Theo Trung tâm khuyến công Nghệ An, năm 2020, kinh phí hoạt động khuyến công địa phương trên địa bàn tỉnh Nghệ An là 4.500 triệu đồng; kinh phí quốc gia được bố trí 3 đề án với 1.400 triệu đồng. Hiện, các đề án hoạt động nằm trong chương trình khuyến công đã cơ bản hoàn thành, góp phần kích cầu sản xuất và giải quyết việc làm cho lao động nông thôn.
Từ nguồn vốn khuyến công, nhiều cơ sở sản xuất, chế biến được đầu tư trang thiết bị, máy móc hiện đại
Ông Nguyễn Xuân Thanh - Giám đốc Trung tâm Khuyến công, Sở Công Thương Nghệ An - cho biết, nguồn vốn khuyến công năm 2020 tập trung hỗ trợ cho nhóm hàng chủ lực của tỉnh nhằm góp phần phát triển các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp ở khu vực nông thôn, giúp tăng doanh thu cho các doanh nghiệp. “Nhờ được hỗ trợ từ vốn khuyến công mà các cơ sở sản xuất đã mạnh dạn đầu tư, mở rộng sản xuất, nên đã kích cầu sản xuất, gia tăng thu nhập, tạo công ăn việc làm cho người dân”, ông Thanh cho biết thêm.
Thời gian qua, có rất nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất sau khi được hỗ trợ từ nguồn vốn khuyến công đã mạnh dạn đầu tư, tìm kiếm thị trường… đến nay đã khẳng định được thương hiệu không chỉ trong nước mà còn xuất khẩu như các sản phẩm của Công ty TNHH Đức Phong (Khu công nghiệp TP. Vinh), Công ty Công ty CP nước mắm Vạn Phần - Diễn Châu…
Nguồn vốn khuyến công không chỉ hỗ trợ cho các cơ sở sản xuất, chế biến có quy mô, hoạt động lâu năm mà còn hỗ trợ cho các cơ sở, hợp tác xã, công ty mới thành lập. Là một trong những công ty mới thành lập được 3 năm và đã cho sản phẩm ra thị trường sản phẩm dầu gội và túi lọc thảo dược, Công ty TNHH Thương mại Hà Huy Minh ở xã Lam Sơn - huyện Đô Lương đã rất trăn trở trong việc tìm kiếm hướng đi riêng, tạo nên sự đặc trưng trong sản phẩm và cách tiếp cận thị trường.
Chị Nguyễn Thị Hà, Giám đốc công ty cho biết: “Được sự hỗ trợ rất quý giá từ nguồn kinh phí khuyến công quốc gia với mức 300 triệu đồng để mua sắm thiết bị máy móc hiện đại, hiện trung bình mỗi tháng, công ty xuất bán khoảng 10.000 sản phẩm ra thị trường, tạo việc làm ổn định cho 10 lao động địa phương… Nếu không được nguồn vốn khuyến công tiếp sức kịp thời, tổ hợp tác rất khó đầu tư thiết bị vì bao nhiêu vốn liếng đều tập trung thu mua nguyên liệu. Từ nguồn hỗ trợ của vốn khuyến công, tổ hợp tác mạnh dạn vay vốn ngân hàng để đầu tư máy và ứng vốn cho bà con mở rộng diện tích trồng các loại thảo dược, đáp ứng nguồn nguyên liệu sau khi đưa máy vào hoạt động.
Công ty Cổ phần Biển Quỳnh, công ty chuyên chế biến thuỷ hải sản được nguồn vốn khuyến công quốc gia hỗ trợ kinh phí 400 triệu đồng để đầu tư máy móc hiện đại, cải tiến được quá trình chế biến sản phẩm
Anh Hồ Mạnh Hoàn - Giám đốc Công ty CP Biển Quỳnh, công ty chuyên chế biến thuỷ hải sản (TX Hoàng Mai - Quỳnh Lưu) vui mừng nói: “Năm 2019, công ty được nguồn vốn khuyến công quốc gia với kinh phí 400 triệu đồng để đầu tư máy móc hiện đại, cải tiến quá trình chế biến sản phẩm. Trong quá trình hỗ trợ, công ty luôn được trung tâm khuyến công hướng dẫn nhiệt tình và không có vướng mắc nào. Từ gần 20 lao động, đến nay, công ty đã nâng công suốt và tạo việc làm cho trên 40 lao động… tạo thu nhập thêm cho người dân trong vùng, nên bà con rất vui”, anh Hoàn chia sẻ.
Theo ông Nguyễn Xuân Thanh, việc hỗ trợ đầu tư máy móc, thiết bị tiên tiến vào sản xuất đã kịp thời khuyến khích các cơ sở công nghiệp nông thôn, ngành nghề thủ công mỹ nghệ đầu tư đổi mới thiết bị công nghệ, nâng cao năng lực sản xuất, tạo ra sản phẩm mới. Chất lượng sản phẩm không ngừng nâng lên, từng bước đáp ứng nhu cầu thị trường.
Nguồn: Báo công thương