Mới đây, tại Hà Nội. Bộ Công Thương tổ chức Hội thảo: “Ngành Công Thương đảm bảo công tác an toàn thực phẩm vì quyền lợi người tiêu dùng” với mục đích tăng cường trách nhiệm QLNN về ATTP nhằm giải quyết các vấn đề cấp bách về ATTP trong tình hình mới, đồng thời nhằm tăng cường hơn nữa vai trò, trách nhiệm của người sản xuất, kinh doanh thực phẩm và nâng cao nhận thức, kiến thức của người tiêu dùng trong công tác bảo đảm an toàn thực phẩm.

Thực phẩm an toàn là nhu cầu thiết yếu và là đòi hỏi chính đáng của mọi người dân. Vấn đề an toàn thực phẩm hiện đang được Đảng, Nhà nước và toàn xã hội hết sức quan tâm, cả hệ thống chính trị đã và đang vào cuộc. Ban Bí thư đã có Chỉ thị số 08-CT/TW ngày 21/10/2011 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với vấn đề an toàn thực phẩm trong tình hình mới; Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 43/2017/QH14 về đẩy mạnh việc thực hiện chính sách pháp luật về an toàn thực phẩm giai đoạn 2016 - 2020; Chính phủ và Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã ký Chương trình phối hợp số 90/CTrPH/CP-ĐCTUBTW MTTQVN ngày 30/3/2016 vận động và giám sát bảo đảm an toàn thực phẩm. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 13/CT-TTg ngày 9/5/2016 về tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm, trong đó gắn trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan quản lý về an toàn thực phẩm từ Trung ương đến địa phương và Chỉ thị số 17/CT-TTg ngày 16/08/2018 về tăng cường đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng thuộc nhóm hàng dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, dược liệu và vị thuốc y học cổ truyền.

Phát biểu khai mạc tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Công Thương Cao Quốc Hưng cho biết, Bộ Công Thương là một trong ba cơ quan được Chính phủ giao triển khai công tác quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm. Thời gian qua, Bộ Công Thương đã quyết liệt triển khai đồng bộ với nhiều giải pháp các nhiệm vụ quản lý nhà nước để hỗ trợ cho các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thực phẩm khẳng định thương hiệu cũng như góp phần xây dựng, phát triển thị trường thực phẩm an toàn. Đồng thời, Bộ cũng đã và đang rất tích cực trong việc triển khai các chính sách hỗ trợ các đối tượng thuộc phạm vi quản lý nhằm đảm bảo công tác an toàn thực phẩm vì quyền lợi người tiêu dùng.

Cụ thể, Bộ Công Thương đã phối hợp với các cơ quan, ban ngành có liên quan xây dựng, ban hành về an toàn thực phẩm; Chỉ đạo các đơn vị triển khai đầy đủ các chính sách pháp luật của nhà nước về an toàn thực phẩm, các chương trình hỗ trợ, thúc đẩy các đơn vị kinh doanh thực phẩm an toàn để cung cấp cho thị trường; Tăng cường chỉ đạo công tác thông tin truyền thông và nâng cao ý thức cộng đồng về an toàn thực phẩm.

Bộ Công Thương đã chủ động, tích cực phối hợp với các Bộ/ ngành thực hiện chương trình phối hợp giữa Chính phủ và Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam về tuyên truyền, vận động, giám sát bảo đảm an toàn thực phẩm; Chương trình phối hợp giữa Chính phủ với Hội nông dân Việt Nam, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam về tuyên truyền, vận động sản xuất, kinh doanh nông sản thực phẩm an toàn về sức khoẻ cộng đồng.

Bên cạnh đó, triển khai hệ thống thông tin an toàn thực phẩm quốc gia; tổ chức các hội thảo về an toàn thực phẩm, xây dựng chuyên mục Ngon sạch 3 miền, chuyên mục, bài viết về an toàn thực phẩm trên báo điện tử và báo giấy; Lễ phát động “Triệu chữ ký” vì an toàn thực phẩm; tổ chức các chương trình kết nối tiêu thụ nông sản an toàn vào hệ thống phân phối, tuần hàng đặc sản tại các hệ thống siêu thị…

Bộ cũng đã hỗ trợ các địa phương xây dựng mô hình thí điểm chợ an toàn thực phẩm và hỗ trợ các doanh nghiệp xây dựng mô hình các cơ sở thực phẩm kinh doanh thực phẩm an toàn; đẩy mạnh công tác kiểm tra, thanh tra và xử lý vi phạm.

