Mặc dù còn chịu tác động từ tình hình kinh tế chưa thực sự ổn định, ngành Công Thương Quảng Trị nỗ lực phấn đấu hoàn thành kế hoạch năm 2024, đồng thời định hướng nhiệm vụ cho năm 2025.

Khắc phục khó khăn, hoàn thành mục tiêu

Theo báo cáo từ Sở Công Thương Quảng Trị, 6 tháng đầu năm, ngành gặp nhiều khó khăn do nhu cầu thị trường suy giảm, đơn hàng tiêu thụ sản phẩm ít, một số dự án trọng điểm của tỉnh triển khai chưa đạt tiến độ đề ra. Chỉ số sản xuất công nghiệp ước tính tăng 2,86% so với cùng kỳ năm trước.

Trong 6 tháng đầu năm 2024, các doanh nghiệp đã đẩy mạnh sản xuất, mở rộng thị trường nên một số sản phẩm đạt mức tăng trưởng so cùng kỳ, như: thủy hải sản chế biến tăng 50,39%; bia lon tăng 18,72%; com lê, quần áo tăng 11,89%; tinh bột sắn tăng 11,62%...
Một số sản phẩm tăng thấp như: Nước máy tăng 8,35%; phân hóa học tăng 6,94%; dăm gỗ tăng 6,50%; điện thuơng phẩm tăng 2,99%; điện sản xuất tăng 2,64%; săm dùng cho xe máy, xe đạp tăng 1,10%; ván ép tăng 0,95%; lốp dùng cho xe máy, xe đạp tăng 0,61%...Một số sản phẩm giảm như: xi măng giảm 5,02%; đá xây dựng giảm 5,84%; nước hoa quả, tăng lực giảm 8,86%; tấm lợp pro xi măng giảm 13,06%; dầu nhựa thông giảm 13,45%; gạch khối bằng bê tông giảm 19,92%; gỗ cưa hoặc xẻ giảm 26,93%; gạch xây dựng bằng đất sét nung giảm 45,96%...

Nhìn chung, ngành Công Thương đã triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc; khôi phục và phát triển sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên doanh nghiệp trên địa bàn chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, dễ tổn thương trong điều kiện cạnh tranh khi nhu cầu của thị truờng trong nuớc và thế giới suy giảm; nhiều dự án trọng điểm của tỉnh chậm đuợc triển khai làm chậm đà phục hồi và phát triển kinh tế của tỉnh. Do vậy, các sản phẩm của doanh nghiệp trên địa bàn có mức tăng trưởng chậm và không đạt chỉ tiêu kế hoạch đề ra.

Trong lĩnh vực thương mại, nửa đầu năm tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng có dấu hiệu khởi sắc hơn so với những tháng đầu năm; hàng hoá trên thị trường phong phú và đa dạng, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng, không để xảy ra tình trạng khan hiếm hàng hóa, tăng giá cục bộ gây bất ổn thị trường. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ ước đạt 17.292,82 tỷ đồng, tăng 12,29% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn mức bình quân chung của cả nước (tăng 10,9%) và đạt 50,9% so với kế hoạch năm 2024 (là 34.000 tỷ đồng).

Tuy nhiên, để đạt được kế hoạch năm 2024 là 34.000 tỷ đồng, trong 6 tháng cuối năm còn rất nhiều khó khăn vì đây không phải là mùa cao điểm cho việc mua sắm, thời tiết thay đổi thất thường, thiên tai bão lũ… sẽ ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động thương mai dịch vụ. Chính vì vậy, cần có sự nỗ lực tích cực của cơ sở, đơn vị kinh doanh doanh cũng như sự vào cuộc một cách tích cực của các cấp chính quyền.

Hoạt động xuất nhập khẩu tăng mạnh; kim ngạch xuất nhập khẩu qua địa bàn tỉnh 6 tháng ước đạt 381 triệu USD, tăng 27%, trong đó xuất khẩu đạt 133 triệu USD, tăng 39%, nhập khẩu đạt 248 triệu USD, tăng 22%.

Đánh giá về bức tranh Công Thương trong nửa đầu năm 2024, đại diện Sở Công Thương Quảng Trị cho rằng, tình hình phát triển công nghiệp, thương mại vẫn giữ được mức tăng trưởng ổn định so với cùng kỳ. Hoạt động thương mại dịch vụ dần cải thiện, đặc biệt trong quý II/2024, các hoạt động thương mại và kinh doanh dịch vụ khôi phục và đạt mức tăng trưởng khá cao (đạt trên 50% so kế hoạch đề ra).

