Đề án xây dựng mô hình thí điểm sản xuất sạch hơn trong công nghiệp được triển khai thí điểm tại Công ty TNHH Sức Trẻ (Đà Nẵng) với giải pháp cải tạo và lắp đặt hệ thống cấp hơi nhiều đoạn, tổng kinh phí gần 1,83 tỷ đồng. Trong đó, nguồn kinh phí Khuyến công quốc gia hỗ trợ 500 triệu đồng, còn lại doanh nghiệp đầu tư.
Ngày 9/12, tại KCN Liên Chiểu (Liên Chiểu, Đà Nẵng), Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến Thương mại (XTTM)– Sở Công Thương Đà Nẵng tổ chức giới thiệu mô hình thí điểm về áp dụng sản xuất sạch hơn trong công nghiệp với giải pháp cải tạo và lắp đặt hệ thống cấp hơi nhiều đoạn cho công ty TNHH Sức Trẻ (đường số 3, KCN Liên Chiểu).
Ông Lê Quang Hà – Giám đốc Công ty TNHH Sức Trẻ cho biết, khi chưa lắp đặt thiết bị, nước ngưng trong lò sấy khó kiểm soát, ảnh hưởng tới khả năng truyền nhiệt khi sấy. Bên cạnh đó, không tận dụng được nguồn hơi thứ cấp trong nước ngưng; thiết bị thường xuyên bị rò rỉ nước, tăng thời gian và chi phí bảo trì; áp suất hơi không ổn định làm ảnh hưởng đến chất lượng giấy (lúc quá khô, lúc bị ẩm…); nguồn nước ngưng chưa được thu hồi triệt để. Các yếu tố này gây tổn thất hơi lớn, giảm năng suất sấy và tăng chi phí sản xuất.
Từ những yếu tố đó, cùng với sự hướng dẫn, tư vấn của Trung tâm Khuyến công & XTTM TP. Đà Nẵng và tranh thủ nguồn hỗ trợ của Khuyến công quốc gia, Công ty Sức Trẻ đã cùng Trung tâm thực hiện đề án xây dựng mô hình thí điểm về áp dụng sản xuất sạch hơn trong công nghiệp với giải pháp cải tạo và lắp đặt hệ thống cấp hơi nhiều đoạn với tổng kinh phí đầu tư gần 1,83 tỷ đồng, trong đó, doanh nghiệp đầu tư gần 1,33 tỷ đồng, và nguồn Khuyến công quốc gia hỗ trợ 500 triệu đồng.
Hệ thống cấp hơi nhiều đoạn là hệ thống điều khiển bằng lập trình trên máy tính để kiểm soát mạng nhiệt, có hai chế độ làm việc là tự động hoặc có người điều khiển. Các thiết bị đi kèm bao gồm hệ thống điều khiển mềm, các van điều khiển áp suất tự động, hệ thống bình ngưng tụ, đường ống mạng nhiệt, bơm nhiệt cao tầng….
Mạng nhiệt của hệ thống được phân thành 3 tầng hơi cao, hơi trung và hơi thấp. Các cụm sấy được kết nối với nhau, cho phép cài đặt áp suất với các giá trị khác nhau, tùy theo tốc độ và định lượng giấy. Kiểm soát hơi và ngưng tối ưu, tận dụng hơi thứ cấp tối đa cho hệ thống, bình nước ngưng được cài đặt phao tự động để bơm thu hồi về lò hơi. Trước nhóm sấy đầu tiên có lắp mắt thần sẽ đóng hơi khi đứt giấy và tự động mở lại khi bắt giấy qua.
Theo Đại diện Trung tâm Khuyến công & XTTM TP. Đà Nẵng, sau khi vận hành chạy thử hệ thống, theo kết quả định lượng, tất cả các chỉ tiêu đặt ra cho đề án đều đạt và vượt kế hoạch đặt ra. Cụ thể, năng suất máy sấy đã tăng từ 15 – 17% so với khi chưa lắp đặt hệ thống, lượng hơi thất thoát giảm rõ rệt; lượng nhiên liệu giảm trung bình 1.080 tấn/năm; kiểm soát hơi ổn định, lượng hơi dùng đúng đủ, tận dụng triệt để lượng nhiệt thứ cấp, lượng nước thu về lò hơi hiệu quả. Nâng cao hiệu suất máy do giảm được thời gian bảo trì hệ thống. Toàn dây chuyền vận hành tự động 100% giúp năng suất sản phẩm tăng hơn 1.307 tấn/năm.
Ông Bùi Văn Minh – Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến công & XTTM Đà Nẵng cho biết việc triển khai các ứng dụng giải pháp sản xuất sạch hơn đồng bộ tại doanh nghiệp sẽ giảm mức tiêu thụ nước, năng lượng, nguyên vật liệu, chất thải và việc làm, tăng tỷ lệ tái sử dụng chất thải từ các giải pháp này giúp cho doanh nghiệp tăng nguồn tiết kiệm kinh tế; tạo điều kiện cho doanh nghiệp sản xuất công nghiệp tiếp cận công nghệ mới, thúc đẩy đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động. “Với đặc thù các doanh nghiệp sản xuất còn quy mô nhỏ, khó khăn về nguồn lực tài chính, thì sự hỗ trợ này sẽ giúp động viên thiết thực các doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư áp dụng sản xuất sản hơn vào sản xuất, để doanh nghiệp công nghiệp phát triển bền vững”, ông Minh nói.
Phát biểu tại chương trình, Phó Giám đốc Sở Công Thương Đà Nẵng – Bà Nguyễn Thị Thúy Mai cho biết, đây là đề án đầu tiên trong cả nước trong áp dụng công nghệ để sản xuất sạch hơn trong công nghiệp nhận được hỗ trợ kinh phí từ nguồn kinh phí khuyến công quốc gia để thí điểm triển khai áp dụng giải pháp sản xuất sạch hơn. “Trước đây, đối với sản xuất sạch hơn, các doanh nghiệp chỉ được hỗ trợ ở mức tư vấn các giải pháp. Đây là đơn vị đầu tiên trong cả nước, được hỗ trợ kinh phí để đầu tư công nghệ, triển khai giải pháp vào thực tiễn sản xuất”, bà Mai nhấn mạnh và cho biết các kết quả chạy thử máy ban đầu là tín hiệu tích cực cho thấy tính đúng đắn của đề án và mong muốn doanh nghiệp sẽ phát huy có hiệu quả nhất thiết bị đã được đầu tư, bên cạnh đó, lan tỏa mô hình sản xuất sạch hơn đến các doanh nghiệp khác. Bà Mai cũng đề nghị doanh nghiệp tiếp tục nghiên cứu, đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng sản xuất, đặc biệt lưu ý đến đảm bảo các tiêu chí về môi trường.
Được biết, ngoài đề án trên, trong năm 2019, đối với hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất sạch hơn, Trung tâm Khuyến công & XTTM Đà Nẵng còn tiến hành hỗ trợ tư vấn giải pháp sản xuất sạch hơn cho 3 cơ sở sản xuất, doanh nghiệp.
Nguồn: Báo Công Thương