Đại diện Vụ Thị trường trong nước, bà Lê Việt Nga - Phó Vụ trưởng chia sẻ, tại Việt Nam, với hơn 96 triệu dân là một trong những nguyên nhân thúc đẩy thị trường bán lẻ những năm gần đây phát triển với tốc độ nhanh, khoảng 10%/năm. Doanh thu bán lẻ và dịch vụ tiêu dùng từ 2010 đến nay tăng gấp hơn 2 lần. Nhu cầu tiêu dùng các mặt hàng nông sản thực phẩm của người dân cũng tăng nhanh qua các năm.

Sự phát triển nhanh của hệ thống phân phối trong nước mặc dù đã đem đến nhiều thành tựu đáng ghi nhận nhưng cũng đặt ra nhiều hạn chế, khó khăn cần phải được khắc phục để nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân trong đó có vấn đề bảo đảm an toàn thực phẩm, bảo đảm dinh dưỡng cho sức khỏe cộng đồng.

Để hoàn thành nhiệm vụ được giao góp phần xây dựng nền sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn một cách bền vững, bên cạnh việc tích cực thực hiện các nhiệm vụ được giao cũng như các hoạt động khuyến khích hỗ trợ trên, ngành Công Thương rất cần sự phối hợp của Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Khoa học và Công nghệ, các cơ quan, đơn vị, hiệp hội ngành hàng, các địa phương trong việc quản lý an toàn thực phẩm và phát triển thị trường cho các mặt hàng thực phẩm an toàn.

Bên cạnh đó, Đại diện Vụ Thị trường trong nước cũng đề nghị các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh thực phẩm cần nâng cao tính tự chủ trong sản xuất, kinh doanh, chịu trách nhiệm về hoạt động sản xuất, kinh doanh của chính doanh nghiệp mình, đồng thời cũng phải thực hiện các hoạt động truyền thông, Marketing, xây dựng thương hiệu nhằm khẳng định sự uy tín của sản phẩm và phát triển thị trường một cách bền vững, chinh phục người tiêu dùng Việt Nam, các doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm đáp ứng đúng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật hoặc áp dụng các mô hình sản xuất tiên tiến như GMP, VietGap, HACCP, ISO…nhằm tạo nguồn cung bảo đảm an toàn thực phẩm ra thị trường tiêu thụ.

Bà Phạm Thị Vĩnh Hà (Cục Nghiệp vụ, Tổng cục Quản lý thị trường, Bộ Công Thương) khẳng định, những năm qua, công tác kiểm tra, kiểm soát và xử lý vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm luôn được lực lượng Quản lý thị trường quan tâm, chú trọng, coi đây là một nhiệm vụ quan trọng của lực lượng. Tổng hợp từ báo cáo của các Cục Quản lý thị trường các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, bà Phạm Thị Vĩnh Hà cho biết, trong 5 tháng đầu năm 2019 lực lượng Quản lý thị trường cả nước đã kiểm tra 3.256 vụ, xử lý 2.103 vụ việc vi phạm về an toàn thực phẩm, xử phạt vi phạm hành chính hơn 6,1 tỷ đồng, trị giá tang vật thu giữ hơn 9,6 tỷ đồng.

Chia sẻ tại Hội thảo về trách nhiệm của doanh nghiệp đối với người tiêu dùng trong lĩnh vực an toàn thực phẩm, ông Trịnh Anh Tuấn - Phó Cục trưởng Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng - Bộ Công Thương cho biết, doanh nghiệp cần có trách nhiệm cung cấp thông tin, cung cấp bằng chứng giao dịch, bảo vệ thông tin, trách nhiệm bên thứ ba, bồi thường thiệt hại, giải quyết khiếu nại. Ông Trịnh Anh Tuấn cũng đề cập đến các xu hướng tiêu dùng mới hiện nay thông qua việc sử dụng vật liệu thân thiện với môi trường (ống hút tre, bọc thực phẩm bằng lá chuối); sử dụng các loại hình giao dịch mới (online, công nghệ nền tàng...); áp dụng quy định pháp luật để giải quyết tranh chấp...

Bên cạnh đó, nhiều ý kiến chia sẻ kinh nghiệm của Sở Công Thương và các doanh nghiệp, Hiệp hội về việc triển khai chợ an toàn thực phẩm tại địa phương (Thanh Hóa); công tác đào tạo, tập huấn về an toàn thực phẩm; triển khai hệ thống thông tin an toàn thực phẩm quốc gia; công tác kiểm soát chất lượng hàng hóa tại siêu thị... đã dành được sự quan tâm, đồng thuận của đông đảo các đại biểu tham dự Hội thảo.

Nguồn: moit.gov.vn

Tin đã đăng