Đặc biệt dịch vụ du lịch, doanh thu bán lẻ hàng hóa; lưu trú, ăn uống và vui chơi giải trí diễn ra khá nhộn nhịp do bước vào mùa du lịch, tỉnh tổ chức lễ hội, các sự kiện đã thu hút khách du lịch trong và ngoài nước đến tham quan, mua sắm và nghỉ dưỡng. Các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối cung cấp hàng hóa được triển khai tích cực, góp phần thúc đẩy hoạt động thương mại, dịch vụ phát triển, hàng hóa trên địa bàn tỉnh lưu thông thông suốt, không có hiện tượng khan hàng, gây sốt giá.

Các chỉ tiêu phát triển của ngành mặc dù có mức tăng trưởng dương, tuy nhiên vẫn thấp hơn so với kế hoạch đề ra. Sản xuất công nghiệp tăng trưởng chậm, thấp hơn so với kịch bản đề ra (IIP chỉ tăng 2,86%); áp lực lạm phát vẫn hiện hữu. Hoạt động sản xuất kinh doanh gặp nhiều khó khăn, đặc biệt ngành công nghiệp chế biến chế tạo, đóng vai trò động lực quan trọng cho tăng trưởng ngành, tăng thấp (+2,68%), đây là mức tăng trưởng thấp nhất từ trước đến nay; nguyên nhân chủ yếu là do nhu cầu suy giảm kinh tế thế giới và trong nước nên đơn hàng tiêu thụ sản phẩm gặp khó khăn; việc đầu tư vào ngành này trong năm khó khăn hạn chế, ngành điện trong 2 năm 2022-2023 là động lực tăng trưởng của ngành công nghiệp nhưng 6 tháng đầu năm nay không có dự án mới hoàn thành đi vào hoạt
Dù có nhiều khó khăn, năm 2024 ngành Công Thương Quảng Trị phấn đấu đạt chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) ước tăng 7,5% so với năm 2024. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng (giá hiện hành) 35.000 tỷ đồng; kim ngạch xuất khẩu đạt 400 triệu USD; kim ngạch nhập khẩu đạt 300 triệu USD.

Định hướng cho năm 2025

Trên cơ sở kết quả đạt được trong nửa đầu năm 2024, phân tích tình hình và dự kiến kết quả đạt được cả năm, Sở Công Thương Quảng Trị đã xây dựng kế hoạch phát triển công nghiệp – thương mại năm 2025.

Theo đó, năm 2025, về công nghiệp, Quảng Trị tiếp tục cơ cấu lại các ngành công nghiệp chủ lực theo hướng chuyển dịch từ các ngành thâm dụng tài nguyên, lao động sang các ngành thâm dụng vốn và công nghệ, các ngành công nghiệp xanh; từ các công đoạn có giá trị gia tăng thấp lên các công đoạn có giá trị gia tăng cao trong chuỗi giá trị toàn cầu và khu vực.

Ưu tiên tập trung đầu tư phát triển một số ngành, lĩnh vực có tiềm năng, lợi thế nổi trội để tạo đột phá, gồm: công nghiệp năng lượng; công nghiệp chế biến nông - lâm - thủy sản (nhất là công nghiệp chế biến gỗ); công nghiệp silicat; công nghiệp may mặc; từng bước cải tiến, đổi mới công nghệ các cơ sở hiện có nhằm nâng cao năng lực, hiệu quả và sức cạnh tranh, đảm bảo phát triển ngành công nghiệp hiện đại và bền vững. Tiếp tục tập trung đầu tư hạ tầng và thu hút đầu tư vào các khu kinh tế, các khu, cụm công nghiệp.

Về thương mại, tỉnh tập trung ưu tiên phát triển xuất khẩu các mặt hàng có quy mô xuất khẩu lớn, lợi thế cạnh tranh cao gắn với đa dạng hóa và nâng cao chất lượng sản phẩm xuất khẩu. Gia tăng tỷ trọng xuất khẩu hàng hóa có hàm lượng chế biến sâu, công nghệ cao, có giá trị gia tăng cao, tỷ lệ nội địa hoá lớn, đáp ứng tiêu chuẩn cao về chất lượng và phát triển bền vững của các thị trường.

 Coi trọng thị trường nội địa, nhất là thị trường nông thôn; tạo thị trường tiêu thụ ổn định cho hàng hóa, nhất là nông sản hàng hóa của địa phương; đẩy mạnh xuất khẩu các sản phẩm sản xuất tại địa phương.

