Nghề làm hàng mỹ nghệ ốc, trai ở phường Trường Sơn (TP Sầm Sơn).
Những năm qua TP Sầm Sơn đã quan tâm, phát triển khoảng 20 nghề tiểu thủ công nghiệp, đó là nghề dệt chiếu cói (phường Quảng Tiến), nghề làm hàng mỹ nghệ ốc, trai (phường Trường Sơn), nghề làm nước mắm Tân Hưng (Quảng Tiến)... Sản phẩm của các làng nghề này không chỉ tiêu thụ trong nước mà nhiều mặt hàng đã được xuất khẩu.
Bà con phường Hải Thanh (thị xã Nghi Sơn) thực hiện các công đoạn chế biến hải sản.
Cơ sở sản xuất thủ công mỹ nghệ Đắc Thủy, phường Trường Sơn thời gian qua đã đón nhiều đoàn khách đến tham quan, mua sản phẩm. Cơ sở sản xuất của gia đình anh Lê Nhữ Thành bắt đầu đi vào hoạt động từ những năm 2000. Các sản phẩm như chuông gió, cây cảnh, thuyền, đèn ngủ... đều được làm từ nguyên liệu là vỏ sò, vỏ ốc, vỏ trai...
Ban đầu sản phẩm chủ yếu phục vụ khách du lịch trong những tháng hè, nhưng gần đây du khách tham quan, mua sản phẩm ngày một nhiều. Ngoài ra anh còn nghiên cứu, sản xuất nhiều loại sản phẩm với mẫu mã đa dạng và được bán ở nhiều địa phương khác như Hạ Long (Quảng Ninh), Cửa Lò (Nghệ An)...
Ngư dân vùng biển Thanh Hóa chế biến hải sản khô cung cấp cho du khách.
Sản phẩm nước mắm Khúc Phụ, xã Hoằng Phụ (Hoằng Hóa) được cấp Giấy chứng nhận nhãn hiệu tập thể năm 2015. Từ khi được công nhận đến nay nước mắm Khúc Phụ được đóng chai và dán nhãn mác rõ ràng, theo thiết kế riêng. Hiện xã Hoằng Phụ có khoảng 1.000 hộ chuyên chế biến, kinh doanh nước mắm, chủ yếu ở 3 thôn Bắc Sơn, Hợp Tân và Hồng Kỳ, góp phần giải quyết việc làm và thu nhập ổn định cho 1.400 đến 1.500 lao động với mức gần 7 triệu đồng/người/tháng.
Để nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm nước mắm truyền thống trên thị trường, vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm luôn được các hộ sản xuất nước mắm Khúc Phụ đặt lên hàng đầu. Nhờ việc tuân thủ nghiêm ngặt quy trình sản xuất thủ công truyền thống, bên cạnh sự giám sát chăt chẽ của cơ quan chuyên môn, mà nước mắm Khúc Phụ đã góp mặt trên các kệ siêu thị với đầy đủ nhãn hiệu, nhãn mác, mã vạch góp phần làm phong phú thêm sự lựa chọn an toàn, tin cậy cho người tiêu dùng khi đến với các sản phẩm nước mắm truyền thống.
Sau những chuyến ra khơi về ngư dân vùng biển tiến hành phân loại hải sản để phục vụ cho công tác chế biến.
Làng nghề truyền thống chế biến hải sản tại các phường Hải Thanh, Hải Bình, Hải Hòa (thị xã Nghi Sơn) chuyên sản xuất các mặt hàng hải sản khô truyền thống, như: Tôm, mực, cá chỉ vàng, moi và nước mắm các loại được người tiêu dùng cả nước ưa chuộng. Quy trình chế biến hải sản khô tại các địa phương này phần lớn vẫn là sản xuất thủ công truyền thống; các loại nguyên liệu để chế biến bảo đảm tươi. Những năm gần đây, để từng bước đáp ứng nhu cầu của thị trường và đưa sản phẩm vươn xa hơn, người làm nghề cũng đã áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật để làm ra sản phẩm ngon hơn, mở rộng sản xuất hướng đến sản phẩm sạch.
Các sản phẩm hải sản khô được bày bán tại các chợ truyền thống.
Ngoài việc mang lại giá trị về kinh tế, các làng nghề ven biển còn mang nhiều nét văn hóa đặc trưng có thể khai thác phát triển thành sản phẩm du lịch sinh thái cộng đồng. Song hiện nay loại hình du lịch làng nghề này vẫn còn ở dạng tiềm năng, manh mún và nhỏ; mẫu mã, bao bì sản phẩm còn đơn điệu. Cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng yêu cầu để các làng nghề mở rộng sản xuất, xây dựng các trung tâm giới thiệu, trưng bày và bán sản phẩm cho khách du lịch...
Để phát triển bền vững các làng nghề gắn với du lịch, cần sự quan tâm đầu tư đồng bộ từ nguồn lực, con người đến cơ chế, chính sách đặc thù. Bên cạnh đó, phát huy vai trò, trách nhiệm của người làm nghề trong việc nâng cao chất lượng sản phẩm và bảo vệ môi trường.
nguồn: baovanhoadoisong.vn