Tham dự và chủ trì Hội nghị có Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp Châu Hồng Phúc, Cục trưởng Cục Công Thương địa phương Ngô Quang Trung, Giám đốc Sở Công Thương Đồng Tháp Nguyễn Hữu Dũng. Đại diện Lãnh đạo Sở Công Thương, Trung tâm Khuyến công 20 tỉnh, thành phố khu vực phía Nam.
Kết quả hoạt động công thương
Theo báo cáo tại Hội nghị, tiếp tục đà phát triển, 7 tháng đầu năm 2018, ngành Công Thương các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam đã đạt được những thành tựu đáng ghi nhận: Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng bình quân 9,81% so với cùng kỳ năm trước. Nhiều tỉnh có mức tăng trưởng cao: Bình Thuận tăng 17,07%, Long An tăng 16,1%, Hậu Giang tăng 15,25%, Tây Ninh tăng 15,02%, Tiền Giang tăng 12,3%),...
Hoạt động thương mại diễn ra sôi động, hàng hóa trên thị trường đa dạng về mẫu mã, phong phú về chủng loại, các mô hình kinh doanh văn minh, hiện đại không ngừng phát triển; mạng lưới bán lẻ và dịch vụ tiêu dùng được củng cố và ngày càng mở rộng về qui mô kinh doanh. Bảy tháng đầu năm 2018, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ của khu vực phía Nam đạt trên 1.441.787 tỷ đồng, tăng 12,41% so với cùng kỳ năm 2017, chiếm tỷ trọng 57,82% so với cả mước; các địa phương có mức tăng trưởng cao, như: Bình Phước tăng 17,22%, Bình Dương tăng 17,2%, Long An tăng 16,12%, Bến Tre tăng 15,1%,...
Tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa trong bảy tháng đầu năm 2018 đạt 62,866 tỷ USD, tăng 12,07% so với cùng kỳ. Một số địa phương có tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu cao như: Đồng Tháp tăng 40,21%, Kiên Giang tăng 36,18%, Bạc Liêu tăng 23,41%, Long An tăng 21,58%, Cần Thơ tăng 17,4%, Bình Dương tăng 16,9%.
Liên kết phát triển
Tiếp tục các hoạt động liên kết, hợp tác phát triển, các Sở Công Thương tỉnh, thành phố khu vực phía Nam đã tổ chức triển khai nhiều Chương trình liên kết đầu tư, liên kết sản xuất và tiêu thụ hàng hóa; liên kết cung ứng hàng hóa cho các chợ đầu mối, hệ thống siêu thị và các doanh nghiệp có hệ thống phân phối lớn của TP. Hồ Chí Minh. Tiêu biểu như: Chương trình kết nối cung- cầu hàng hóa giữa thành phố Hồ Chí Minh với 20 tỉnh thành Đông - Tây Nam bộ, qua đó đã giúp doanh nghiệp kết nối, tiêu thụ hàng hóa, phát triển sản xuất kinh doanh, mở rộng hệ thống phân phối, đại lý, đưa hàng vào siêu thị, trung tâm thương mại, chợ đầu mối,... Tính đến nay, các doanh nghiệp phân phối của TP. Hồ Chí Minh đã đầu tư 13 trung tâm thương mại; 269 siêu thị tổng hợp, chuyên ngành; hơn 500 cửa hàng giới thiệu sản phẩm, đại lý, tổng đại lý tại các tỉnh, thành.
Các Sở Công Thương trong khu vực cũng phối hợp xúc tiến đầu tư, thu hút đầu tư xây dựng hạ tầng; trao đổi thông tin về công tác triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ đầu tư hạ tầng cụm công nghiệp (CCN), hỗ trợ di dời; trao đổi thông tin về việc hình thành và tổ chức hoạt động của các CCN. Trao đổi kinh nghiệm ứng dụng đổi mới công nghệ hướng đến công nghệ sạch, thân thiện với môi trường và xử lý các sự cố về môi trường; phòng chống cháy nổ; phát triển làng nghề và xúc tiến đầu ra cho sản phẩm tiểu thủ công nghiệp; thực hiện Chương trình sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Trao đổi thông tin, kinh nghiệm về xây dựng kế hoạch ứng dụng thương mại điện tử, xây dựng website, tổ chức triển khai và tổ chức đào tạo thương mại điện tử cho doanh nghiệp; về xây dựng Đề án/Kế hoạch thực hiện nhiệm vụ của Ngành…
Bên cạnh đó, các Sở Công Thương cũng thường xuyên trao đổi kinh nghiệm về triển khai xây dựng và thực hiện chương trình bình ổn thị trường trong năm và dịp Tết Nguyên đán đối với các mặt hàng thiết yếu; tổ chức đưa hàng Việt về nông thôn và công tác xã hội hóa phát triển chợ. Phối hợp cung cấp thông tin và mời doanh nghiệp tham gia các hội chợ, triển lãm thương mại; phối hợp kiểm tra, kiểm soát chống hàng hóa nhập lậu, gian lận thương mại, các mặt hàng thiết yếu và các hành vi vi phạm khác nhằm kiểm soát giá cả, góp phẩn bình ổn thị trường...