Để đạt được mục tiêu trên, ngành Công Thương Quảng Trị tiếp tục triển khai quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các giải pháp bảo đảm cung ứng điện phục vụ sản xuất và tiêu dùng trong thời gian cao điểm năm 2024 và các năm tiếp theo.

Đẩy mạnh phát triển công nghiệp trên cơ sở khai thác, phát huy các ngành có lợi thế như: công nghiệp năng lượng, công nghiệp chế biến nông - lâm - thủy sản, công nghiệp phụ trợ, công nghiệp silicat, dệt may…; sản xuất vật liệu xây dựng cao cấp, công nghiệp khai thác và chế biến khoáng sản. Nâng cao chất lượng và khả năng cạnh tranh, tăng hàm lượng công nghệ cao để tham gia chuỗi giá trị toàn cầu ở một số sản phẩm, lĩnh vực chủ yếu. Đẩy mạnh thu hút các dự án đầu tư công nghiệp lớn, công nghệ tiên tiến để tạo động lực thúc đẩy các ngành công nghiệp của tỉnh phát triển. Kêu gọi đầu tư các dự án năng lượng tái tạo đã được quy hoạch.
 Đẩy mạnh thu hút đầu tư và triển khai thực hiện các dự án động lực tại Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị và các khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp;

Tập trung đầu tư, đổi mới công nghệ, chuyển đổi số trong các ngành công nghiệp mũi nhọn của tỉnh. Khuyến khích đầu tư các dự án công nghiệp mới, công nghệ và thiết bị hiện đại. Tăng cường áp dụng công nghệ tiên tiến để sản xuất sản phẩm đạt tiêu chuẩn xuất khẩu, nhất là trong các lĩnh vực chế biến nông, lâm, thủy sản; khai thác và chế biến khoáng sản; sản xuất vật liệu xây dựng, nhất là vật liệu mới, vật liệu chất lượng cao… Đầu tư xây dựng hệ thống xử lý chất thải, nước thải tại các khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp;

Tăng cường chỉ đạo thực hiện có hiệu quả các chương trình xúc tiến thương mại, chương trình phát triển thương mại điện tử của tỉnh và quốc gia; triển khai các nội dung kế hoạch thực hiện chiến lược xuất khẩu; kết hợp chặt chẽ giữa thương mại truyền thống với hiện đại; theo dõi diễn biến cung cầu, giá cả thị trường các mặt hàng thiết yếu; tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường. Tập trung thu hút đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng thương mại dịch vụ, nhất là thu hút đầu tư, phát triển các siêu thị, trung tâm thương mại tại thành phố Đông Hà và một số đô thị trong tỉnh để thúc đẩy hoạt động kinh doanh thương mại phát triển, gắn phát triển cơ sở hạ tầng với nâng cao chất lượng, hiệu quả của các loại hình dịch vụ, gắn phát triển thương mại dịch vụ với du lịch của địa phương. Tăng cường phát triển hạ tầng thương mại nông thôn, đẩy nhanh tiến trình xã hội hóa trong đầu tư xây dựng và nâng cao hiệu quả trong quản lý, kinh doanh khai thác chợ; tập trung nguồn lực hình thành các chợ đầu mối về nông sản, thủy hải sản để thúc đẩy hoạt động mua bán, trao đổi hàng hóa;

Thu hút các doanh nghiệp đầu tư, hình thành các trung tâm logistics, các trung tâm kho vận trên tuyến Hành lang Kinh tế Đông - Tây phục vụ lưu thông hàng hóa giữa các nước ASEAN, kết nối tuyến Quốc lộ 9 với cảng Cửa Việt, Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo, La Lay. Tích cực thúc đẩy hoạt động thương mại biên giới, khai thác hiệu quả Hiệp định Thương mại biên giới Việt Nam - Lào để thúc đẩy các loại hình dịch vụ trên địa bàn tỉnh phát triển. Triển khai các biện pháp thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu qua các cửa khẩu quốc tế Lao Bảo và La Lay. Phối hợp, hỗ trợ các doanh nghiệp, chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ thực hiện đầu tư cảng Mỹ Thủy và dự án băng chuyền tải than qua cửa khẩu Quốc tế La Lay, tạo điều kiện thuận lợi nhất có thể cho các doanh nghiệp kinh doanh nhập khẩu than đá từ Lào về Việt Nam qua Cửa khẩu Quốc Tế La Lay, phục vụ nhu cầu trong nước cũng như xuất khẩu.

 

TQL-KConline