Xét theo từng năm, dù nguồn kinh phí khuyến công của Ninh Bình không tăng dần đều nhưng vẫn ở mức cao so với các tỉnh, thành phố khác trên cả nước, cụ thể: Năm 2016 là hơn 5,3 tỷ đồng, 2017 hơn 3,6 tỷ đồng, 2018 hơn 3,9 tỷ đồng, 2019 hơn 10,2 tỷ đồng và 2020 cũng ở con số rất cao khoảng 7,2 tỷ đồng.
Trên cơ sở lựa chọn các mục tiêu ưu tiên, Trung tâm Khuyến công xúc tiến thương mại và Phát triển cụm công nghiệp tỉnh đã phân bổ nguồn lực hợp lý cho triển khai các nội dung. Thống kê cho thấy, xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật và ứng dụng máy móc hiện đại vào sản xuất là nội dung được khuyến công Ninh Bình ưu tiên thực hiện trong giai đoạn này và chiếm khoảng 1/3 trong tổng kinh phí được phân bổ hàng năm. Trong đó, năm 2016 trên 1,6 tỷ đồng, 2017 trên 2,2 tỷ đồng, 2018 trên 2,5 tỷ đồng, 2019 là 3,6 tỷ đồng và 2020 dự kiến trên 2,5 tỷ đồng.
Đáng nói, các đề án thuộc nội dung xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật và ứng dụng máy móc vào sản xuất đều được khuyến công Ninh Bình thực hiện trong các ngành nghề sản xuất có thế mạnh của tỉnh, đã đem lại hiệu quả thấy rõ đối với từng đối tượng thụ hưởng. Tiêu biểu như: Công ty Cổ phần thực phẩm Á Châu (phường Nam Sơn, TP. Tam Điệp) - đơn vị chuyên sản xuất chế biến nông sản, với sản phẩm chính là ngô ngọt nghiền, đậu Hà lan đóng hộp, cà chua bi, dưa chuột, dừa và ngô ngọt hạt. 90% sản phẩm của công ty được xuất khẩu sang một số nước khu vực Đông Âu. Năm 2018 với mong muốn mở rộng sản xuất, công ty đã được hỗ trợ 400 triệu đồng từ nguồn kinh phí khuyến công quốc gia để thực hiện đề án “Xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật chế biến nông sản”. Theo đó, công ty đã đầu tư dây chuyền chế biến nông sản hiện đại, đồng bộ và khép kín với công suất thiết kế khoảng 2.000 tấn sản phẩm/năm, sản phẩm tạo ra có chất lượng tốt, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, đáp ứng yêu cầu xuất khẩu sang một số nước châu Âu.
Hay doanh nghiệp tư nhân Minh Quyền Ninh Bình và Công ty TNHH đá mỹ nghệ Lâm Tạo (xã Ninh Vân, huyện Hoa Lư) đã được hỗ trợ 600 triệu đồng đầu tư 4 chiếc máy CNC 3D điêu khắc đá. Theo phản ánh từ 2 cơ sở thụ hưởng, nếu như trước đây, các công cụ chạm đục thủ công chỉ cho ra duy nhất một sản phẩm, các mẫu chạm khắc tinh vi và chi tiết phức tạp khó khăn, tốn nhiều thời gian và lao động thì với máy CNC 3D trong cùng một đơn vị thời gian đã giúp tạo ra nhiều sản phẩm với độ chính xác cao. Từ đó, năng suất lao động đã tăng gấp 1,5 lần, giải phóng 50% sức lao động chân tay, thu nhập người lao động ổn định ở mức 6 - 7 triệu đồng/người/tháng, đặc biệt là giảm giá thành sản phẩm, đáp ứng nhu cầu của thị trường.
Bên cạnh nội dung hỗ trợ trực tiếp cho sản xuất, thông qua các đề án tổ chức, hỗ trợ doanh nghiệp tham gia hội chợ triển lãm trong và ngoài tỉnh, khuyến công Ninh Bình còn mở rộng cơ hội giao thương, tăng khả năng tiêu thụ sản phẩm CNNT. Sự hỗ trợ kép này đã giúp cơ sở, doanh nghiệp, nhất là cơ sở có quy mô nhỏ và siêu nhỏ yên tâm sản xuất.
Với sự hỗ trợ đúng hướng, khuyến công Ninh Bình không chỉ đang cải thiện năng lực sản xuất mà còn tạo ra điển hình, thu hút sự quan tâm của các đối tượng khác trong cùng lĩnh vực sản xuất mạnh dạn đầu tư, để từ đó thay đổi diện mạo CNNT của tỉnh.
Năm 2020, với khoảng 7,2 tỷ đồng kế hoạch kinh phí được phân bổ, khuyến công Ninh Bình dự kiến triển khai 35 đề án, trong đó nội dung xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật và ứng dụng máy móc hiện đại vào sản xuất chiếm ưu thế với 20 đề án.
QH (st) Theo Báo Công Thương