Thông qua các chương trình liên kết, hợp tác phát triển, học tập, trao đổi thông tin, kinh nghiệm các Sở Công Thương đã cùng thúc đẩy các hoạt động công thương trong khu vực ngày càng phát triển mạnh mẽ.
Phát huy thế mạnh
Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng đánh giá cao những kết quả mà ngành Công Thương các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam đã đạt được. Để đạt được mục tiêu kế hoạch năm 2018, Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng đề nghị các địa phương, đặc biệt là các Sở Công Thương thực hiện nghiêm túc các Nghị quyết chỉ đạo của Chính phủ; Chương trình hành động của ngành Công Thương...; Ưu tiên đầu tư phát triển và khai thác tối đa các khu, CCN đã được thành lập, trong đó tăng cường thu hút các ngành công nghiệp chế biến và công nghiệp phụ trợ; đẩy mạnh thực hiện Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa thời kỳ 2011 - 2020 định hướng đến năm 2030; nâng cao hiệu quả hoạt động xúc tiến thương mại thông qua việc tổ chức tham gia các hội chợ, triển lãm chuyên ngành trong và ngoài nước, tập trung vào các ngành hàng xuất khẩu có thế mạnh của khu vực nhằm củng cố, phát triển thị trường xuất khẩu truyền thống và khai thác thị trường xuất khẩu mới; theo dõi, nắm bắt kịp thời thông tin thị trường, tuyên truyền về Hiệp định thương mại tự do quan trọng mà Việt Nam đã tham gia ký kết chính thức được áp dụng để tạo sự chủ động cho các doanh nghiệp trong việc chủ động nắm bắt cơ hội mới.
Thứ trưởng nhấn mạnh: Với thế mạnh về nông - thủy sản vùng Tây Nam Bộ, cần tập trung phát triển công nghiệp chế biến sâu nông, thủy sản và thực phẩm (trái cây, lúa gạo, thủy sản) theo hướng gắn với vùng sản xuất nguyên liệu, đa dạng hóa sản phẩm và mở rộng thị trường tiêu thụ; xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm thuộc hai lĩnh vực này, góp phần thúc đẩy xuất khẩu ra nước ngoài. Chú trọng xây dựng những “cánh đồng lớn”, phát triển các mô hình lúa - cá có giá trị cao hơn, xây dựng thương hiệu cho các mặt hàng thủy sản, gạo thành phẩm.
Đối với các địa phương vùng Đông Nam Bộ, cần ưu tiên phát triển nhanh các ngành công nghiệp công nghệ cao, công nghệ sạch, tiết kiệm nguyên liệu, năng lượng và tạo nhiều giá trị gia tăng, trong đó ưu tiên phát triển công nghiệp điện tử và công nghệ thông tin trở thành ngành mũi nhọn, phát triển mạnh công nghiệp hỗ trợ nhằm nâng cao tính chủ động trong sản xuất sản phẩm như sản xuất linh kiện, phụ kiện, sửa chữa, bảo dưỡng. Đồng thời, đề nghị thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Cần Thơ tiếp tục với vai trò là đầu tàu toàn khu vực, phối hợp với các tỉnh, thành phố trong khu vực để phát triển vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, vùng kinh tế trọng điểm Đồng bằng sông Cửu Long theo hướng phát huy thế mạnh của từng địa phương, tạo sự phát triển toàn diện bền vững cho khu vực, đồng thời chủ động hội nhập, mở rộng giao thương, hợp tác kinh tế có hiệu quả với các nước trong khu vực và trên thế giới.
Được sự đồng ý của Bộ Công Thương, Sở Công Thương tỉnh Đồng Tháp đã trao cờ đăng cai tổ chức Hội nghị ngành Công Thương các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam lần thứ VI năm 2019 cho Sở Công Thương tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.
TBT.KConline