Ngàn năm giữ hồn gốm sứ Việt
Dấu vết của đồ gốm được phát hiện bắt đầu từ các di tích của nền văn hóa Hòa Bình, văn hóa Bắc Sơn thuộc sơ kỳ thời đại đồ đá mới cách đây khoảng trên dưới một vạn năm. Điểm chung của những sản phẩm đồ gốm các nền văn hóa cổ Việt Nam là kỹ thuật tạo hình và trang trí khá đơn giản, chất liệu thô mộc, chưa có tráng men ngoài nên tính nghệ thuật và thẩm mỹ không cao.
Người Trung Hoa đã mang kỹ thuật làm đồ gốm sang Việt Nam vào thời Bắc thuộc. Xét về tổng thể, sản phẩm của họ có nhiều điểm khá vượt trội, từ chất liệu đến kỹ thuật tạo hình. Đồ gốm chắc chắn hơn và được tráng lớp men nhìn khá bắt mắt. Ngày nay, những người thợ đi đào vớt đồ cổ vẫn thường xuyên tìm được đồ gốm Hán Việt (cách gọi của đồ gốm kiểu Hán làm trên đất Việt) ở các vùng Nghệ An, Thanh Hóa, Ninh Bình…
Vương triều nhà Lý (1009-1225) và nhà Trần (1225-1400) là giai đoạn phát triển rực rỡ của gốm Việt với hệ thống sản phẩm đa dạng cùng kỹ thuật tạo hình và nghệ thuật trang trí được đánh giá rất cao. Đến giai đoạn này, đồ gốm không còn đơn thuần chỉ là đồ gia dụng thô mộc nữa mà nó còn là thứ để phân tầng giai cấp giàu nghèo, bình dân và vua quan. Nếu như dân nghèo vẫn phải dùng đồ đất nung không tráng men (thường gọi là đồ sành) hoặc đồ gốm tráng men bình dân với tạo hình hoa văn đơn giản thì giới nhà giàu và vua quan đã có nhiều món đồ gốm tráng men với màu sắc và hình dáng rất đẹp. Những chiếc thạp, ấm, chậu, âu liễn gốm hoa nâu là sản phẩm tiêu biểu của thời kỳ này.
Triều hậu Lê từ thế kỷ 15 đến thế kỷ 18, gốm Việt chuyển sang dòng gốm hoa lam với những nét vẽ men xanh khá đặc trưng mà tiêu biểu nhất là gốm Chu Đậu. Trong giai đoạn từ năm 1990 đến 2002, việc phát hiện, trục vớt 5 con tàu cổ bị đắm chứa rất nhiều đồ gốm sứ thời Lê đã minh chứng cho sự phát triển mạnh của gốm Việt, đã được xuất khẩu ra nhiều nước trên thế giới chứ không còn đơn thuần chỉ để dân ta mua bán tiêu dùng.
Triều Nguyễn (1802-1945), gốm Việt phát triển khá đồng đều ở cả 3 miền Bắc-Trung-Nam với nhiều dòng gốm khác nhau như Bát Tràng, Vạn Ninh, Thổ Hà, Phù Lãng (Bắc Bộ), Châu Ổ, Quảng Đức, Gò Sành (Trung Bộ), Lái Thiêu, Cây Mai, Biên Hòa (Nam Bộ)… nhưng việc xuất khẩu sản phẩm ra nước ngoài lại rất hạn chế. Đồ sứ cũng đã bắt đầu xuất hiện nhưng nhìn chung tính thẩm mỹ và tạo hình của gốm Việt giai đoạn này lại không được đặc sắc bằng thời Lý-Trần và hậu Lê.
Tựu trung, suốt hàng ngàn năm, người Việt sản xuất gốm sứ mục đích chủ yếu làm đồ gia dụng. Một số ít đồ gia dụng phục vụ vua quan, tầng lớp giàu có ít nhiều có tính nghệ thuật. Gốm sứ nghệ thuật có giá trị tự thân với mục đích nghệ thuật để trang trí, sưu tập như những bức tranh mới được sản xuất từ thời kỳ đổi mới đất nước đến nay.
Gốm sứ Việt Nam có nhiều nét riêng biệt, được nhiều nước ưa chuộng
So với gốm sứ các nước, gốm sứ Việt Nam có nhiều nét riêng biệt nên được nhiều nước trên thế giới ưa chuộng. Cùng với xu hướng coi đồ gốm sứ như một dòng sản phẩm nghệ thuật trang trí chứ không còn chỉ là đồ gia dụng đơn thuần thì với hệ thống các làng nghề, dòng gốm, lò gốm và nghệ nhân làm gốm hiện nay, chúng ta hoàn toàn có thể biến gốm sứ nghệ thuật trang trí thành một ngành hàng xuất khẩu mũi nhọn, đem lại nguồn thu nhập cao. Bên cạnh đó, sự phát triển của máy móc, công nghệ đã góp phần giúp các nghệ nhân gốm sứ tạo ra những sản phẩm có kích cỡ lớn, hình dáng đa đạng, màu sắc hoa văn rất lung linh mà trước kia khó lòng có thể chế tác được.
Điều đáng đáng mừng là nhiều dòng gốm cổ xưa từng đứng trước nguy cơ mai một đang được thế hệ con cháu khôi phục sản xuất như gốm Châu Ổ (Quảng Ngãi), gốm Luy Lâu (Bắc Ninh), gốm Chu Đậu (Hải Dương)… Những dòng gốm được duy trì đến hiện tại như gốm Bát Tràng, Thổ Hà, Lái Thiêu, Biên Hòa… thì các sản phẩm kiểu cổ xưa lại đang rất được ưa chuộng, dẫn đến việc sản xuất hàng loạt đồ gốm phỏng cổ, phỏng xưa, làm lại mẫu mã theo những món đồ đã xưa cũ từ mấy chục đến mấy trăm năm về trước.
Dạo quanh một vòng nhiều cửa hàng đại lý gốm sứ trên cả nước có thể thấy cả một hệ thống sản phẩm rất đa dạng về kích cỡ, màu sắc, chủng loại cùng tính thẩm mỹ và nghệ thuật trang trí rất cao. Để nâng cao vị thế của gốm sứ Việt Nam, ngoài phần quảng bá sản phẩm thì những phiên đấu giá đồ cổ quốc tế có sự tham gia của gốm Việt cổ cũng là vấn đề rất đáng lưu tâm. Khi cổ vật gốm Việt càng nổi tiếng, càng có giá trị cao trong các phiên đấu giá quốc tế, điều đó cũng đồng nghĩa sự quan tâm của thế giới đối với sản phẩm gốm sứ Việt Nam sẽ ngày càng được nâng cao, mở ra nhiều cơ hội hơn nữa cho ngành hàng đầy tiềm năng này.
Theo QĐND