, nắm giữ bí quyết nghề, có trình độ kỹ năng, kỹ xảo cao, trực tiếp tạo mẫu, thiết kế sản phẩm, có ý thức trách nhiệm bảo vệ môi trường; có thành tích đóng góp trong việc giữ gìn, truyền dạy nghề cho thế hệ trẻ; có tác phẩm đã đạt giải trong nước hoặc quốc tế; có tư cách và đạo đức nghề nghiệp: tận tâm với nghề, được cộng đồng và đồng nghiệp thừa nhận; có ý thức chấp hành tốt Điều lệ của Hiệp hội Làng nghề Việt Nam, tham gia xây dựng Hiệp hội ngày càng lớn mạnh.

Đối với tiêu chuẩn đối với Bảo vật tinh hoa: Là sản phẩm tinh hoa độc bản; là sản phẩm có hình thức độc đáo; là sản phẩm có giá trị đặc biệt liên quan đến một sự kiện trọng đại của đất nước hoặc liên quan đến sự nghiệp của anh hùng dân tộc, danh nhân tiêu biểu; hoặc là tác phẩm nghệ thuật nổi tiếng về giá trị tư tưởng, nhân văn, giá trị thẩm mỹ tiêu biểu cho một khuynh hướng, một phong cách, một thời đại; hoặc là sản phẩm được phát minh, sáng chế tiêu biểu, có giá trị thực tiễn cao, có tác dụng thúc đẩy xã hội phát triển ở một giai đoạn lịch sử nhất định; hoặc là mẫu vật tự nhiên chứng minh cho các giai đoạn hình thành và phát triển của lịch sử trái đất, lịch sử tự nhiên.

Về tiêu chuẩn đối với Thợ giỏi: Là thợ lành nghề, làm việc có năng suất, chất lượng cao được những người trong cùng ngành nghề thừa nhận; Có tác phẩm được đạt giải trong các cuộc thi, hội chợ triển lãm cấp tỉnh trở lên; Có tư cách và đạo đức nghề nghiệp; Có ý thức chấp hành tốt Điều lệ của Hiệp hội Làng nghề Việt Nam, tham gia xây dựng Hiệp hội ngày càng lớn mạnh.

Đối với tiêu chuẩn đối với Bảng vàng Gia tộc nghề truyền thống Việt Nam: Là gia đình, dòng tộc sinh ra và lớn lên tại các làng nghề, phố nghề truyền thống, được truyền nghề trong 3 thế hệ trở lên, nắm vững bí quyết nghề, có trình độ kỹ năng, kỹ xảo, thiết kế sản phẩm có hàm lượng văn hóa cao; hiện đang gìn giữ và truyền dạy nghề cho các thế hệ trẻ trong dòng họ và cộng đồng theo phương thức kết hợp giữa công nghệ truyền thống và công nghệ hiện đại; có sản phẩm, tác phẩm đạt giải tại các cuộc thi, hội chợ, triển lãm; đạt giải trong và ngoài nước, thân thiện với môi trường; hoạt động sản xuất, kinh doanh luôn ổn định, có hiệu quả thiết thực cho gia đình và cộng đồng về kinh tế, văn hóa, xã hội, phát triển bền vững; có tâm đức với nghề nghiệp, tích cực tham gia các hoạt động xã hội, không vi phạm pháp luật, được đồng nghiệp và cộng đồng dân cư công nhận.

Nguồn: Congthuong.vn

Tin đã đăng