Sáng 18/11, UBND tỉnh Nghệ An tổ chức hội nghị tổng kết hoạt động khuyến công, sản xuất sạch hơn giai đoạn 2016 – 2020 và kết nối cung cầu tiêu thụ sản phẩm Nghệ An năm 2020.

452 đề án khuyến công được triển khai giai đoạn 2016 – 2020.
Về thực hiện chương trình khuyến công địa phương, giai đoạn 2016 - 2020, tỉnh Nghệ An có 452 đề án khuyến công được triển khai với tổng kinh phí hỗ trợ là là 38,995 tỷ đồng. Trong đó, kinh phí cấp huyện trích hỗ trợ 2,250 tỷ đồng, chiếm 5,77%, kinh phí tỉnh hỗ trợ 417 đề án với 22 tỷ đồng chiếm 56,42%, nguồn kinh phí quốc gia hỗ trợ 35 đề án, kinh phí 14,745 tỷ đồng, chiếm 37,81%. 


Tham dự hội nghị có đại diện Cục Công Thương địa phương - Bộ Công Thương, lãnh đạo Sở Công Thương các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, lãnh đạo UBND tỉnh Nghệ An

Các đề án khuyến công sau khi đi vào sản xuất kinh doanh, cơ bản đã phát huy hiệu quả trong việc nâng cao năng lực quản lý cho các cơ sở công nghiệp nông thôn (CNNT); hỗ trợ xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật, chuyển giao công nghệ và tiến bộ khoa học kỹ thuật; hỗ trợ liên doanh, liên kết, hợp tác kinh tế và phát triển các cụm công nghiệp; hỗ trợ phát triển sản phẩm CNNT tiêu biểu.
Nhiều kết quả đạt được trong vòng 05 năm qua như hỗ trợ 71 cơ sở sản xuất đầu tư xây dựng dây chuyền sản xuất mới, mở rộng quy mô sản xuất; Hỗ trợ cho 07 làng nghề và làng có nghề mua sắm thiết bị, công dụng cụ sản xuất; Hỗ trợ xây dựng 09 mô hình trình diễn kỹ thuật; Tổ chức 44 lớp đào tạo nghề, truyền nghề ngắn hạn cho 1.370 lao động; Tổ chức 32 hội nghị, hội thảo, khởi sự, tập huấn đã thu hút được hơn 4.490 lượt người tham dự; Tổ chức 17 đoàn khảo sát, mở rộng thị trường, học tập kinh nghiệm trong và ngoài tỉnh về quản lý, phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và xây dựng làng nghề; Hỗ trợ lập quy hoạch chi tiết cho 08 cụm công nghiệp…
Cũng trong giai đoạn này, chương trình đã tổ chức 3 đợt bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu các cấp. Đã có 113 sản phẩm đạt giải cấp huyện, trong đó có 51 sản phẩm đạt giải cấp tỉnh, 16 sản phẩm đạt giải khu vực phía Bắc và 8 sản phẩm đạt giải cấp quốc gia. Cùng với đó hỗ trợ được cho hơn 500 lượt doanh nghiệp tham gia trưng bày, giới thiệu sản phẩm tại 25 kỳ hội chợ triển lãm trong và ngoài tỉnh…


Giám đốc Sở Công Thương Nghệ An Hoàng Văn Tám khai mạc hội nghị.

Về kết nối cung cầu, đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm sản xuất trong tỉnh, giai đoạn 2016 - 2020, tỉnh đã tổ chức 04 Hội nghị kết nối cung - cầu hàng hóa tỉnh Nghệ An với các tỉnh, thành phố trong khu vực.
Đồng thời xây dựng và triển khai 02 mô hình tiêu thụ nông sản và cung ứng vật tư nông nghiệp; tổ chức 04 điểm bán hàng Việt tại thành phố Vinh, Con Cuông, Quế Phong; tổ chức 18 chương trình đưa hàng Việt về nông thôn, miền núi; xây dựng và đưa vào vận hành 01 Phòng trưng bày, giới thiệu và bán sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu và sản phẩm OCOP.
Thông qua các hội nghị giao thương kết nối cung cầu, đến nay, đã có trên 200 biên bản ghi nhớ hợp tác kinh doanh được ký kết, từ đó đã hình thành được hơn 100 hợp đồng tiêu thụ các sản phẩm trên địa bàn tỉnh.
Tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp kết nối giao thương, tiêu thụ sản phẩm
Kế hoạch hành động áp dụng sản xuất và tiêu dùng bền vững trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2021- 2025 đặt ra một số mục tiêu: Xây dựng 20 mô hình trình diễn kỹ thuật; về sản xuất sạch hơn cho 5 cơ sở công nghiệp nông thôn; xây dựng hệ thống xử lý ô nhiễm môi trường cho 5 cơ sở công nghiệp nông thôn; Hỗ trợ 150 đề án đầu tư xây dựng dây chuyền sản xuất mới, mở rộng quy mô sản xuất…

Hội nghị trưng bày, giới thiệu nhiều sản phẩm CNNT tiêu biểu của tỉnh.

