Bài 2: Nâng cao hiệu quả hoạt động
Bên cạnh những kết quả đạt được, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, các hợp tác xã (HTX) phát triển vẫn chưa tương xứng với tiềm năng. Dẫn đến việc chưa thu hút được đông đảo người dân tham gia, nguyên nhân là do năng lực nội tại của các HTX vẫn chưa đủ lớn, lợi ích mà các HTX mang lại cho các thành viên chưa nhiều...
Để các HTX thật sự là điểm tựa của người dân trong thời kỳ mới cần có những chính sách phù hợp, quan tâm và đầu tư bài bản về nguồn lực, con người, khoa học công nghệ, thông tin thị trường...
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện nay nhiều HTX trong lĩnh vực nông nghiệp đã chuyển đổi hoạt động theo xu hướng mô hình dịch vụ tổng hợp, đa ngành, đa nghề, có sự gắn kết hiệu quả hơn với doanh nghiệp để tham gia chuỗi giá trị sản phẩm chủ lực của địa phương.
Đến thăm HTX nông nghiệp tổng hợp An Phú, xã Hiệp An, huyện Đức Trọng (Lâm Đồng), mới thấy sự năng động, nhạy bén khi ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến trên những trang trại rau.
Đại diện HTX Nông nghiệp tổng hợp An Phú, huyện Đức Trọng, Lâm Đồng hướng dẫn kỹ thuật canh tác cho nhà nông liên kết sản xuất.
Thành lập từ năm 2004, HTX hiện có 60 hộ liên kết sản xuất nông nghiệp theo tiêu chuẩn VietGAP và nông nghiệp 4.0 trên diện tích hơn 60ha; sản lượng rau mỗi năm hơn 1.000 tấn. Các loại sản phẩm của HTX đang được tiêu thụ qua các hệ thống siêu thị trên toàn quốc, các cơ sở chế biến, nhà hàng, khách sạn và xuất khẩu thông qua đơn vị ủy thác.
HTX thực chất ký hợp đồng trước khi sản xuất nên bảo đảm đầu ra ổn định. Cụ thể là trước khi sản xuất, chúng tôi đã ký hợp đồng, bán 50% sản phẩm rồi. Chúng tôi chọn những đối tác uy tín để ký hợp đồng trước, với mức giá ổn định nên quá trình đầu tư, sản xuất yên tâm hơn.
Giám đốc HTX Lê Văn Ba
Khi nông dân liên kết với HTX sẽ được hỗ trợ về vốn, quy trình canh tác, kỹ thuật chăm sóc, cũng như bao tiêu sản phẩm. Với đầu ra ổn định, giá cả hợp lý, các thành viên và hộ liên kết sẽ tập trung sản xuất theo quy chuẩn để tăng lợi nhuận.
Mới thành lập năm 2022, HTX Hoàng Trà, xã Phù Vân, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam đã khắc phục khó khăn của một HTX mới, ít thành viên, sớm ổn định tổ chức và đi vào sản xuất, kinh doanh có hiệu quả.
Theo ông Nguyễn Tiến Định, Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn, mục tiêu xuyên suốt giai đoạn tới được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng trong hỗ trợ phát triển HTX là nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các HTX.
Trong đó, đặc biệt chú trọng đến nâng cao chất lượng hoạt động, hỗ trợ thành viên thông qua việc nâng cao nhận thức của toàn dân về kinh tế tập thể, HTX; đồng thời, tăng cường năng lực của các tổ chức kinh tế tập thể, HTX nhằm phát huy hơn nữa vai trò liên kết, hợp tác, hỗ trợ thành viên và cộng đồng khu vực; tăng cường năng lực cạnh tranh của kinh tế hộ gia đình, nhất là kinh tế hộ nông dân trong điều kiện cơ chế thị trường; cải thiện năng lực sơ chế, chế biến, bảo quản nông sản và nguyên liệu nông sản cho các nhà máy, doanh nghiệp đầu ra.
Đây được xem là những định hướng chung cho việc nâng cao năng lực và phát huy vai trò của HTX trong thời kỳ mới. Triển khai vào thực tiễn tại các địa phương, những quyết sách mới, linh hoạt, thậm chí chưa có tiền lệ, nhưng có lợi cho HTX nói chung, xã viên nói riêng cũng đã được rốt ráo thực hiện. Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre Lê Đức Thọ cho biết, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh rất quan tâm và đã có cơ chế, chính sách, chủ trương phát triển tổ hợp tác, HTX.
Hiện hệ thống chính trị cũng đã tích cực vào cuộc. Còn Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre Nguyễn Minh Cảnh cũng khẳng định: Sẽ tiếp tục đổi mới, hoàn thiện cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, HTX… Trong đó, tập trung về phát triển nguồn nhân lực, đất đai, tài chính, tín dụng, khoa học-công nghệ, thông tin kinh tế, kỹ năng tiếp thị và nghiên cứu thị trường, đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng,…
Ngoài những đổi mới chung về cơ chế, chính sách, đầu tư về con người nói chung, Phó Giám đốc Sở Công thương tỉnh Đồng Tháp Võ Phương Thủy cho biết, sở sẽ tham mưu để đẩy mạnh hỗ trợ các đơn vị phát triển thị trường tiêu thụ nông sản thông qua các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm và kết nối thị trường tiêu thụ trong và ngoài nước.
Đa dạng hóa các kênh tiêu thụ và khai thác tốt lợi thế về thương mại điện tử trong hoạt động kinh doanh để phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm trong và ngoài nước. Tạo điều kiện thuận lợi cho các HTX, tổ hợp tác, doanh nghiệp tiếp cận các chính sách hỗ trợ đầu tư cải tiến máy móc, thiết bị; phát triển bao bì, nhãn hiệu, thương hiệu sản phẩm nông sản Đồng Tháp; thông tin thị trường nông sản.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Phạm S cho biết, tỉnh tiếp tục tổ chức các hội thảo khoa học và xúc tiến thương mại để xác định những sản phẩm lợi thế của tỉnh; tập trung phát triển sản phẩm OCOP, vì đây là sản phẩm giúp HTX xây dựng thương hiệu. Đào tạo nguồn nhân lực, khuyến khích những giám đốc HTX trẻ, có trình độ chuyên môn và thực tiễn, nhanh nhạy trong phát triển thị trường, nhiệt tình trong công tác, am hiểu dự báo xu thế thời đại.
Ở góc độ hẹp hơn, Phó Chủ tịch UBND huyện Phù Yên, tỉnh Sơn La Phan Quý Dương đề nghị: Để nâng cao năng lực của các HTX, cần tập trung đổi mới, phát triển, nâng cao vai trò, hiệu quả hoạt động của các HTX.
Đồng thời, nhân rộng các mô hình mới, HTX điển hình tiên tiến, sản xuất, kinh doanh hiệu quả và tập trung xây dựng các mô hình HTX kiểu mới gắn với chuỗi giá trị sản phẩm hàng hóa chủ lực với quy mô lớn của tỉnh, gắn với tiêu chí số 13 trong Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.
Những giải pháp tích cực từ Bộ chủ quản và từ các địa phương đã có, tin rằng khi thực hiện được những giải pháp nói trên, HTX nông nghiệp sẽ phát triển lên tầm cao mới, sớm đạt được mục tiêu của chiến lược “nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh”./.
Nguồn: nhandan.vn
ST: NTB