Theo số liệu từ Sở Công Thương Nghệ An, tính đến hết năm 2018 trên địa bàn tỉnh đã có 378/431 xã đạt tiêu chí số 4 về điện nông thôn trong xây dựng nông thôn mới, trong đó có 218 xã đạt chuẩn đã được công nhận. Nghệ An hiện đã cơ bản bàn giao xong lưới điện nông thôn cho Công ty Điện lực Nghệ An quản lý, vận hành và kinh doanh.
Mặc dù Nghệ An đã được Tổng Công ty điện lực miền Bắc và Tập đoàn Điện lực Việt Nam đầu tư cải tạo 747,733 km đường dây hạ thế nông thôn tiết diện nhỏ, dây dẫn không bảo đảm lên vận hành dây có tiết diện lớn hơn, xây dựng mới 21,5 km đường dây trung thế. Riêng giai đoạn 2016 - 2018, toàn tỉnh đã xây dựng, nâng cấp thêm được 1.553,5 km hệ thống đường điện các loại với tổng kinh phí 348,943 tỷ đồng.
Tuy nhiên theo đánh giá từ Sở Công Thương tỉnh, lưới hạ áp sau tiếp nhận hầu hết xuống cấp, không đảm bảo vận hành an toàn và tổn thất điện năng cao. Phần lớn các trạm biến áp thường có bán kính cấp điện rộng dẫn đến cuối đường dây điện áp thấp, chất lượng điện kém và tổn thất điện năng cao. Dây dẫn được vận hành lâu năm, chất lượng xuống cấp, còn tồn tại dây nhôm lưỡng tính, dây A16, A10 tẻ đôi. Rất ít cột bảo đảm theo tiêu chuẩn, có nhiều cột betong do dân tự đúc thấp và tồn tại nhiều cột tre gỗ không bảo đảm an toàn vận hành.
Hành lang an toàn lưới điện cũng không bảo đảm, cột điện không được di dời kịp thời khi mở đường xây dựng nông thôn mới ảnh hưởng an toàn giao thông. Lưới điện hạ thế 0,4kV hay bị ngắt mạch giữa các pha gây nên sự cố, tiềm ẩn nguy cơ cháy máy biến áp. Tình trạng dây ra sau công tơ của nhiều khách hàng khu vực nông thôn không đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật khá phổ biến.
Cũng theo đại diện Sở Công Thương Nghệ An, lưới điện hạ áp nông thôn của tỉnh còn phải được tiếp tục cải tạo khoảng 7.500km và dự tính cần 2.000 tỷ đồng để đầu tư, thay dây cáp vặn xoắn toàn bộ khối lượng trên; cần thêm 500 tỷ đồng để cải thiện chất lượng lưới điện, giảm tổn thất điện năng. Hiện tại, Công ty Điện lực Nghệ An đã thống kê khối lượng cần cải tạo của từng xã đăng ký với Tổng công ty Điện lực miền Bắc phân bổ nguồn vốn để thực hiện.
Tuy nhiên, do khối lượng đầu tư quá lớn, Sở Công Thương Nghệ An đề nghị Bộ Công Thương đề xuất với Chính phủ hàng năm đưa vào danh mục hỗ trợ kinh phí từ nguồn ngân sách Trung ương để xây dựng các công trình kỹ thuật điện nông thôn; thông qua các dự án ODA, vốn vay ưu đãi để đầu tư điện nông thôn đặc biệt là chính sách vốn ngân sách nhà nước đầu tư cho các thôn bản, vùng sâu, vùng xa và những nơi chưa có điện.
TTCN (arit)