Theo Sở Công Thương Đắk Nông, kế hoạch khuyến công năm 2019 đã được Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại phói hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan, cơ sở công nghiệp nông thôn thực hiện hoàn thành 13/13 đề án, đạt 100% kế hoạch được giao với tổng kinh phí thực hiện 7.231 triệu đồng. Trong đó kinh phí khuyến công hỗ trợ 3.407 triệu đồng, nguồn vốn huy động của các cơ sở công nghiệp nông thôn trực tiếp đầu tư phát triển sản xuất công nghiệp là 3.824 triệu đồng.

Phần lớn nguồn vốn tập trung hỗ trợ cho các nội dung như: Ứng dụng máy móc, thiết bị tiên tiến trong chế biến hạt điều, cà phê, cơ khí tiêu dùng, chế biến mắc ca, mộc dân dụng, hồ tiêu, cửa nhôm và nhựa… Trong đó, hầu hết các đơn vị thụ hưởng là những doanh nghiệp mới thành lập hoặc mới phát triển lên doanh nghiệp từ các hộ kinh doanh cá thể đang thiếu vốn để đầu tư máy móc, ứng dụng công nghệ mới, phát triển sản xuất…

Các hoạt động khuyến công đã có vai trò quan trọng trong hỗ trợ hoạt động sản xuất kinh doanh cho các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Đồng thời kịp thời khuyến khích, hỗ trợ cơ sở sản xuất trên địa bàn tỉnh đổi mới công nghệ sản xuất, nâng cao chất lượng và hạ giá thành sản phẩm, tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường.
Đơn cử, Công ty TNHH Đầu tư xây dựng và Thương mại Đất Việt Window, phường Nghĩa Trung (Gia Nghĩa) đã được hỗ trợ 300 triệu đồng từ nguồn vốn khuyến công quốc gia để mua sắm 2 máy móc, thiết bị mới, gồm: 1 máy ép góc cửa nhôm, 1 máy dập khóa xingfa 22 dao. Từ đó, tạo cơ sở ban đầu cho doanh nghiệp sản xuất ra sản phẩm cửa các loại đạt chất lượng, chuẩn về mẫu mã. nguồn vốn hỗ trợ này đã giúp doanh nghiệp đạt công suất sản xuất lên 200 góc cửa/giờ và 160 ổ khóa/giờ. Hoạt động này cũng góp phần tạo giúp sản phẩm của doanh nghiệp đạt chất lượng như ý muốn, giảm chi phí đầu vào, có được giá thành tốt nhất khi đưa ra thị trường…

Tháo gỡ khó khăn cho hoạt động khuyến công

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác khuyến công trên địa bàn tỉnh Đắk Nông thời gian qua còn gặp một số khó khăn như các cơ sở nằm phân tán, đường xá đi lại khó khăn, mạng lưới cộng tác viên khuyến công cấp huyện chưa được hình thành đã ảnh hưởng không nhỏ đến việc khảo sát, xây dựng, kiểm tra quá trình thực hiện các kế hoạch đề án.

Song song với đó, nguồn kinh phí hỗ trợ cho hoạt động khuyến công từ nguồn ngân sách địa phương và của tỉnh còn hạn chế, chưa đáp ứng đủ nhu cầu thụ hưởng của các cơ sở trên địa bàn. Quy mô của một số đề án khuyến công tuy có cải thiện về mức đầu tư, song còn thiếu các đề án khuyến công điểm có sức lan tỏa, đóng vai trò quan trọng cho sự phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp của từng huyện và của tỉnh…

Để khắc phục những bất cập trên, thời gian qua, Sở Công Thương Đắk Nông đã đề xuất, tham mưu cho UBND tỉnh bổ sung, ban hành một số quy định mới để hoạt động hỗ trợ của khuyến công ngày càng thiết thực, hiệu quả hơn. Trong quy định mới này, Sở Công Thương đã tham mưu tập trung sửa đổi một số nội dung chính về: Quy trình xây dựng các đề án khuyến công; triển khai thực hiện đề án theo nhóm, điểm; quy định về quy trình xây dựng đề án khuyến công cấp huyện, xã…

Trong đó, quy định UBND tỉnh chỉ phê duyệt kế hoạch, đề án chung. Còn về các đề án triển khai cụ thể sẽ do Sở Công Thương căn cứ vào nguồn kinh phí được UBND tỉnh phê duyệt hàng năm để phối hợp với các địa phương thống nhất đề án, tránh mất quá nhiều thời gian trình, thẩm định, phê duyệt như trước đây. Ngoài ra, trong quy định mới bổ sung cũng tập trung cho việc phát huy vai trò của cấp huyện, xã trong việc chủ động xây dựng, huy động nguồn lực để triển khai các đề án hỗ trợ. Theo đó, trên cơ sở đăng ký của các cơ quan, đơn vị, UBND các huyện, xã tổ chức lập, thẩm định, phê duyệt để làm căn cứ triển khai thực hiện…

Thời gian tới, nguồn vốn khuyến công sẽ tiếp tục tập trung hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị, công nghệ tiên tiến vào sản xuất cho các cơ sở công nghiệp nông thôn; đẩy mạnh xây dựng các mô hình điểm. Từ đó nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ sở này và hiệu quả sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh.


Nguồn: Báo Công Thương