Trong bối cảnh hiện nay, phát triển sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp công nghiệp nông thôn nói riêng đã và đang có nhiều thay đổi; do đó, chính sách khuyến công cũng cần điều chỉnh cho phù hợp hơn.

Ông Phạm Văn Hóa - Giám đốc Sở Công Thương Nghệ An - khẳng định, khuyến công là chương trình lớn, có ý nghĩa đặc biệt trong quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, góp phần quan trọng trong phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp và giải quyết việc làm cho người lao động.

Năm vừa qua, dù ảnh hưởng của dịch bệnh nhưng đội ngũ làm công tác khuyến công đã rất nỗ lực. Theo đó, 8 đề án khuyến công quốc gia, 39 đề án khuyến công địa phương đã được thực hiện với tổng kinh phí hơn 6 tỷ đồng. Nghệ An hiện cũng có 62 sản phẩm được công nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh, 15 sản phẩm cấp khu vực, 11 sản phẩm cấp quốc gia. Năm 2021, Nghệ An cũng được công nhận 6 sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp khu vực, 4 sản phẩm cấp quốc gia.

Nghệ An cũng rất chú trọng xây dựng chính sách làm nền tảng cho công tác khuyến công phát huy hiệu quả. Trong đó, Chương trình khuyến công tỉnh Nghệ An giai đoạn 2021-2025 cũng đã được ban hành với tổng kinh phí hỗ trợ đạt 150% so với chương trình giai đoạn trước. Cùng đó, chính sách mới cho phát triển công nghiệp tiểu thủ công nghiệp cũng được ban hành với 3 nhóm chính sách, gồm: Chính sách hỗ trợ phát triển cụm công nghiệp; phát triển tiểu thủ công nghiệp và phát triển công nghiệp hỗ trợ. Đây sẽ là những nền tảng tốt cho Nghệ An thúc đẩy phát triển công nghiệp- tiểu thủ công nghiệp.

Tuy nhiên, theo ông Hóa, nhiều chính sách về khuyến công đã được ban hành từ lâu, đơn cử như Nghị định số 45/2012/NĐ-CP về khuyến công ban hành đến nay đã được 10 năm, trong khi đó, điều kiện và xu thế phát triển đã thay đổi rất nhiều, đòi hỏi phải có sự điều chỉnh phù hợp.

Một điểm hạn chế nữa, được ông Hóa đề cập, đó là sự chồng chéo trong công tác quản lý lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Cụ thể, Bộ Công Thương quản lý về khuyến công, công nghiệp nông thôn, hợp tác xã tiểu thủ công nghiệp, trong khi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý làng nghề, hợp tác xã. Các lĩnh vực này giao thoa với nhau dẫn đến khó tạo ra một đầu mối tập trung, kể cả trong hoạch định cơ chế, chính sách.

Trước những bất cập đang tồn tại và từ thực tế triển khai tại địa phương, ông Phạm Văn Hóa, kiến nghị: Bộ Công Thương nghiên cứu điều chỉnh, ban hành các chính sách khuyến công phù hợp với tình hình mới, có quy mô đầu tư lớn; tạo ra động lực và có xu thế mới theo các hiệp định thương mại tự do; chuyển đổi số. “Có những chính sách phù hợp với xu thế này mới có thể phát triển được lĩnh vực khuyến công và tiểu thủ công nghiệp”- lãnh đạo Sở Công Thương Nghệ An nói, đồng thời nhấn mạnh, chính sách mới cần có cơ chế quản lý đồng bộ, hệ thống và tập trung hơn.

Cụ thể, theo lãnh đạo Sở Công Thương Nghệ An, trong xây dựng chính sách nên phân biệt vùng miền, quy mô dân số; quan tâm thực hiện các chương trình phát triển thị trường; có cơ chế hỗ trợ và hướng dẫn cụ thể cho trung tâm khuyến công ở địa phương phát triển các dịch vụ công, như dịch vụ tư vấn.

Ông PHẠM VĂN HÓA - Giám đốc Sở Công Thương Nghệ An:

Chương trình khuyến công đã góp sức đáng kể trong mức tăng trưởng ngành công nghiệp của Nghệ An năm 2021 với chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 16% so với cùng kỳ năm trước, đạt 103,12% kế hoạch.

 

Theo Báo Công Thương