Ông Nguyễn Văn Thịnh- Phó Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam cho biết, đến nay, nhận thức của người dân về HTX được nâng lên rõ rệt; nhiều chính sách tháo gỡ khó khăn được Chính phủ, bộ ngành, địa phương quan tâm, xuất hiện nhiều mô hình HTX kinh doanh điển hình gắn với chuỗi giá trị, trong đó có nhiều HTX có quy mô lớn, phạm vi hoạt động rộng, hỗ trợ hiệu quả cho các thành viên.
Từ thực tế thăm quan nhiều mô hình hiệu quả, Phó Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam cho biết, có nhiều HTX làm ăn tốt, thu nhập lao động đạt trên 10 triệu/tháng như HTX dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Hoa Anh Đào - Lâm Đồng, HTX bò sữa Evergrowth (Sóc Trăng)... Tại nhiều địa phương, nhất là vùng sâu, vùng xa, việc thành lập phát triển HTX đang là xu thế khách quan phát triển kinh tế hộ, đảm bảo đầu vào và đầu ra, giảm chi phí, nâng cao năng suất lao động.
Tuy nhiên, kết quả đó chưa tương xứng tiềm năng và thế mạnh của đất nước. Nhiều lãnh đạo HTX các địa phương cho hay, các chính sách hỗ trợ chưa đi vào thực tiễn, đặc biệt là thủ tục đất đai đã và đang tạo ra nhiều rào cản cho sự phát triển của các hợp tác xã.
Theo ông Chu Văn Hòa- Chủ tịch Hội đồng Quản trị HTX Đan Phượng (Hà Đông, Hà Nội), mặc dù các HTX sản xuất trong cơ chế thị trường nhưng hầu hết lại không biết nhu cầu thị trường là gì, năng suất tăng liên tục nhưng thu nhập của các xã viên tăng thấp, giá đầu vào cao nhưng giá đầu ra thấp, thị trường đòi hỏi sản phẩm nông nghiệp phải có chứng nhận xuất xứ nhưng các HTX vẫn chưa làm được… và trong sản xuất nông nghiệp, chủ yếu người dân vẫn sản xuất thứ mình có chứ chưa làm được cái thị trường cần. Đó chính là điểm yếu của một số hợp tác xã và thành viên hiện nay.
Đặc biệt, nhiều ý kiến tại Tọa đàm cho rằng, chính sách đất đai đang gây ra nhiều lực cản, gây khó khăn cho sự phát triển của kinh tế tập thể.
Bà Nguyễn Lan Hương- Giám đốc HTX Phú Cường - Hà Nội than thở, nhiều thành viên của HTX kêu chỉ nghĩ đến việc làm thủ tục đất đai đã thấy oải. Theo bà Hương, các thành viên hợp tác xã cho biết, ngại nhất là việc xin giấy phép cấp đất để xây dựng các kho sơ chế, sản xuất do phải mất nhiều thời gian, thủ tục rườm rà. “Có dự án chúng tôi xin phép được cấp đất 5 năm nay vẫn chưa được giải quyết. Điều này làm mất đi cơ hội sản xuất, kinh doanh của các hợp tác xã viên” – bà Hương cho hay.
Cũng cho rằng, các HTX đang gặp nhiều rào cản từ chính sách đất đai, ông Lê Văn Việt- Giám đốc HTX Thuỷ sản Xuyên Việt (Hải Dương) cho rằng, cần giảm thiểu thời gian làm thủ tục đất đai cho các HTX bằng những cơ chế chính sách linh động hơn. Theo ông Việt, Nhà nước khuyến khích phát triển kinh tế tập thể thì nên đưa ra những cơ chế để tạo điều kiện cho các HTX mở rộng quy mô hoạt động sản xuất.
Nhấn mạnh đến yếu tố liên kết, ông Đồng Mạnh Cường- Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Tuyên Quang cho rằng, kinh tế tập thể hiện nay đang thiếu hẳn chiếc đầu kéo. “Chúng ta cần phải có DN tham gia làm đầu kéo và cần phải có sự liên kết chặt chẽ giữa các mắt xích với nhau. Một HTX có 7 thành viên, 10 thành viên hay 15 thành viên nhưng các thành viên có giải quyết được vấn đề đầu ra cho các sản phẩm nông sản của mình hay không?” – ông Cường đặt câu hỏi. Bởi vậy, vị này đề xuất, phải có DN làm đầu kéo và cần có cơ chế chính sách để hỗ trợ DN tham gia vào lĩnh vực này.
KConline