Về sản xuất bền vững, giảm 2,5 - 4% mức tiêu hao nguyên nhiên vật liệu của các ngành sản xuất, cụ thể dệt may, thép, nhựa, hóa chất, xi măng, rượu bia nước giải khát, giấy và chế biến thủy hải sản; Có từ 70% - 80% các khu, cụm công nghiệp, làng nghề được phổ biến, nâng cao nhận thức về sản xuất và tiêu dùng bền vững; Có 50% các siêu thị, trung tâm thương mại phân phối, sử dụng sản phẩm bao bì thân thiện môi trường thay thế dần cho sản phẩm bao bì nhựa dùng một lần, khó phân hủy
Ông Nguyễn Thế Lanh - Phó Giám đốc Trung tâm Tư vấn và Phát triển công nghiệp 1 (Cục Công Thương địa phương) đề nghị, tỉnh Nghệ An cần tiếp tục triển khai các hoạt động khuyến công theo định hướng: tiếp tục thúc đẩy phát triển công nghiệp khu vực nông thôn theo cả chiều rộng và chiều sâu; tăng cường sự phối kết hợp giữa trung ương và địa phương, có nhiều giải pháp đồng bộ bám sát tình hình cở sở; tập trung hỗ trợ các ngành và sản phẩm công nghiệp ưu tiên làm nền tảng cho hiện đại hóa nông thôn; đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ phi tài chính; tăng cường xúc tiến thương mại.

Các gian hàng được trưng bày bắt mắt, thu hút đại biểu tham quan.

Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Lê Ngọc Hoa nhấn mạnh, thời gian qua, Nghệ An đã thu hút các dự án đầu tư lớn; từng bước hình thành chuỗi sản xuất gắn với thị trường tiêu thụ, tạo cơ hội cho các doanh nghiệp, tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động, đóng góp chung vào sự phát triển kinh tế xã hội của tỉnh.
Tuy nhiên, hoạt động khuyến công và sản xuất sạch hơn vẫn còn không ít những tồn tại, khó khăn như nguồn lực phân bổ cho hoạt động khuyến công và sản xuất sạch hơn vẫn còn hạn chế, do ảnh hưởng dịch bệnh, nguồn lực phân bố còn hạn chế, các cơ sở DN nhỏ và siêu nhỏ, khả năng cạnh tranh chưa cao, một số địa phương chưa thực sự quan tâm đến phát triển CNNT... Về hoạt động kết nối cung cầu, do thiếu doanh nghiệp làm cầu nối nên nhiều sản phẩm nông sản chưa đáp ứng được nhu cầu, chất lượng chưa đồng đều, dẫn đến cung vượt cầu hoặc ngược lại...

 
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Lê Ngọc Hoa đã trao bằng khen Chủ tịch UBND tỉnh cho 07 tập thể và 08 cá nhân có thành tích xuất sắc trong hoạt động khuyến công và SXSH giai đoạn 2016 - 2020

Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị Sở Công Thương tiếp tục nghiên cứu, rà soát các nội dung liên quan, các đề án, kế hoạch về công tác khuyến công; chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan thường xuyên nắm bắt thông tin, hỗ trợ doanh nghiệp tiếp tục thực hiện việc kết nối giao thương, sớm hiện thực hóa các nội dung đã ký kết. Các địa phương tiếp tục đồng hành cùng doanh nghiệp để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Doanh nghiệp, cơ sở sản xuất chủ động hơn trong việc học hỏi, nâng cao trình độ; chủ động nghiên cứu, ứng dụng đổi mới công nghệ trong sản xuất; liên kết hỗ trợ nhau để cùng phát triển sản phẩm.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh mong rằng, Cục Công Thương địa phương (Bộ Công Thương) tiếp tục hỗ trợ Nghệ An trong việc phát triển CNNT, hỗ trợ doanh nghiệp Nghệ An trong việc kết nối, tiêu thụ sản phẩm.
Dịp này, Tỉnh Nghệ An trao giấy chứng nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh năm 2020. Các đối tác là các nhà đầu tư, doanh nghiệp, nhà phân phối đã ký bản thỏa thuận hợp tác đầu tư và mua bán sản phẩm của nhau.

 

Theo Báo Công Thương