Theo số liệu từ Cục Công Thương địa phương, tính đến 30/6 cả nước có 2.901 làng nghề và làng có nghề, 1.288 làng nghề đã được công nhận. Số lượng các tỉnh, thành phố có nhiều làng nghề nhất chủ yếu tập trung ở các tỉnh miền Bắc. Trong đó thành phố Hà Nội có số làng nghề, làng nghề truyền thống được công nhận nhiều nhất 302 làng, tiếp đến là tỉnh Thái Bình 247 làng, Thái Nguyên 236 làng, Nghệ An 150 làng...
Tổng doanh thu từ các hoạt động sản xuất kinh doanh của các cơ sở sản xuất trong làng nghề công nghiệp- tiểu thủ công nghiệp (CN-TTCN) đạt khoảng hơn 49.000 tỷ đồng; tổng vốn và tài sản hơn 1.700 tỷ đồng; số lượng lao động tham gia sản xuất kinh doanh là 988.052 lao động với thu nhập bình quân đạt 3,63 triệu đồng/người/tháng…
Đánh giá chung từ các địa phương cho thấy, tổ chức sản xuất ở các làng nghề đang có xu hướng chuyển sang mô hình tổ chức sản xuất theo kiểu phân công chuyên môn hóa và hợp tác hóa sản xuất. Từ đó góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xóa đói, giảm nghèo, đồng thời góp phần ổn định xã hội, bảo tồn và giữ gìn nét văn hóa truyền thống đặc sắc của từng vùng miền, làm phong phú thêm bản sắc văn hóa của dân tộc. Phát triển làng nghề huy động nguồn lực trong dân, sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên thiên nhiên sẵn có tại địa phương, đặc biệt là sản phẩm của nông nghiệp, phát huy được kỹ nghệ truyền thống của các nghệ nhân làng nghề ứng dụng vào sản xuất.
Tuy vậy, hiện trạng phát triển của khu vực làng nghề còn nhiều bất cập, một bộ phận làng nghề lâm vào tình cảnh hết sức khó khăn, sản xuất thiếu khả năng cạnh tranh, quy mô sản xuất nhỏ, mẫu mã đơn điệu, thiếu vốn, thiếu nguyên liệu, thị trường xuất khẩu bị thu hẹp… đặc biệt là nhãn hiệu hàng hóa chưa được quan tâm. Do thu nhập nghề thấp, bấp bênh nên lao động trong các làng nghề chuyển dịch mạnh từ nông thôn ra các đô thị lớn tìm việc làm, hoặc chuyển đổi sang ngành nghề khác có thu nhập cao hơn, ổn định hơn. Do vậy, công tác nhân cấy, truyền nghề không được phát triển tốt, dẫn tới số lượng nghệ nhân, thợ nghề giỏi ở các làng nghề dần bị mai một. Cơ sở hạ tầng bảo vệ môi trường làng nghề đang bị xuống cấp, sự phát triển “nóng” của các làng nghề thời gian qua dẫn đến tình trạng ô nhiễm môi trường tăng cao, khó kiểm soát, ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của làng nghề.
Đặc biệt, các làng nghề hiện nay là thiếu vai trò chủ thể quản lý chung đối với các vấn đề liên quan đến phát triển cả về kinh tế, xã hội và bảo vệ môi trường.
Để khắc phục những bất cập trên, Cục Công Thương địa phương đã đề xuất nhiều giải pháp. Theo đó, ngành Công Thương sẽ lồng ghép các chính sách hỗ trợ làng nghề với các chương trình mục tiêu quốc gia khác nhằm ưu tiên đầu tư mạng lưới cơ sở hạ tầng trong các làng nghề CN-TTCN đặc biệt là các làng nghề nằm trong danh mục cần được bảo tồn, các làng nghề đã được công nhận. Với các làng nghề mang đậm nét văn hóa truyền thống nhưng không có khả năng phát triển độc lập, ngân sách tỉnh, thành phố hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng. Đối với các làng nghề, làng nghề truyền thống có khả năng phát triển độc lập, bền vững ngân sách tỉnh, thành phố hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng ban đầu nhưng có thu hồi lại vốn đầu tư theo quy mô đầu tư của doanh nghiệp, hộ gia đình, cá nhân tại làng nghề.
Hỗ trợ các cơ sở sản xuất làng nghề CN-TTCN xây dựng website giới thiệu, quảng bá, xây dựng thương hiệu sản phẩm làng nghề. Tổ chức thực hiện việc cung cấp thông tin thường xuyên về thị trường, những quy định về chất lượng, mẫu mã sản phẩm, thị hiếu tiêu dùng để cơ sở sản xuất làng nghề có cơ sở định hướng sản xuất, xuất khẩu phù hợp. Xây dựng bộ tư liệu, thông tin về các làng nghề CN-TTCN trên địa bàn tỉnh, thành phố làm cơ sở quảng bá, phát triển du lịch làng nghề.
Khuyến khích các nghệ nhân, thợ giỏi tham gia thiết kế mẫu mã tạo ra các sản phẩm nhằm giữ được nét truyền thống mà vẫn đáp ứng được thị hiếu và nhu cầu của thị trường. Tiếp tục hỗ trợ mở các lớp tập huấn nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp cho người lao động tại làng nghề CN-TTCN nhằm tạo ra sản phẩm có chất lượng tốt hơn, giá thành hạ, nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường đồng thời hướng tới xuất khẩu.
Ngành Công Thương tiếp tục ưu tiên đầu tư cho các cơ sở nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật và công nghệ mới trong lĩnh vực bảo quản, chế biến nông sản, thủy sản; khuyến khích và đầu tư hỗ trợ cho các nghiên cứu, thử nghiệm sản phẩm mới trong các làng nghề. Ban hành chính sách khuyến khích các tổ chức, cá nhân hoạt động trong các cụm công nghiệp cải tiến công nghệ sản xuất và áp dụng các công nghệ sản xuất sạch, sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo và tiếp tục hoàn thiện bộ máy quản lý môi trường tại các cơ sở...
TQL-KConline